Môi trường

Cùng giữ màu xanh cho quê hương xứ Dừa

Bạch Thanh 23/06/2023 - 16:34

(TN&MT) - Những khu rừng, những vườn cây bao phủ một màu xanh thẳm với những lợi ích to lớn của hệ sinh thái từ cây xanh trên quê hương xứ Dừa luôn được bảo vệ hiệu quả, an toàn. Thành quả đó chính là mục tiêu trong xây dựng vì một “Bến Tre xanh” nhằm tạo cảnh quan môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân địa phương.

h1.jpg
Chăm chút từng những mảng xanh, giữ gìn cảnh quan và môi trường

Từ lâu, Bến Tre đã là địa danh yêu mến của nhiều du khách thập phương, bởi phong cảnh hữu tình, thơ mộng, con người thân thiện, gần gũi. Nơi đây còn là vùng đất ba dải cù lao hợp thành, xung quanh là những dòng sông, con rạch hiền hòa, êm dịu bởi phủ mát những rặng dừa xanh bạt ngàn.

Là người con của quê hương xứ Dừa, nhưng trở lại lần này khiến tôi vô cùng ấn tượng bởi dọc các tuyến đường từ đô thị cho tới tận vùng nông thôn đâu đâu cũng có những hàng cây kiểng, cây lá màu trồng nối nhau trên dải phân cách được chăm sóc chu đáo đã tạo ấn tượng hài hòa, đẹp mắt; cạnh đó là những hàng cây cổ thụ được trồng thẳng tấp, phủ mát một màu xanh tươi thắm.

Thưởng thức từng giọt đắng cà phê bên bờ hồ Trúc Giang (TP.Bến Tre), anh Minh Đông là một cán bộ hưu trí nơi đây chia sẻ, xứ Dừa đã thay da đổi thịt từng ngày, từng giờ và đã lột xác một cách thần kỳ, từ cảnh vật đến cuộc sống, từ đất đến người. Giờ đây, địa phương đã và đang nâng cao chất lượng cuộc sống và kiến tạo môi trường bền vững, mà nó được thể hiện rõ nét trong các mục tiêu, yếu tố của “Bến Tre xanh”.

"Bến Tre xanh" theo lý giải của anh Đông, nó được phát triển từ hai khái niệm: “sinh thái và tính bền vững”. Đó là nơi một tỷ lệ đáng kể của cây xanh đóng góp vào sự cân bằng sinh thái; và là nơi phát triển bền vững với kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, việc khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường, việc quản lý, điều hành và phục vụ dân sinh. Để đạt được khát vọng về một “Bến Tre xanh, sạch, đáng sống”, thời gian qua, toàn thể hệ thống chính trị và người dân Bến Tre ra sức vào cuộc, triển khai bằng những hành động, việc làm cụ thể.

h2.jpg
Tham gia các hoạt động vì mục tiêu “Bến Tre xanh”

Từ hướng dẫn của anh Đông, chúng tôi không ngại vượt qua đoạn đường dài hơn 50km để đến vùng biển xa xuôi gặp những con người đầy tâm huyết cùng gìn giữ màu xanh cho quê hương xứ Dừa. Làng biển mùa này có những cơn gió nhẹ làm lao xao cả dãy rừng ngập mặn bạt ngàn xanh mướt với những loài cây đước, mắm, bần, phi lao, dừa nước… Nơi đây, rừng ngập mặn được xem là “bức tường xanh” có tác dụng ngăn chặn, hạn chế tác hại của gió bão, sóng biển và bảo vệ môi trường biển.

Bên tách trà nóng, anh chủ của “Người giữ rừng” Nguyễn Tấn Vàng (xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại) kể cho chúng tôi nghe về ý tưởng tạo sinh kế cho những người dân nơi đây đảm bảo đời sống ổn định và nâng cao thu nhập, để có động lực gắn bó lâu dài với vùng đất ngập mặn quê hương. Đến nay, đã có hàng trăm nông dân hợp tác với vợ chồng anh cùng nhau khai thác, cùng nhau bảo vệ và từng bước nhân lên diện tích cây rừng ven biển.

Trong câu chuyện kể của mình, Tấn Vàng cho rằng: “Bến Tre là vùng đất chịu nhiều thiệt hại vì thiên tai và biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã gây ảnh hưởng nặng nề cho người dân xứ Dừa, nhất là với khu vực ven biển. Vì vậy, tụi em nhận thấy việc bảo vệ rừng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Giá trị mà rừng ngập mặn mang đến cho chúng ta rất lớn, nó không chỉ là nguồn thủy sản tự nhiên quý giá từ dưới tán rừng mà còn có tác dụng chắn sóng, hạn chế những diễn tiến bất thường của khí hậu gây ra. Với tụi em, giữ rừng cũng giống như giữ trong sạch lá phổi và giữ “lá bùa” sinh mệnh cho chính mình và bà con”.

