Môi trường

Thừa Thiên – Huế: Phòng, chống thiên tai hướng đến cuộc sống an toàn, bền vững

Văn Dinh (thực hiện) 26/06/2023 - 17:52

(TN&MT) - Những năm gần đây, Thừa Thiên - Huế thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các loại hình thiên tai. Để hướng đến cuộc sống an toàn, tạo sinh kế bền vững cho người dân, tỉnh đã và đang có nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực, chủ động phòng chống thiên tai. Xoay quanh vấn đề này, PV Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Đặng Văn Hòa – Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế.

thientai-hue-1.jpg
Ông Đặng Văn Hòa

PV: Xin ông cho biết, tình hình thiên tai diễn ra trên địa bàn tỉnh những năm gần đây?

Ông Đặng Văn Hòa: Do yếu tố địa hình và vị trí đặc biệt về địa lý nên hàng năm Thừa Thiên - Huế thường chịu ảnh hưởng của nhiều loại thiên tai bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Lũ lụt là thiên tai cực kỳ nguy hiểm có cường suất lớn, sức tàn phá khốc liệt, hàng năm gây nhiều thiệt hại cho Thừa Thiên - Huế, điển hình như: bão Cecil 1985, lũ lịch sử 1999, bão Xangsane 2006, bão Ketsana 2009, bão Damrey 2017, mưa lũ 2020.

Trong bối cảnh chung của tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu (BĐKH), tỉnh Thừa Thiên - Huế là nơi đang chịu nhiều tác động do BĐKH. Những hiện tượng thời tiết cực đoan đang có xu hướng xảy ra khắc nghiệt cả về độ lớn và tần suất xuất hiện.

Năm 2020, thiên tai tại tỉnh Thừa Thiên - Huế diễn ra dị thường, khốc liệt, không theo quy luật. Bão, lũ xảy ra liên tiếp, với quy mô rộng lớn, cường độ rất mạnh và gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tình trạng “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân trên địa bàn. Tính riêng địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp của 3 cơn bão (số 5, số 9, số 13), hoàn lưu của 4 cơn bão (số 6, số 7, số 8, số 12) gây ra sức gió cấp 11-12 giật cấp 14-15, kèm theo mưa với 8 đợt mưa rất lớn trên diện rộng. Trong năm 2020 thiên tai làm 41 người chết, 11 người mất tích, thiệt hại 2.273 tỷ đồng.

thientai-hue-2.jpg
Trồng rừng ngập mặn giúp phòng chống thiên tai và tạo sinh kế cho người dân

Năm 2021,  Thừa Thiên - Huế chịu ảnh hưởng của 16 đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường đã gây ra 8 đợt rét, vùng núi có rét đậm, rét hại; 10 đợt nắng nóng diện rộng; 13 đợt mưa diện rộng và mưa lớn diện rộng; ảnh hưởng trực tiếp của 5 hoàn lưu bão và 1 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Trong năm 2022, có 7 cơn bão và 2 ATNĐ hoạt động trên Biển Đông, trong số đó có 3 cơn bão ảnh hưởng đến thời tiết của tỉnh, 21 đợt không khí lạnh; 16 đợt nắng nóng; 10 đợt mưa lớn diện rộng và 2 đợt mưa lớn cục bộ. Trong 5 tháng đầu năm 2023, tại Thừa Thiên - Huế đã ảnh hưởng của 8 đợt không khí lạnh có cường độ trung bình đến mạnh; 6 đợt nắng nóng, 2 đợt mưa lớn…

PV: Trước tình hình trên, tỉnh đã có những giải pháp nào để nâng cao năng lực, chủ động phòng chống thiên tai, tạo sinh kế bền vững giúp người dân phát triển kinh tế?

Ông Đặng Văn Hòa: Là vùng thường xuyên gánh chịu ảnh hưởng của thiên tai nên công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn được các cấp ủy Đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm. Hàng năm, các cấp đều xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai của cấp mình, xây dựng các kịch bản để ứng phó. Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, sự phối hợp nhịp nhàng của các cấp, các ngành và người dân nên đã hạn chế được tối đa thiệt hại về bão lũ gây ra. Qua công tác thực tiễn về phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, tỉnh rút ra một số giải pháp.

