Môi trường

Xã hội hóa nguồn lực cho bảo vệ tài nguyên môi trường

Khánh Ly 20/06/2023 - 17:15

(TN&MT) - Trong bối cảnh ngân sách hạn chế, việc huy động các nguồn lực xã hội hóa thông qua đóng góp từ doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh và người dân sẽ giúp bổ trợ và dần thay thế các đầu từ từ ngân sách cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH. Tuy nhiên, cần đảm bảo cơ chế sử dụng hiệu quả và minh bạch.

Đây là nhận định chung của các chuyên gia tại Hội thảo "Xã hội hóa nguồn lực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu", do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức ngày 20/6, tại Hà Nội.

20230620_082420.jpg
Ban chủ trì hội thảo

Theo TS. Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển, Chính phủ Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực nhằm hạn chế suy thoái và bảo tồn các hệ sinh thái, loài và vùng cảnh quan có giá trị thông qua ban hành các chính sách, chiến lược và quy định về quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ rừng, biển và giá trị đa dang sinh học. Tuy nhiên, thực tế, nguồn tài chính cho quản lý và bảo tồn loài hoang dã nguy cấp quý hiếm phụ thuộc phần lớn vào tài trợ quốc tế, ngân sách nhà nước chỉ mới chi cho các hoạt động nghiên cứu cơ bản, không thường xuyên và ở quy mô nhỏ. Theo kết quả nghiên cứu của dự án BIOFIN, việc chi cho ĐDSH luôn dưới 1% tổng ngân sách nhà nước. Do vậy, nguồn tài chính cho công tác bảo tồn luôn thiếu và sử dụng không hiệu quả và thiếu chiến lược đầu tư và huy động rõ ràng.

Ngân sách Nhà nước là nguồn tài chính quan trọng nhất cho ĐDSH ở Việt Nam nhưng còn thấp, chưa đủ để thực hiện các công tác quản lý, nghiên cứu, bảo tồn ở mức độ cơ bản nhất. Thêm vào đó, chi tiêu cho ĐDSH không thể lập và có được một cách chính thống mà thường được ẩn hay lồng ghép trong các mục tiêu khác. Quan trọng nhất là chi tiêu cho ĐDSH không có mục ngân sách riêng và cũng không được xem xét trong chương trình đầu tư của Chính phủ. Do đó, thiếu hụt tài chính cho ĐDSH sẽ là khó khăn cả cho giải đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Với cách phân bổ ngân sách như hiện tại sẽ không đủ để đạt được các mục tiêu đã nêu ra trong Chiến lược ĐDSH của Việt Nam. Nếu các nguồn lực tài chính không tăng từ ngân sách hoặc thông qua các cơ chế tài chính mới để thu hút được các hỗ trợ, đầu tư từ các nhà tài trợ, các quỹ, các doanh nghiệp và đóng góp tư nhân thì công tác bảo tồn ĐDSH khó mà thực hiện được hiệu quả, và sự suy thoái ĐDSH sẽ vẫn tiếp diễn.

9917-1687245168-ht-mt-20-06-23-13.jpg
TS Nguyễn Ngọc Sinh, Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam (VACNE) phát biểu tại hội thảo

Mặt khác, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường hay ứng phó BĐKH, xã hội hóa nguồn lực đang thể hiện rõ nét hiệu quả hơn. Ông Nguyễn Văn Phấn, Giám đốc Trung tâm GD&TT môi trường nhận định, đã có nhiều mô hình, hoạt động xã hội hóa trong bảo vệ môi trường đạt kết quả tốt do các tổ chức đoàn thể thực hiện tại cơ sở; mô hình trường học, bệnh viện, nhà máy xanh, sạch, đẹp. Hầu hết các tổ chức chính trị - xã hội đều có công trình, tuyến đường tự quản về BVMT và có nhiều hoạt động tham vấn, phản biện, giám sát, phát hiện các hành vi gây ô nhiễm môi trường, thông báo cho cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời. Ở khu vực nông thôn cũng xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hợp tác xã, tổ, đội thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực nông thôn hoạt động hiệu quả, tự đầu tư trang thiết bị, phương tiện thu gom, lò đốt chất thải, tự quản lý vận hành hoạt động đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tự hạch toán thu chi, chăm lo đời sống cho người lao động, mục đích là giữ cho môi trường xanh, sạch, đẹp.

