Đà Bắc (Hòa Bình): Chuyển đổi giống cây trồng giúp đồng bào thoát nghèo
Đà Bắc là huyện núi cao của tỉnh Hòa Bình với điều kiện tự nhiên đặc thù, đất nông nghiệp nằm rải rác tại các thung lũng vì vậy việc sản xuất nông nghiệp rất khó khăn, nhất là với trồng lúa nước. Để giúp người dân thoát nghèo trong nhiều năm qua, UBND huyện cùng các đơn vị chức năng đã nỗ lực tìm các giải pháp chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi, xây dựng các thương hiệu đặc sản của vùng miền đồng thời thu hút phát triển du lịch.
Cấp thiết chuyển đổi giống cây trồng
Là huyện vùng cao của tỉnh Hòa Bình, Đà Bắc có điều kiện tự nhiên tương đối đặc thù. Sự đan xen giữa những dạng địa hình đồi núi, sông suối đã hình thành nên các dải đất có độ dốc tương đối lớn. Từ bao đời nay, nơi đây là nhà chung của những cộng đồng người Kinh, người Dao, người Tày. Họ chùng nhau sinh hoạt, sản xuất kinh tế và giữ gìn bản sắc.
Hiện nay, sản xuất nông – lâm – ngư của huyện chiếm 50% cơ cấu kinh tế, tuy nhiên do điều kiện đặc thù nên đất nông nghiệp của Đà Bắc tương đối ít, chủ yếu là đất rừng. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với phát triển đời sống kinh tế xã hội theo đó cũng được huyện đặc ra và tìm hướng giải quyết.
Một vấn đề nữa mà Đà Bắc đang đối mặt chính là xuất phát điểm của huyện. Với 18/20 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo ở mức cao (chiếm 50%) Đà Bắc rất cần những mô hình kinh tế giúp người dân xóa đói giảm nghèo, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, huyện đã được đầu tư nhiều chương trình phát triển quan trọng. Trong đó trọng tâm là 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số ở miền núi.
Đối với việc phát triển nông nghiệp nhằm thực hiện các chương trình trên, chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một khâu rất quan trọng. Một mặt đây là điều kiện cần cho việc phát triển kinh tế. Mặt khác, chuyển đổi theo hướng thích ứng với điều kiện tự nhiên cũng góp phần thay đổi tư duy, tập quán sinh hoạt theo hướng du canh sang định canh định cư tập trung của người dân toàn huyện.
J02: giống lúa thích ứng với điều kiện của huyện Đà Bắc
Trong những thành công của quá trình chuyển đổi, việc đưa giống lúa J02 về trồng trên địa bàn các xã vùng cao là một điểm sáng mà huyện đã thực hiện được.
Được trồng thử nghiệm cách đây hơn 5 năm, J02 là giống lúa thuần dòng Japonica có nguồn gốc từ Nhật Bản do Viện Di truyền nông nghiệp nhập nội và tuyển chọn, Công ty CP Công nghệ cao Việt Nam độc quyền sản xuất, phân phối. Sau 8 mùa vụ sản xuất, bà con nhận thấy đây là giống sinh trưởng và phát triển tốt, kiểu hình cứng, khả năng chống đổ, chịu rét, kháng sâu bệnh hiệu quả. Giống lúa này cho năng suất cao hơn một số giống thuần khác, với bình quân đạt 65 tạ/ha.
Hiện nay, giống lúa J02 đã có mặt ở nhiều cánh đồng của huyện vùng cao này như Đồng Chum, Mường Chiềng, Giáp Đắt, Hào Lý, Tu Lý, Tân Minh… điều này đã khẳng định sự thành công và hứa hẹn tính mở rộng của mô hình.
Gia đình chị Lường Thị Mơ (xóm Tác, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc) có 6 nhân khẩu với khoảng 3000 mét vuông đất trồng lúa. Trước đây gia đình chị trồng các giống lúa cũ, thu hoạch năng suất thấp, kháng sâu bệnh kém, gạo ăn hay bị cứng. Tuy nhiên từ khi được huyện cung ứng, chuyển giao công nghệ trồng giống lúa J02, gia đình chị đã chuyển đổi toàn bộ đất lúa sang trồng giống mới. Chị Mơ cho biết sau khi trồng giống mới. Năng suất tăng cao, những nhược điểm của các giống lúa trước đây đã được khắc phục. Đặc biệt khi gạo được nấu chín, cơm vừa dẻo, thơm hạt lại mềm, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Theo ông Bàn Văn Chuồn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Minh cho biết: “Hiện toàn xã có 85ha diện tích đất trồng lúa, trong đó 1ha được hỗ trợ cung cấp và hướng dẫn trồng thử nghiệm giống J02. Sau một thời gian trồng, giống lúa này cho kết quả rất tốt, năng suất cao, ít sâu bệnh so với giống lúa khác. Xã rất mong muốn Phòng Nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ giống lúa mới này để trồng đại trà cho những vụ tiếp theo”.
Hiện tại, do nhu cầu tiêu dùng lớn, thị trường tiêu thụ loại gạo này đang rất rộng mở. Tại các gian hàng gạo trên địa bàn huyện cũng như thành phố Hòa Bình. Gạo từ giống J02 đang được bán với giá 20.000 đồng/kg.
Nhận thấy tiềm năng và lợi thế của gạo J02, huyện Đà Bắc đã lựa chọn đưa vào trồng thử nghiệm tại 9 xã trên địa bàn (diện tích hơn 60 ha) với sự tham gia của hơn 300 hộ. Cùng với việc nâng cao năng suất chất lượng của lúa J02, huyện cũng tập trung vào việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Mục tiêu của huyện là tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Gạo Đà Bắc” cho sản phẩm gạo J02. Đây là cơ sở quan trọng nhằm giữ gìn, phát huy thương hiệu và quản lý chất lượng sản phẩm tốt hơn, góp phần tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thông qua bộ nhận diện nhãn hiệu, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người sản xuất. Hiện nay, UBND tỉnh Hòa Bình đã cho phép huyện UBND huyện Đà Bắc xây dựng nhãn hiệu tập thể “Gạo Đà Bắc” cho sản phẩm Gạo J02.
Việc xây dựng thương hiệu gạo J02 Đà Bắc đã tạo ra sự riêng có trong sản phẩm của địa phương. Từ đó giá trị của sản phẩm này sẽ được nâng lên, góp phần đưa gạo Đà Bắc phát triển trên thị trường cả nước. Cùng với chủ trương của tỉnh Hòa Bình về đẩy mạnh xây dựng, phát triển triển du lịch trên địa bàn tỉnh, gạo J02 sẽ góp phần vào thu hút khách du lịch. Đặc sản gạo J02 sẽ là tên gọi ấn tượng du khách trong và ngoài nước khi đặt chân đến nơi đây. Đồng bào vùng sâu, vùng xa huyện Đà Bắc theo đó sẽ có cuộc sống đủ đầy hơn, hình thành nên động lực để họ làm giàu trên chính mảnh đất của mình.