Bắc Ninh: Đa dạng hóa hình thức hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
(TN&MT) - Đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững gắn với những mô hình cụ thể, hiệu quả, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bắc Ninh đã thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc giúp hàng nghìn lượt hội viên phụ nữ vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Tiếp nhận hơn 1.000 ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh đã chủ động, sáng tạo triển khai nhiều mô hình, hoạt động phù hợp điều kiện từng địa phương, giúp hội viên, phụ nữ tự tin khởi nghiệp, biến những thử thách thành cơ hội, mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, khẳng định được vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ khảo sát, đánh giá thực trạng nhu cầu phụ nữ khởi nghiệp, có ý tưởng khởi nghiệp tại địa phương; tổ chức hướng dẫn hội viên phụ nữ cách xây dựng ý tưởng kinh doanh, tổ chức cuộc thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh” cấp tỉnh, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực kinh doanh, khởi nghiệp cho phụ nữ có ý tưởng kinh doanh khả thi; hỗ trợ pháp lý, xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ. Tổ chức các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm; phát hiện, giới thiệu các dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh, bền vững.
Bên cạnh đó, Hội cũng đã lựa chọn nội dung hoạt động và xây dựng mô hình thí điểm phù hợp với điều kiện và đặc thù của từng đơn vị, trong đó chú trọng hoạt động hỗ trợ phụ nữ sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, góp phần thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP).
Tính đến nay, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã tiếp nhận 1.102 ý tưởng phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. 100% ý tưởng đã tiếp nhận được hỗ trợ, giúp đỡ theo nhu cầu cụ thể dưới các hình thức như hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ nguồn “Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp” của tỉnh, tập huấn kiến thức, liên kết hoạt động sản xuất – tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, tiếp cận chính sách hỗ trợ nông nghiệp của tỉnh… Đặc biệt, phối hợp tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp, các nhà bán lẻ liên kết tiêu thụ sản phẩm minh bạch cho phụ nữ khởi nghiệp của tỉnh.
Trong khuôn khổ của Đề án 939, các cấp Hội phụ nữ đã tư vấn giúp đỡ, hỗ trợ thành lập được 16 HTX với 172 thành viên, 17 Doanh nghiệp do nữ làm chủ, 57 tổ liên kết với 1054 thành viên tham gia, trong đó có 13 HTX và 26 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ được hỗ trợ vay vốn, các dự án Phụ nữ khởi nghiệp đã góp phần tạo việc làm cho 965 lao động tại địa phương (trong đó có 734 lao động nữ và 231 lao động nam ).
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế do phụ nữ tham gia khởi nghiệp đã đạt được hiệu quả như: mô hình Gà lai Đông Tảo tại xã Đại Lai, mô hình Rau an toàn tại xã Quỳnh Phú, huyện Gia Bình; HTX may Phú Hoà huyện Lương Tài; các mô hình trang trại chăn nuôi lợn sạch tại huyện Quế Võ, Thuận Thành…
Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn hội viên phụ nữ tham gia cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh” do TW Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức. Kết quả, tham dự vòng chung kết ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc năm 2018 có nhiều ý tưởng đạt giải cao: Cơ sở giáo dục Mầm non tư thục Bình Minh - Từ Sơn vào TOP 5 ý tưởng xuất sắc nhất toàn quốc, với giá trị giải thưởng là 100 triệu đồng; HTX trồng nấm và rau sạch Tâm Bình, huyện Tiên Du vào TOP 20 ý tưởng xuất sắc nhất toàn quốc, với giá trị giải thưởng là 50 triệu đồng.
Năm 2020, HTX dịch vụ tổng hợp Minh Ngọc, huyện Gia Bình với dự án “Trồng nấm rơm theo hướng công nghiệp” đã đạt giải Triển vọng, với mức giải thưởng 30 triệu đồng. Năm 2022, có 1 tập thể và 3 cá nhân được TW Hội LHPN Việt Nam trao tặng Giải thưởng “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” với mức thưởng từ 10-25 triệu đồng/Dự án...
Hơn 4000 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ
Cùng với các phong trào thi đua của tỉnh, các tầng lớp phụ nữ Bắc Ninh luôn năng động, sáng tạo, tích cực thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh, sáng tạo khởi nghiệp, thực hiện hiệu quả các phong trào:“Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”, “Phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi”,“Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”,“Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”,“Nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả”… từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 4000 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Cùng với đó, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã vận động chị em tích cực thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển khu công nghiệp, làng nghề truyền thống, xây dựng nông thôn mới; chủ động khai thác các nguồn lực, xây dựng các mô hình kinh tế; nâng cao chất lượng quản lý hoạt động vay vốn, phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế; giúp phụ nữ nghèo; dạy nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ; qua đó góp phần giảm nghèo, phát triển bền vững.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh và dịch vụ, Bắc Ninh có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề truyền thống. Đây là điều kiện quan trọng để cán bộ, hội viên, phụ nữ tỉnh tham gia duy trì, mở rộng và phát triển các ngành nghề truyền thống.
Đặc biệt, các nữ chủ doanh nghiệp, nữ doanh nhân tích cực đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh; đa dạng hóa và bảo đảm chất lượng sản phẩm. Nhiều chị em năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mở mang các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ quy mô lớn, sản xuất hàng hoá, đưa sản phẩm của đơn vị mình trở thành sản phẩm có thương hiệu và uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, nhất là lao động nữ.
Từ sự chỉ đạo trực tiếp của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, các phong trào thi đua của phụ nữ Bắc Ninh trong thời gian qua đã giúp được gần 30.000 phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và có 2.500 phụ nữ đã vươn lên thoát nghèo. Những nỗ lực của phụ nữ trong lao động, sản xuất, kinh doanh góp phần tích cực vào sự phát triển và thành tựu chung của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Bắc Ninh ngày càng giảm, tỷ lệ hộ khá và giàu ngày càng tăng; GDP của tỉnh đứng thứ 7 toàn quốc; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 65,3 triệu đồng/năm, đứng thứ 5 toàn quốc.