Nhiều doanh nghiệp tham gia xã hội hóa thông qua việc chủ động đầu tư thay đổi dây chuyền, công nghệ sản xuất giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu, năng lượng, giảm chất thải, phát thải khí nhà kính, đầu tư công nghệ sản xuất thực hiện kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... Rất nhiều doanh nghiệp cũng hỗ trợ kinh phí, phối hợp với cộng đồng và các cơ quan, đơn vị để triển khai các hoạt động BVMT như: Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh của Công ty TOYOTA, Giảm phát thải nhựa của PANASONIC, Thu hồi tái chế sản phẩm thải bỏ của UNIVER, HENIKEN; tổ chức các hoạt động truyền thông BVMT như Mít tinh hưởng ứng Ngày môi trường thế giới, Tuần lễ Biến và hải đảo, Ngày Đa dạng sinh học, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, giờ Trái đất….

“Thực tế, nhờ có xã hội hóa nguồn lực của cộng đồng và Doanh nghiệp mà Nhà nước đã giảm được rất nhiều chi phí kinh phí cho công tác BVMT, cái được lớn nhất là làm thay đổi được nhận thức, hình thành ý thức trách nhiệm chung tay BVMT của nhà sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cả cộng đồng” – ông nguyễn Văn Phấn nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, chủ trương xã hội hóa nguồn lực đã được thể hiện trong nhiều chủ trương, chính sách khác nhau về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, để chính sách này đạt hiệu quả cao, cần xây dựng các chiến lược, kế hoạch về huy động tài chính, nguồn lực, khoa học - công nghệ… qua đó phát huy nội lực dân tộc và xây dựng các cơ chế, chính sách thuận lợi để mở rộng định hướng xã hội hóa nguồn đầu tư cho bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu vốn ngày càng cấp bách. Bên cạnh đó, cần kiến tạo môi trường thuận lợi để các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội và phi lợi nhuận có thể phát huy cao nhất khả năng, năng lực để cùng Chính phủ triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu nhằm phục hồi thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó biển đổi khí hậu.

9917-1687245168-ht-mt-20-06-23-14.jpg
Quang cảnh hội thảo

Theo TS Nguyễn Ngọc Sinh, Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam (VACNE), VACNE đã áp dụng cách tiếp cận mới TAI ( The Access Initiative ) từ năm 2006 để huy động sức mạnh cộng đồng bảo vệ môi trường nói chung, “xã hội hóa nguồn lực” bảo vệ môi trường nói riêng. Theo cách tiếp cận này, cần phải đảm bảo đầy đủ thông tin cần thiết cho cộng đồng; tạo điều kiện để cộng đồng chủ động thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường; bảo đảm về mặt pháp lý cho các hoạt động của cộng đồng và tăng cường năng lực cho họ.

Tại hội thảo, các đại biểu khuyến nghị cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp đảm bảo đồng bộ, công khai, minh bạch; cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho địa phương trong việc chỉ đạo, tuyên truyền, vận động xã hội hóa; làm rõ quyền, lợi ích và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia; ban hành kịp thời các quy định về sử dụng nguồn lực xã hội hóa; thống nhất cách hiểu, cách làm, cách huy động, vận động xã hội hóa.

Nhà nước cần tiếp tục có chính sách khuyến khích hoạt động xã hội hóa trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ nhằm tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, năng lượng, giảm chất thải, phát thải khí nhà kính; phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ môi trường sản xuất các sản phẩm, hàng hóa thân thiện với môi trường, tiến tới hạn chế nhập khẩu trang thiết bị, dụng cụ của nước ngoài, sử dụng sản phẩm trong nước giá thành hạ, chất lượng tốt, dễ vận hành sử dụng, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Cần phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp và của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp tham gia xã hội hóa; ban hành cơ chế chính sách, hướng dẫn, kiển tra, giám sát, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, thẩm định công nghệ, hỗ trợ pháp lý, tuyên truyền, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động xã hội hóa bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học.

Khánh Ly