Tài nguyên

Giao khoán bảo vệ rừng giúp người dân thoát nghèo

Đức Cảnh 26/06/2023 - 16:12

Nhờ làm tốt công tác giao khoán bảo vệ rừng cho nhóm hộ và cộng đồng dân cư, Hà Tĩnh đã mang lại lợi ích kép, vừa tạo sinh kế phát triển kinh tế, vừa khuyến khích người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Tình trạng phá rừng giảm hẳn, người dân có điều kiện vươn lên nâng cao đời sống.

Một đề án trọng điểm

Đề án “giao đất, cho thuê đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng” là một trong những đề án lâm nghiệp có vai trò, ý nghĩa đặc biệt trong việc góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất. Trong những năm vừa qua, Hà Tĩnh đã tích cực triển khai đề án này và mang lại hiệu quả thiết thực.

Trước đây, các địa phương của Hà Tĩnh thường xảy ra nạn chặt phá rừng, lấn chiếm rừng, cháy rừng, tranh chấp đất rừng giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tổ chức. Xẩy ra tình trạng này là do việc quản lý đất rừng của chính quyền địa phương nhất là cấp xã còn lỏng lẻo; người dân địa phương thiếu đất sản xuất, trong khi đó các chủ rừng nhà nước quản lý diện tích đất, rừng lớn nhưng việc quản lý đất rừng còn nhiều hạn chế…

anh-7.-rung.jpg
 Diện tích rừng thông được giao khoán cho người dân mang lại hiệu quả kinh tế vừa làm tốt công tác bảo vệ rừng

Để giải quyết thực trạng trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp giao đất, giao rừng đến cho từng hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư quản lý. Trong đó, đưa ra 12 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tập trung vào một số nội dung như chỉ đạo các xã xây dựng phương án giao đất, giao rừng để làm căn cứ thực hiện và làm cơ sở đề xuất thu hồi đất, rừng của các đơn vị; xác định hạn mức và đối tượng được giao đất cho thuê đất, giao rừng cho thuê rừng…

Theo đó, các hộ gia đình, tổ chức tham gia nhận khoán để bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng; phục hồi rừng được Nhà nước giao đất sử dụng vào mục đích sản xuất lâm nghiệp. Đối tượng ưu tiên khoán bảo vệ rừng là các hộ gia đình, tổ chức và các hộ dân tại chỗ có đời sống khó khăn.

anh-9.-rung.jpg
Công tác giao đất, cho thuê đất gắn với rừng đang giúp người dân miền núi Hà Tĩnh xóa nghèo

Được biết, thực hiện đề án Đề án “giao đất, cho thuê đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng”, Hà Tĩnh đã hoàn thành việc giao, cấp GCNQSD đất lâm nghiệp cho 17.260 hộ, cộng đồng/44.026ha. Đến nay, một số địa phương thực hiện tốt đề án là Thạch Hà, Hương Sơn, Can Lộc, Hương Khê, Lộc Hà, Nghi Xuân, TP Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên…

Mang lại lợi ích kép

Huyện Thạch Hà có tổng diện tích đất lâm nghiệp hiện có 8.021,30 ha (chiếm 22,68% diện tích tự nhiên), trong đó: Rừng phòng hộ có 2.893,42 ha chiếm 8,18% đất tự nhiên. Rừng sản xuất có 5.127,88 ha chiếm 14,50% diện tích tự nhiên.

anh-5.-rung.jpg
Ông Lê Thanh Hải- Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thạch Hà

Ông Lê Thanh Hải- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết, thực hiện giao khoán, bảo vệ, chăm sóc và khoanh nuôi tái sinh rừng, thời gian qua trên địa bàn huyện đã hạn chế được tình trạng cháy rừng, khai thác rừng trái phép góp phần duy trì ổn định diện tích rừng được giao khoán; nâng cao đời sống của hộ gia đình nhận khoán, tạo động lực khuyến khích hộ tích cực tham gia vào công tác bảo vệ rừng, đồng thời tiết kiệm ngân sách đầu tư cho công tác bảo vệ rừng tại cơ sở.

Được biết, chỉ riêng rừng cây thông nhựa, Thạch Hà hiện có hơn 1000 héc ta, những năm qua việc thực hiện giao khoán bảo vệ rừng được thực hiện nhờ đó mà công tác phòng cháy chữa cháy được đảm bảo. Mặt khác, bên cạnh việc khai thác nhựa rừng thông thì người dân đã kết hợp với việc phát triển kinh tế bằng các hình thức chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng một số loại cây dược liệu ngắn ngày dưới tán rừng mà không làm ảnh hưởng đến rừng, đem lại nguồn thu nhập khá cao cho các gia đình.

anh-2.-rung.jpg
Những cánh rừng được giao khoán cho người dân bảo vệ chăm sóc 

Chỉ riêng xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), hiện có khoảng 100 ha rừng thông được giao khoán cho người dân bảo vệ. Chính quyền địa phương cũng đã phối hợp với các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, phân công cụ thể các nhóm giám sát việc bảo vệ rừng. Từ đó rừng thực sự trở thành tài sản của mỗi người dân nên việc phá rừng hay lấn chiếm rừng không còn xảy ra.

Ông Trần Văn Lượng- Chỉ huy trưởng Quân sự xã Thạch Xuân, cho hay : “Ngoài việc ký cam kết với người dân, Ban chỉ đạo xã đã thành lập trung đội dân quân nòng cốt, tổ tự quản, đội xung kích bảo vệ rừng. Qua công tác tuyên truyền, vận động, các hộ dân nhận khoán đã nhận thức được vai trò, tác dụng của rừng đối với môi trường sống, biết được ranh giới giữa đất có rừng và đất chưa có rừng”.

anh-3.-rung.jpg
Ông Trần Văn Lượng- Chỉ huy trưởng Quân sự xã Thạch Xuân

“Khi ý thức được nâng lên, người dân không còn phá rừng làm nương rẫy, hạn chế tình trạng du canh; đồng thời tham gia tích cực vào việc bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng. Bên cạnh đó, quản lý, chăm sóc, bảo vệ tốt nên sản lượng nhựa không ngừng tăng, từ đây nguồn thu nhập của người dân ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương”, ông Trần Văn Lượng nói.

Ông Lê Ngọc Huấn- Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết: “Chính sách giao khoán rừng cho hộ dân bảo vệ đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực. Hiệu quả nhận thấy rõ là ý thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng được nâng cao, rừng được bảo vệ tốt hơn, các vụ cháy rừng, phá rừng giảm nhiều… Nhờ vậy, Hà Tĩnh duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 50%.

Đức Cảnh