Hiệu quả từ mô hình trồng cây ăn quả phù hợp với thổ nhưỡng
Nhiều hộ gia đình ở xã Quang Chiểu (huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) lặn lội sang Lào học hỏi kinh nghiệm, đem giống dưa hấu, cam về trồng thử nghiệm ở địa phương. Các hộ gia đình mạnh dạn tìm tòi, thử nghiệm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân trên địa bàn xã đã tự vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.
Quang Chiểu là xã biên giới của huyện Mường Lát, những năm trước đây, người dân ở xã Quang Chiểu chủ yếu canh tác lúa nước, chăn thả gia súc trong rừng, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Nhất là vào mùa giáp hạt nhiều hộ trên địa bàn xã thiếu ăn, nhà nước phải liên tục hỗ trợ gạo cứu đói. Từ khi học hỏi kinh nghiệm, mang giống dưa hấu, cam bên nước bạn Lào về trồng bán cho các thương lái, nhiều hộ kinh tế khá giả, có tivi, có tủ lạnh xe máy để sử dụng. Mô hình trồng dưa hấu, trồng cam của người dân ở xã Quang Chiểu được triển khai trong những năm gần đây đã tạo đà phát triển kinh tế, góp phần tạo sinh kế lâu dài, giảm nghèo bền vững.
Đến nay bộ mặt kinh tế ở xã Quang Chiểu đã có nhiều khởi sắc, cuộc sống của người dân nhiều thay đổi không còn cảnh lo chạy ăn từng bữa. Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, vươn lên trở thành những hộ khá giả. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn giống cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu cho hiệu quả kinh tế chính là sinh kế lâu dài đối với người dân các huyện miền núi.
Trên diện tích đất canh tác bằng phẳng ít ỏi của người dân bản Sáng, xã Quang Chiểu, trước đây chủ yếu là trồng lúa nước. Tuy nhiên hiệu quả kinh tế không cao, chủ yếu đủ cung cấp gạo ăn. Vì có vị trí địa lý giáp với nước bạn Lào, nơi có địa hình, thổ nhưỡng khí hậu tương tự; nhiều hộ dân ở bản Sáng đã sang thăm quan, học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc dưa hấu. Sau đó, họ đem giống về, thay vì trồng lúa cải tạo đất bắt đầu trồng dưa hấu. Ban đầu vì chưa có kinh nghiệm, dưa hấu chậm lớn, chưa cho giá trị kinh tế cao. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, các hộ gia đình chỉ bảo nhau những cách làm hay vận dụng vào quá trình trồng và chăm sóc. Những năm trở lại đây, dưa hấu phát triển nhanh cho thu hoạch cao. Các hộ dân tiếp tục nghĩ ra cách tiêu thụ chủ động để không phụ thuộc nhiều vào thương lái. Họ bảo nhau dựng những chiếc lều tre bên cạnh suối Xim là nơi bán nước giải khát cho người đi đường, cũng là nơi tập kết bán dưa hấu. Ai có nhu cầu, cũng được chủ vườn dẫn xuống tham quan vườn dưa, tự tay chọn từng quả ưng ý nhất.
Vì vậy, dù vào đại vụ sản lượng dưa hấu nhiều nhưng những hộ trồng dưa ở bản Sáng xã Quang Chiểu ít phụ thuộc vào thị trường và giá cả của thương lái. Thường dưa hấu chỉ đủ tiêu thụ tại địa phương. Vào những ngày dưa hấu cho thu hoạch bản Sáng nhộn nhịp như chợ phiên, người từ khắp các xã trên địa bàn huyện Mường Lát đổ về đây thăm quan vườn dưa, tự chọn từng quả dưới vườn rồi ngồi bên cạnh dòng suối Xim có nước mát lạnh thưởng thức.
Chị Vi Thị Hà - một hộ dân trồng dưa hấu ở bản Sáng cho biết: Gia đình tôi có diện tích 2 sào trồng dưa hấu, trước đây chỉ trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp. Từ khi chuyển đổi sang mô hình trồng dưa hấu, hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 4-5 lần. Hai sào dưa mỗi năm chỉ trồng một vụ cũng cho thu nhập từ 12-14 triệu đồng. Những tháng khác trong năm gia đình tôi vẫn trồng lúa để cung cấp gạo ăn và thêm nương rẫy. Nhìn chung cuộc sống giờ ổn định hơn rất nhiều, không còn lo thiếu ăn.
Theo báo cáo của UBND xã Quang Chiểu tổng số hộ nghèo toàn xã 330 hộ, chiếm 26,7% (giảm 5,79% so với cùng kỳ năm trước); hộ cận nghèo 336 hộ, chiếm 28,18% (giảm 3,32% so với cùng kỳ năm trước). Tổng thu nhập bằng tiền ước đạt 139.219.000.000 triệu đồng, bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng/người/năm.
Tương tự như vậy, các hộ gia đình ở bản Suối Tút cũng sang Lào học hỏi, mua giống cam về trồng thử nghiệm. Diện tích đồi núi ở bản Suối Tút trước đây rất khó canh tác, vì nguồn nước khan hiếm, lại dốc nhiều giống cây được trồng như sắn, mía nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế. Sau khi đưa giống cam Lào về trồng thử nghiệm, nhận thấy đây là loại cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu các hộ dân ở bản đã mở rộng diện tích canh tác. Hiện cả bản có khoảng 5ha cam đã cho thu hoạch quả.
Anh Tặng Văn Lai, người dân tộc Dao Trưởng bản Suối Tút cho biết: Diện tích đất canh tác ở bản chủ yếu đồi núi dốc, lại khan hiếm nguồn nước, vì vậy trước đây các cây trồng đều cho hiệu quả kinh tế kém. Gia đình tôi hiện có 1ha chuyển đổi trồng cam, trước đây gia đình trồng sắn, ngô nhưng rất nhanh đất bạc màu rất khó canh tác . Sau khi sang Lào xem cách họ trồng, chăm sóc, tôi mua giống cây về trồng thử. Nhận thấy đây là giống cây phù hợp được với khí hậu và đất, gia đình tôi đã chuyển đổi 1ha sang trồng cam. Hiện vườn cam đã trồng được 8 năm, cho thu hoạch được hai năm. Đây sẽ trở thành cây trồng chủ lực không chỉ riêng bản Suối Tút mà sẽ mở rộng trên địa bàn xã.
Như hộ gia đình anh Phan Văn San có 1,5ha trồng cam, trong vụ cam năm 2022 cho thu hoạch với giá trị hơn 100 triệu đồng, vươn lên thành hộ gia đình có kinh tế ổn định của bản.
Bản Suối Tút hiện giờ có đường bê tông vào từng hộ gia đình, đường diện đã được kéo về tận bản, những ngôi nhà sàn khang trang cho thấy một cuộc sống đủ đầy không còn cái đói, cái nghèo đeo bám. Người dân đã thay đổi tư duy, chủ động trong phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Ông Vi Văn Hiện - Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu cho biết: Người dân ở bản Sáng và bản Suối Tút đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những năm qua đã cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với các cây trồng trước đó. Từ hiệu quả rõ rệt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong năm nay Đoàn kinh tế Quốc phòng 5 (đơn vị khai thác kinh tế của Bộ Quốc Phòng) sẽ hỗ trợ người dân trong xã cây giống, kỹ thuật, phân bón phát triển thêm 30ha cây cam. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tìm được giống cây phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng chính là sinh kế lâu dài góp phần giảm nghèo bền vững ở các xã miền núi.