Xã hội

Quảng Nam: Nông dân Đại Lộc vươn lên thoát nghèo

Anh Dũng 26/06/2023 - 16:13

Những năm qua, huyện Đại Lộc tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Với phong trào sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi, giúp nhau giảm nghèo bền vững, đã góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống. Đặc biệt, với mô hình phát triển cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái tại làng du lịch sinh thái Phương Trung đã giúp người dân hồi sinh từ vùng đất “trọc” và vươn lên thoát nghèo.

h1.jpg
Hội Nông dân xã Đại Quang (huyện Đại Lộc) hỗ trợ người dân trồng cây ăn quả (măng cụt) tại Làng sinh thái Phương Trung

Đẩy mạnh phong trào SXKD giỏi, giúp nhau giảm nghèo bền vững

Theo ông Trương Hữu Mai- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã đẩy mạnh phong trào SXKD giỏi, giúp nhau giảm nghèo bền vững; với phong trào thi đua đó các cấp Hội Nông dân tập trung vận động nông dân cải tiến phương thức sản xuất, ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ vào SXKD; cùng với đó thành lập mới 9 hợp tác xã, 52 tổ hợp tác trên các lĩnh vực về trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản… góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của huyện.

Trong nhiệm kỳ (2018 - 2023), toàn huyện có 5.699 hộ gia đình đạt hộ SXKD giỏi các cấp (cấp huyện chiếm 1.870 hộ; cấp tỉnh 1.870 hộ; cấp Trung ương 10 hộ). Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã thu hút đông đảo sự tham gia của hội viên, nông dân và đạt nhiều kết quả tích cực (giúp cho 197 hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững).

Đến nay, huyện Đại Lộc có 20 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao và 17 sản phẩm đạt 3 sao.

Cùng với chăm lo phát triển kinh tế, Hội đã thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và cuộc sống như trao tặng 2.072 suất quà trị giá 1.290,5 triệu đồng cho hội viên nông dân nghèo, khó khăn do đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, trao 58 con bò giống, 500 con gà, 150 lợn giống tổng trị giá 1.094 triệu đồng nhằm tạo thêm điều kiện sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo vươn lên làm giàu như ở xã Đại Cường, Đại Minh, Đại Thạnh, Đại Hồng, Đại An…

Hội Nông dân từ huyện đến cơ sở đã không ngừng huy động, tín chấp các Ngân hàng để hội viên được tiếp cận các nguồn vốn với tổng vốn huy động hơn 200 tỷ đồng. Nhiều hộ vay để sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng, đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Vào các dịp lễ, tết Hội đã vận động các nguồn lực, tặng 5.890 suất quà trị giá 2.356 triệu đồng; 5.237 Bảo hiểm tai nạn giá trị 366,6 triệu đồng; 549 thẻ BHYT trị giá 345 triệu đồng cho hội viên nông dân nghèo, cận nghèo, khó khăn; Hỗ trợ xây dựng 28 nhà “Mái ấm nông dân”, trị giá 1.820 triệu đồng…

h2.jpg
Bà Nguyễn Thị Lý và con trai Phạm Việt Tiến trong Khu nghỉ mát Vườn Dừa Phương Trung của mình

Thích ứng với biến đổi khí hậu, thoát nghèo từ vùng đất "trọc"

Làng Phương Trung (xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) được gọi là vùng đất “trọc” bởi sau trận lũ lụt lịch sử năm 1999- 2000, toàn Làng Phương Trung với gần 380 hộ dân từ nhà cửa, vườn ruộng đến vật nuôi bị cuốn trôi sạch. Sau lũ lụt, làng quê vốn trù phú nhờ nằm về phía tả ngạn và thường xuyên nhận sự bồi lắng phù sa của hệ thống sông Vu Gia- Thu Bồn trở thành vùng đất xác xơ, hoang trọc.