Cụ thể, triển khai Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Công tác chỉ đạo ứng phó với thiên tai tuân thủ theo phương châm “4 tại chỗ”, gồm chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ.

thientai-hue-3.jpg
Xây kè chống sạt lở tại Thừa Thiện - Huế

Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, đặc biệt là công tác dự báo, cảnh báo mưa, kịp thời, chính xác về hình thế phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo vận hành các hồ chứa nước. Trồng rừng và bảo vệ rừng (rà soát quy hoạch 3 loại rừng để tích hợp quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, theo đó những diện tích có nguy cơ sạt lở cao sẽ chuyển sang quy hoạch rừng phòng hộ để tăng cường chức năng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tăng cường trồng rừng phòng hộ đa loài để tăng thảm thực vật góp phần bảo vệ, giữ đất; cập nhật các khu vực có nguy cơ sạt lở trên địa bàn tỉnh, đề xuất các giải pháp phòng tránh).

Thực hiện các giải pháp công trình, như chương trình nâng cấp hạ tầng nông thôn ở một số khu vực trọng điểm. Sửa chữa nâng cấp một số công trình giảm lũ như kè, cống, trạm bơm. Xây dựng một số công trình giảm lũ: nạo vét sông ngòi, phòng chống xói lở bờ sông, bờ biển. Chương trình tái thiết và giảm nghèo cho người dân sống ở ven biển và đầm phá. Xây dựng các trung tâm ứng cứu ở vùng ngập úng. Chương trình xây dựng chỗ trú ẩn tàu thuyền và cảng cá. Xây dựng công trình cấp nước nông thôn…

PV: Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện những giải pháp nào trong phòng chống thiên tai để tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương?

Ông Đặng Văn Hòa: Hiện nay, Sở NN&PTNT đang tham mưu cho UBND tỉnh rà soát Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện Chương trình mục tiêu “Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư”.

thientai-hue-4.jpg
Các mô hình VietGap giúp bà con phát triển kinh tế

Tỉnh đã và đang thực hiện các chương trình, dự án, mô hình góp phần phòng chống thiên tai để tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương. Cụ thể, Dự án nâng cao an toàn 12 hồ chứa nước, đập trên địa bàn tỉnh với kinh phí 245 tỷ đồng. Đầu tư nâng cấp đập Cửa Lác ở hạ lưu sông Ô Lâu với kinh phí khoảng 600 tỷ đồng (Đập Cửa Lác có nhiệm vụ ngăn mặn giữ ngọt cho khoảng hơn 5.500 ha lúa của 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế).

Nghiên cứu bổ sung thêm giải pháp giảm lũ cho hạ du lưu vực sông Ô Lâu giữa hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế bằng biện pháp đầu tư công trình phân lũ từ sông Ô Lâu đổ ra Cửa Việt (Quảng Trị). Dự án tiêu thoát lũ vùng hạ du và chống bồi lắp cửa biển. Nạo vét các trục thủy đạo ở hạ lưu sông Hương (bao gồm các chi lưu, kênh, hói), sông Bồ, sông Truồi để tăng khả năng tiêu thoát lũ, kinh phí ước khoảng 500 tỷ đồng.

Xây dựng công trình chống xói lở bờ sông (60 km), chống sạt lở bờ biển (20 km). Dự án xây dựng mới, cải tạo mở rộng và nâng cấp hệ thống các cống trên đê ngăn mặn ven Phá Tam Giang - Cầu Hai để tăng khả năng thoát lũ, chống úng, ngập bảo đảm sản xuất nông nghiệp; kinh phí ước khoảng 500 tỷ đồng. Các công trình chỉnh trị ổn định, chống bồi lấp cửa biển Thuận An, Tư Hiền, cửa biển Lạch Giang, cửa sông Bù Lu. Đầu tư hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo sớm cho vùng hạ du các hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện.

Tỉnh tiếp tục duy trì các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ sản xuất theo tiểu chuẩn VietGAP. Điển hình là các mô hình rau má Quảng Thọ, rau Quảng Thành, hành lá Hương An, mô hình sản xuất cam Nam Đông, nuôi cá lồng theo quy trình VietGAP. Đẩy mạnh sản xuất và quảng bá các sản phẩm sản phẩm OCOP. Ngoài ra, một số mô hình về phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn đang từng bước phát triển mang lại điều kiện sống cũng như sinh kế của người dân…

Văn Dinh (thực hiện)