Khoáng sản

Thanh Hóa: Quản lý, khai thác khoáng sản hiệu quả để phát triển kinh tế

Thu Thủy 22/06/2023 - 11:31

Kể từ khi Luật Khoáng sản 2010 (sửa đổi bổ sung 2018) có hiệu lực và đi vào thực tiễn, hoạt động khai thác khoáng sản tại xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) dần đi vào nền nếp, qua đó góp phần tăng thu ngân sách cho nhà nước, đảm bảo ổn định kinh tế bền vững, xóa đói giảm nghèo cho hàng ngàn lao động địa phương.

Xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) là địa phương có nhiều núi đá vôi với trữ lượng lớn trải rộng khắp địa bàn. Đây là một trong những nguồn tài nguyên khoáng sản đem lại lợi ích kinh tế cao, cung cấp nguồn nguyên vật liệu đáng kể cho các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa cũng như các tỉnh lân cận.

lico1.jpg
Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản tại xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn được nâng cao

Nhiều năm về trước, khi Luật Khoáng sản năm 2010 (sửa đổi bổ sung năm 2018) chưa được áp dụng, tình trạng manh mún, khai thác khoáng sản tự phát tại xã Tân Trường xảy ra tràn lan, không được kiểm soát. Do khai thác nhỏ lẻ, không được đầu tư bài bản về máy móc, công nghệ, kỹ thuật dẫn đến tình trạng khai thác không hiệu quả, năng suất thấp kéo theo hàng loạt hệ lụy về ô nhiễm môi trường, tranh chấp gây an ninh trật tự, đặc biệt là vấn đề an toàn lao động khi công nhân không được bảo đảm những quyền lợi cơ bản về đồ bảo hộ, thời gian làm việc, tiền lương thấp, chế độ BHXH không có, … Đáng nói hơn, nhiều trường hợp tai nạn lao động do khai thác đá để lại di chứng, hậu quả kéo dài, khiến nhiều hộ gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn về mặt kinh tế, đời sống. Về phía nhà nước, nguồn thuế lớn đóng góp vào ngân sách nhà nước thông qua hoạt động khai thác khoáng sản chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Luật Khoáng sản 2010 ra đời và có hiệu lực từ tháng 7/2011 đã thể hiện rõ những quan điểm mới mang tính “đột phá" làm thay đổi căn bản công tác bảo vệ, quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản quốc gia tại xã Tân Trường nói riêng. Công tác quản lý hoạt động khoáng sản tại địa phương đã đạt được những kết quả rõ rệt, khắc phục tình trạng cấp phép manh mún, tràn lan ở địa phương; hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động khoáng sản; tăng nguồn kinh phí đóng góp vào ngân sách nhà nước thông qua công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đấu giá quyền khai thác khoáng sản, sử dụng dữ liệu, thông tin tư liệu địa chất khoáng sản.

Từ đó, nhiều doanh nghiệp có năng lực tài chính, công nghệ, tâm huyết có đầu tư bài bản đã được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác khoáng sản tại xã Tân Trường, đem lại nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là góp phần nâng cao chất lượng đời sống kinh tế cho nhân dân địa phương.

Điển hình như Công ty CP Licogi 13 – Vật liệu xây dựng được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy phép số 333/GP-UBND ngày 29/10/2018 cho phép khai thác khoáng sản đá vôi làm vật liệu thông thường tại xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn).

lico2.jpg
Công ty CP Licogi 13 lắp đặt trạm cân, camera giám sát đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản

Theo đại diện lãnh đạo Công ty CP Licogi 13: Kề từ khi được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép, Công ty luôn tuân thủ các quy định của Nhà nước trong việc khai thác khoáng sản. Hàng năm, đơn vị đều được các cơ quan chuyên môn kiểm tra, giám sát việc chấp hành khai thác khoáng sản đúng tọa độ, diện tích, trữ lượng, công suất theo quy định. Thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, cũng như hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản. Đảm bảo an toàn kỹ thuật, an toàn mỏ, lao động và an toàn vật liệu nổ; cắm mốc đánh dấu, tránh tình trạng khai thác vượt diện tích đã được cấp giấy phép; đầu tư hệ thống camera để theo dõi nhằm tránh thất thoát tài nguyên; thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo đúng quy định của pháp luật.

Công ty đã và đang thực hiện đầy đủ trách nhiệm đóng thuế cho nhà nước. Hiện nay, Công ty có 24 công nhân, kỹ sư đang lao động tại mỏ đá. Những công nhân này đều có chuyên môn, kinh nghiệm, được Công ty hướng dẫn phố biến chặt chẽ nội quy về an toàn lao động, được hưởng quyền lợi về lương thưởng, lương tăng ca, ngày nghỉ, chế độ nghỉ ốm, bồi dưỡng, được đóng BHXH, tham gia BHYT. Các công nhân đều là lao động địa phương, được đảm bảo mức lương cứng dao động trung bình 7-8 triệu/ tháng.

Có thể thấy, việc áp dụng Luật Khoáng sản vào thực tế không chỉ giúp công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tài nguyên khoáng sản đạt được những kết quả rõ rệt, khắc phục tình trạng cấp phép manh mún, tràn lan ở địa phương, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, mà còn giúp tăng thu ngân sách nhà nước, tăng thêm thu nhập, đảm bảo ổn định kinh tế đời sống cho hàng ngàn lao động địa phương tại xã Tân Trường.

Thu Thủy