“Qua trận lũ lụt này và các dự báo về sự biến đổi của khí hậu ngày càng phức tạp, địa phương nhận thấy nguy cơ mất an toàn đối với người dân khi sinh sống tại đây. Nên ngay sau đó xã và huyện đã tiến hành quy hoạch, di dời tất cả các hộ dân làng Phương Trung (cũ) lên sống tập trung ở làng mới cao ráo, an toàn hơn. Toàn bộ đất đai ruộng, vườn tại làng cũ được cải tạo lại, chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng phát triển cây ăn trái tổng hợp gắn với chăn nuôi, làm du lịch sinh thái vào mùa khô”- ông Hồ Quý Triều Đổng, Chủ tịch UBND xã Đại Quang cho hay.

Đến Khu nghỉ mát Vườn Dừa Phương Trung, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Lý (61 tuổi)- Chủ khu nghỉ mát và được bà cho biết: “Sau lũ lụt, được sự hỗ trợ của chính quyền xã và huyện, gia đình tôi sau khi di dời lên làng mới đã tiến hành cải tạo khu vườn ở làng cũ để làm kinh tế. Đồng thời mua thêm đất các hộ dân xung quanh, đến nay khu vườn tôi rộng được 2 ha. Trước đây, chúng tôi chỉ biết trồng hoa màu và một số cây ăn trái truyền thống với mô hình sản xuất “tự cung tự cấp” nên cuộc sống chỉ đủ ăn. Sau này, nhà trồng chuối xen kẽ cây dừa. Từ 4, 5 năm nay cây dừa lớn lên, hình thành nên mô hình Vườn Dừa, được người dân địa phương và lân cận biết đến. Từ đó, gia đình đầu tư 3 tỷ tiền để trồng cây ăn quả (chủ yếu là mít Thái, dừa) và xây khu nhà ở, 9 căn chòi cho khách đến vui chơi, ăn uống, nghỉ ngơi và 1 hồ bơi rộng hơn 500m2 để đón khách tham quan, tắm hồ…”.

Trừ 3 tháng mùa mưa (tháng 9- tháng 11) không hoạt động, trung bình mỗi ngày bà Lý thu về gần 1 triệu đồng qua hoạt động thuê chòi, ăn trái cây, uống nước dừa và tắm mát. Chưa kể những lúc cao điểm khách lên cả trăm người và đặt dịch vụ ăn uống thì doanh thu cao hơn nữa.

h3.jpg
Ông Lê Văn Cảnh- Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng mít Thái da xanh bên vườn mít của mình

Cách vườn bà Lý vài trăm mét là Tổ hợp tác trồng mít Thái da xanh do ông Lê Văn Cảnh (50 tuổi) làm Tổ trưởng. Theo ông Cảnh, Tổ hợp tác trồng mít Thái da xanh có 20 xã viên với tổng diện tích canh tác hơn 10ha. Riêng vườn trái cây của ông rộng hơn 7.000 m2 (trong đó mít Thái da xanh 2.500m­2, ổi 2.000m2, hơn 1.000m2 cam, diện tích còn lại là măng cụt và các loại cây ăn quả khác).

“Hiện vườn mít của tôi đã được hơn 3 năm tuổi và bắt vào vào thu hoạch lần đầu. Mặc dù lần đầu thu hoạch nhưng năng suất cũng tương đối, đặc biệt là mít rất ngon, thơm được thị trường ưa chuộng. Chúng tôi mong muốn được địa phương và ngành chức năng quan tâm giới thiệu để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật, phân bón, giống để tiếp tục đưa vườn cây đạt chất lượng, năng suất cao hơn. Ngoài ra, qua định hướng của xã và huyện sẽ xây dựng làng Phương Trung thành Khu du lịch sinh thái, mong rằng dự án này sẽ sớm đi vào hoạt động”- ông Lê Văn Cảnh chia sẻ.

Hiện nay, khó khăn nhất là đường sá chật hẹp, đi vào khó khăn và chưa có hệ thống điện, phải kéo điện nhờ nên phát triển kinh tế nơi đây mang tính nhỏ lẻ, tự phát. Tương lai phát triển kinh tế tại Làng Phương Trung, đại diện Phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc cho biết, huyện đang chỉ đạo và hỗ trợ xã xây dựng đề án Du lịch sinh thái gắn với kinh tế vườn tại nơi đây.

Anh Dũng