Quảng Nam: Khai thác thế mạnh từ rừng giúp người dân thoát nghèo

Môi trường
Võ Hà 23/06/2023 - 16:34

Kinh tế rừng đã tham gia có hiệu quả vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở các địa phương miền núi ở Quảng Nam. Từ chủ trương của địa phương, người dân đã chuyển từ phát triển rừng trồng theo hướng phủ xanh sang rừng trồng kinh tế và thực hiện kinh tế vì môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hiện nay, Quảng Nam có diện tích rừng tự nhiên khoảng 463.530ha, với độ che phủ năm 2022 là 58,71%. Từ diện tích trồng rừng hằng năm, giúp tăng độ che phủ rừng, hình thành nguồn cung ứng nguyên liệu rừng trồng cho thị trường, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động và tăng giá trị sản xuất cho ngành lâm nghiệp.

Đi khắp các huyện miền núi của Quảng Nam có thể thấy màu xanh của rừng bạt ngàn, nhiều diện tích rừng mới trồng đang lên xanh tốt. Hàng chục ha rừng trồng đang đến tuổi thu hoạch. Ông Bhních Trên, ở thôn Pà Ong, xã Cà Dy, huyện Nam Giang cho biết, hiện gia đình ông đang tham gia trồng rừng gỗ lớn trên diện tích hơn 2 hecta. Ông Bních Trên được UBND huyện Nam Giang hỗ trợ 18 triệu đồng để mua cây giống.

huyen-nam-giang-tinh-quang-nam-khuyen-khich-nguoi-dan-phat-trien-kinh-te-tu-rung.png
Huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam khuyến khích người dân phát triển kinh tế từ rừng

“Hiện nay, gia đình đã chuyển đổi qua trồng rừng gỗ lớn. Chính quyền địa phương hỗ trợ cây giống. Hy vọng trồng cây gỗ lớn đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, có thu nhập ổn định”, ông Bních Trên chia sẻ.

Cũng như các huyện Đông Giang, Tây Giang, huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam có hàng trăm hộ dân là người Cơ Tu từng trồng cây keo và cho thu nhập khá ổn định. Gần đây, UBND huyện Nam Giang chú trọng mở rộng diện tích rừng sản xuất tiếp cận hướng đầu tư nâng cao chất lượng rừng và chuyển hoá từ rừng gỗ nhỏ sang trồng gỗ lớn. Bình quân mỗi năm, địa phương này bố trí ngân sách hơn 2 tỷ đồng hỗ trợ người dân nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, chủ yếu tập trung trồng rừng gỗ lớn. Địa phương đã hỗ trợ người dân trồng hơn 1.000 ha rừng gỗ lớn với nhiều giống cây chất lượng như dổi, lim xanh, sao đen, ươi, huỳnh đàn.

“Việc trồng rừng gỗ lớn đem lại hiệu quả cao. Thứ nhất, đáp ứng được nhu cầu về nguồn gỗ cho hoạt động sản xuất và bảo vệ môi trường chống xói mòn đất, vừa nâng cao độ che phủ rừng. Trồng rừng gỗ lớn chu kỳ đầu tư thấp nhưng lợi nhuận cao hơn. Năm 2021, UBND huyện đã ban hành Đề án phát triển trồng rừng cây gỗ lớn giai đoạn 2021-2025. Địa phương hỗ trợ cây giống cho bà con phát triển trồng rừng. Lợi nhuận từ trồng rừng gỗ lớn gấp 2 đến 3 lần so với cây keo keo nên người dân mạnh dạn chuyển đổi”, ông Trần Công Anh, Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Nam Giang cho biết.

Ông Đỗ Hữu Tùng- Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, đến thời điểm hiện tại các chương trình, chính sách giao khoán QLBVR trên địa bàn huyện rất ổn định, người dân có nguồn thu nhập cao và yên tâm giữ rừng, đơn giá bảo vệ rừng ngày càng được nâng lên (trung bình đạt 500.000 đồng/ha) góp phần ổn định đời sống cho người dân địa phương. Một số mô hình trồng mây dưới tán rừng tự nhiên tại xã A Ting, Sông Kôn, khai thác Mây bền vững tại xã Mà Cooih bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân từ việc chăm sóc, khai thác Mây bền vững... giúp người dân có thể sống được từ rừng.

nguoi-dan-cac-huyen-mien-nui-tinh-quang-nam-tich-cuc-trong-rung.png
Người dân các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam tích cực trồng rừng để phát triển kinh tế

Hiện nay, 11 Ban Quản lý rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã ươm các loài cây giống như: Dổi ăn hạt, quế, xoan… cấp phát cho người dân vùng đệm trồng rừng gỗ lớn. Song song với việc đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, tỉnh Quảng Nam cũng phát triển trồng dược liệu dưới tán rừng ở 9 huyện miền núi vừa ổn định kinh tế gia đình, vừa bảo vệ tốt diện tích rừng.

Theo Sở NN&PTNT, các chính sách của Trung ương và dự án hỗ trợ trồng rừng trong và ngoài nước đã kích cầu phát triển đa dạng kinh tế rừng. Do đó, người dân ngoài hưởng lợi từ nguồn nguyên liệu gỗ khai thác, còn cải thiện sinh kế thông qua các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ.

Theo thống kê, có khoảng 30.000 hộ được hưởng lợi thông qua cơ chế giao khoán bảo vệ, phát triển rừng và lâm sản ngoài gỗ. Nhiều địa phương miền núi, trung du đang huy động nguồn lực sẵn có để đẩy mạnh hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trong lâm nghiệp.

Với mục tiêu phát triển kinh tế rừng hiệu quả, bền vững, tỉnh Quảng Nam đang đẩy mạnh triển khai Chương trình tổng thể bảo vệ và phát triển rừng bền vững kết hợp phát triển kinh tế hiệu quả trên địa bàn tỉnh; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các đề án về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn 2030; hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn giai đoạn 2022 -–2025.

Võ Hà