Đi sâu tìm hiểu, chúng tôi càng thấy được giá trị của cây rừng nơi đây đúng như những lời của ông chủ Người giữ rừng nhận định. Bến Tre ngày nay với diện tích quy hoạch hơn 8.800 ha rừng ngập mặn tập trung tại 3 huyện biển Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Đại đã tạo ra bức tường xanh vững chãi dài trên 65km bảo vệ, cải tạo môi trường sinh thái ven biển; góp phần quan trọng bảo vệ đê sông, đê biển, bờ đập nuôi trồng thủy hải sản, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do bão lũ gây ra.

h3..jpg
Phấn đấu vì một “Bến Tre xanh - Bến Tre đáng sống”

Và chính từ nhận thức tầm quan trọng của việc trồng mới, chăm sóc, bảo vệ cây xanh, tỉnh Bến Tre đã và đang thực hiện mục tiêu trồng 10 triệu cây xanh trên địa bàn để cùng với gần 5 nghìn hec-ta rừng hiện hữu ven biển và hơn 100 nghìn hec-ta cây lâu năm nhằm tạo cảnh quan môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Trong số cây trồng ấy, hiện có khoảng 2/3 số hộ dân sinh sống tại đây đang trồng dừa và tạo ra trên 200 sản phẩm làm từ cây dừa, đem lại nguồn thu lớn cho người dân và kinh tế của tỉnh. Ngành công nghiệp chế biến dừa ở Bến Tre cũng đang tạo việc làm ổn định cho hàng chục nghìn lao động tại địa phương.

Qua trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre Trịnh Minh Khôi cho biết, tỉnh đã và đang tập trung tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng về bảo vệ môi trường, về những lợi ích to lớn của hệ sinh thái từ cây xanh, giữ gìn cảnh quan và môi trường sống xanh - sạch - đẹp, giúp điều hòa khí hậu, bảo vệ con người khỏi các ảnh hưởng tác động tiêu cực từ thiên nhiên và mang lại nhiều giá trị kinh tế - xã hội, ra sức phấn đấu đưa tỉnh Bến Tre đạt mục tiêu xây dựng vì một “Bến Tre xanh”.

Theo ông Trịnh Minh Khôi, từ mục tiêu xây dựng Bến Tre xanh, thời gian qua, đã có nhiều phong trào, công trình trồng cây xanh phân tán được thực hiện tại các huyện Thạnh Phú và Ba Tri. Cùng với đó là trồng hàng chục ngàn cây xanh tạo mỹ quan, bóng mát trên các tuyến đường, trường học, khu công cộng tại các huyện Bình Đại, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, Châu Thành… Các phong trào này đã và đang phát động mạnh mẽ để góp phần hoàn thành Đề án trồng 10 triệu cây xanh của tỉnh Bến Tre trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Giờ đây, cảnh quang, đường làng Bến Tre đang khoác lên mình màu xanh tươi thắm. Với mục tiêu “Bến Tre xanh – Bến Tre đáng sống” hy vọng sớm trở thành hiện thực, để mọi người khi đặt chân về đến đây đều có chung cảm nhận giá trị văn hóa trên nền tảng của một xứ sở thanh bình và an lạc chính là hệ sinh thái: vườn tược - sông nước yên tĩnh, trong lành. Thêm vào đó là với truyền thống văn hóa, lịch sử và đặc tính con người Nam Bộ chân chất ở đất Bến Tre tạo thành một lợi thế so sánh mà ít địa phương nào có được.

Riêng với người dân xứ Dừa - quê hương Đồng Khởi, dù có đi đâu làm gì, nhưng khi về lại quê hương, tất cả họ đều cảm thấy có nhiều điều thật cuốn hút, là một miền đất đáng để sống, đáng để yêu và gắn bó. Rồi đây, khi mà mục tiêu “Bến Tre xanh” được xây dựng thành công, cùng với kế hoạch hành động “tăng trưởng xanh” được thực hiện có hiệu quả, thì xứ Dừa sẽ chuyển mình mạnh mẽ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây sẽ được nâng lên, để cùng nhau chung tay gìn giữ màu xanh cho quê hương Bến Tre thêm đẹp giàu.

Bạch Thanh