Tài nguyên

Thừa Thiên – Huế: Bảo vệ, phát huy nguồn nước giúp người dân phát triển kinh tế

Văn Dinh (thực hiện) 23/06/2023 - 20:14

(TN&MT) - Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã và đang có nhiều giải pháp để bảo vệ và phát huy nguồn nước, qua đó đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của người dân. Để rõ hơn về vấn đề này, PV Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Lê Bá Phúc (ảnh), Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên – Huế.

nuochue-1.jpg
Ông Lê Bá Phúc

PV: Thời gian qua, tỉnh đã bảo vệ, phát huy nguồn tài nguyên nước, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của người dân như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Bá Phúc: Thừa Thiên – Huế là địa phương có nguồn tài nguyên nước phong phú. Xác định nước giữ vai trò quan trọng, là điều kiện đầu tiên để duy trì sự sống của con người nên đòi hỏi quá trình khai thác, sử dụng nguồn nước phải hợp lý, hiệu quả, mang tính bền vững. Những năm qua, tỉnh và các sở, ban ngành, chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp quản lý nguồn nước theo phương thức tổng hợp, toàn diện, hiệu quả, qua đó giúp người dân trên địa bàn phát triển kinh tế.

Tỉnh luôn chủ động nguồn nước tưới tiêu sản xuất nông nghiệp ổn định. Tính đến nay, trên địa bàn Thừa Thiên - Huế có khoảng 1.000 công trình thủy lợi bao gồm 56 hồ chứa nước thủy lợi, 13 hồ thủy điện (tổng dung tích các hồ thủy lợi, thủy điện khoảng 2.000 triệu m3) và các hồ nhỏ vùng cát khác; 215 đập dâng; trên 480 trạm bơm điện và trạm bơm dầu; hơn 1.802 km kênh mương... Một số hồ tiêu biểu như hồ Truồi, hồ Thọ Sơn, hồ Hòa Mỹ, hồ Khe Ngang, hồ Tả Trạch, Thủy Yên, hồ thủy điện Bình Điền, thủy điện Hương Điền… có vai trò, nhiệm vụ vô cùng quan trọng, giúp người dân có nước để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt.

nuochue-2.jpg
Hệ thống hồ đập ở Thừa Thiên – Huế có vai trò, nhiệm vụ vô cùng quan trọng, giúp người dân có nước để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt

Ngay từ đầu mùa khô của từng năm, tại các trạm bơm của tỉnh đã được quản lý điều tiết chặt chẽ nguồn nước, đáp ứng thực tế nhu cầu dùng nước của từng địa phương, đồng thời tỉnh cũng làm việc với các xã duy tu, nạo vét để khơi thông dòng chảy, đảm bảo khi đến mùa khô hạn nhu cầu dùng nước cấp thiết thì các địa phương luôn chủ động được nguồn nước trong quá trình vận hành.

Những công trình trên cầu dưới đập đã cơ bản giải quyết tình trạng xâm nhập mặn, đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Trong đó phải kể đến đập Thảo Long. Nhờ có đập này, hệ thống ruộng lúa ở các địa phương ven sông, đầm phá Tam Giang, phía hạ lưu sông Hương không còn xảy ra tình trạng nhiễm mặn trong mùa khô hạn. Độ mặn trên vùng đầm phá được bão hòa, ổn định, dao động mức an toàn cho nuôi trồng thủy sản nước lợ…

Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên - Huế cũng đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà máy nước sạch và tuyến cung ứng phân bổ nước đến hơn 90% hộ dân sử dụng nước sạch. Mặt khác, nhằm bảo vệ nguồn nước UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3559/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 về việc phê duyệt đề cương nhiệm vụ Lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, sau khi hoàn thành UBND tỉnh sé ban hành Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ và hàng năm sẽ tiến hành cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước. Ngoài ra, các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh đã thực hiện việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với các hồ chưa thủy điện và bàn giao mốc giáo cho UBND cấp xã có liên quan để quản lý, bảo vệ.

nuochue-3.jpg
Nhờ nguồn nước dồi dào, người nông dân ở Thừa Thiên – Huế thuận lợi để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo

PV:Vậy xin ông cho biết, để ngăn chặn ô nhiễm nguồn nước qua đó bảo vệ sức khỏe người dân, tỉnh cần làm gì?

Ông Lê Bá Phúc: Việc bảo vệ nguồn nước được triển khai bằng nhiều phương thức khác nhau, như đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải trước khi xả vào nguồn nước tiếp nhận. Ngày 22/02/2019, UBND tỉnh ban hành Công văn số 924/UBND-TN về việc thống nhất việc triển khai công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Theo đó, đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh đầu tư mới phải đảm bảo xử lý nước thải đạt cột A. Tại các khu công nghiệp Phú Bài, Phong Điền đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Tỉnh tập trung xây dựng công trình khai thác nước, xử lý nước đạt tiêu chuẩn để cung cấp nước cho việc sinh hoạt, ăn uống của người dân. Xây dựng công trình đập cửa biển để ngăn nước biển xâm nhập vào sông nhằm phục vụ khai thác nước sinh hoạt, sản xuất nông, công nghiệp… Xây dựng hồ thượng nguồn để góp phần điều tiết nước, sử dụng bền vũng về khối lượng nước cũng như chất lượng nước.

Cùng với đó xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung cho TP. Huế, công trình này đươc đặt tại phường Xuân Phú. Tỉnh luôn khuyến cáo, quy định bà con nông dân thực hiện tập kết đúng chỗ các bao bì, chai lọ… thuốc trừ sâu sau khi bơm. Trong nông nghiệp, tỉnh luôn khuyến cáo sản xuất theo hướng VietGap để vừa đảm bảo sản phẩm vừa đảm bảo môi trường.

Các địa phương cũng chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm nguồn nước trong cả vụ sản xuất. Đặc biệt, chú trọng bố trí vùng sản xuất cây trồng có khả năng chịu hạn, mặn và nhu cầu dùng nước để thuận tiện cho việc điều tiết nước…

nuochue-4.jpg
Thừa Thiên – Huế sẽ tiếp tục đầu tư các công trình thủy lợi để phục vụ sinh hoạt, sản xuất

PV: Thời gian tới, tỉnh có những giải pháp nào để tăng cường quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn nước, giúp người dân có cuộc sống bền vững hơn, thưa ông?

Ông Lê Bá Phúc: Để tăng cường quản lý tài nguyên nước có hiệu quả, tỉnh sẽ thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu.

Trước hết là sẽ nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy điện. Hiện nay các hồ chứa như Tả Trạch, Bình Điền, Hương Điền... các công trình ngăn mặn như Thảo Long, Cửa Lác cùng các hệ thống thủy điện lớn nhỏ, kênh mương cơ bản đáp ứng được yêu cầu về nguồn nước phục vụ ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, để sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả cao về kinh tế, kiểm soát tốt về chất lượng và nguồn nước cần áp dụng công nghệ quản lý tưới hiện đại và tiên tiến.

Hai là, hoàn thiện thể chế và văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực tài nguyên nước. Tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về thủy lợi, tài nguyên nước với trọng tâm là cán bộ cấp huyện, cấp xã.

Ba là, cải tiến, hợp lý hóa quy trình sử dụng nước; áp dụng kỹ thuật, công nghệ, thiết bị tiên tiến trong khai thác, sử dụng nước; tăng khả năng sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước; tích trữ nước mưa để sử dụng.

Thứ tư là, đẩy mạnh công tác cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Cuối cùng, nhằm phát triển bền vững nguồn nước, trong thời gian tới sẽ xây dựng, thực hiện Đề án lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông, suối, hồ và Đề án “Điều tra, đánh giá, khoanh định vùng hạn chế và vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế”.

PV: Xin cảm ơn ông!

Văn Dinh (thực hiện)