Xã hội

Nậm Pồ những dấu ấn tiên phong

Trần Hương 20/06/2023 - 14:55

(TN&MT) - Nậm Pồ sau 10 năm thành lập và phát triển, kết cấu hạ tầng giao thông được mở rộng, hệ thống trường lớp được kiên cố; đại bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số thay đổi cách nghĩ, cách làm về phương thức sản xuất; chất lượng đội ngũ cán bộ ngày một nâng lên, tinh thần phục vụ, thái độ phục vụ Nhân dân ngày càng hiệu quả…Tất thảy là nhờ vào công tác điều hành chỉ đạo của các cấp lãnh đạo địa phương. Đó là những dấu ấn tiên phong của huyện Nậm Pồ sau 10 năm thành lập.

Đổi mới trong công tác điều hành chỉ đạo

Trung tuần tháng 6, chúng tôi có chuyến ngược ngàn Tây Bắc. Đặt chân lên đất Nậm Pồ lúc đã gần tối, tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ, Bí thư huyện ủy Lê Khánh Hòa, chia sẻ: Nậm Pồ chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập, nên các tuyến đường, các công trình mọi thứ đang phải gấp rút khẩn trương. Là huyện miền núi nghèo nhất cả nước, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn nên công tác chuẩn bị lại càng thêm vất vả. Ngoài khâu khánh tiết thì còn rất nhiều việc phải làm… Song, nhìn lại chặng đường đã qua, chúng tôi cũng thấy được những nỗ lực cố gắng của mình, những hạn chế trong công tác điều hành chỉ đạo cần khắc phục. Dù thế nào thì đó cũng là bài học, là dấu ấn của nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ và sự đoàn kết đồng lòng của đồng bào các dân tộc nơi đây.

a1...jpg
Đại hội Đảng bộ huyện Nậm Pồ, lần thứ 3 nhiệm kỳ 2022-2025

Qua những lời ruột gan, chân thành của vị lãnh đạo huyện, chúng tôi có cảm nhận: Từ sau Đại hội Đảng bộ huyện Nậm Pồ đến nay, Ban Thường vụ, BCH Đảng bộ huyện đã ban hành một loạt các chương trình hành động, xây dựng nghị quyết chuyên đề, giao cho các phòng ban chuyên môn. Các thành viên ủy ban xây dựng kế hoạch lộ trình tổ chức thực hiện. Phân công, phân nhiệm gắn trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức. Đồng thời, tuyên truyền xuống các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và Nhân dân các dân tộc cùng triển khai, tổ chức thực hiện… vướng đâu tháo gỡ đó.

Đặc biệt, trong công tác dân vận Đảng, dân vận chính quyền của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương Nậm Pồ là một mô hình kiểu mẫu trong phong trào này. Tổng hòa ý chí, sức mạnh của tập thể và toàn dân. 121 tổ dân vận được lập tại 121 thôn, bản của Nậm Pồ. Tổ dân vận có nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật, đường lối của Đảng, Nhà nước đến cho đồng bào các DTTS, giúp đỡ người dân lao động sản xuất, thống nhất trong nếp nghĩ cách làm.

a2..jpg
Nậm Pồ luôn quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp giáo dục. Trong ảnh đồng chí Lê Khánh Hòa, Bí thư huyện Nậm Pồ chụp ảnh cùng các cháu MN trong chương trình cải thiện bữa ăn sáng từ nguồn xã hội hóa giáo dục

Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính (CCHC) đã được BTV huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện, các phòng ban chuyên môn thống nhất cao trong cách tổ chức thực hiện.

Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, Bùi Văn Luyện, cho biết: Hàng năm, huyện chỉ đạo và ban hành kế hoạch CCHC, phân tích các chỉ số đạt thấp, những yếu tố tồn tại để xây dựng kế hoạch khắc phục cụ thể. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, gắn trách nhiệm CCHC với việc đánh giá xếp loại công chức, viên chức hàng năm.

a3.jpg
Lãnh đạo huyện thăm các gia đình chính sách tại địa phương

Căn cứ theo Quyết định số 2031/QĐ-UBND, ngày 04/11/2022 của UBND tỉnh Điện Biên, về việc phê duyệt Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên”, có 19 sở, ngành và 10 huyện, thị xã, thành phố nằm trong danh sách xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính. Trong đó, ở bảng xếp hạng cấp huyện, huyện Nậm Pồ xếp vị trí thứ nhất với Chỉ số cải cách hành chính đạt tỷ lệ trung bình là 85,57%; huyện Điện Biên xếp vị trí thứ 2 với Chỉ số cải cách hành chính đạt tỷ lệ trung bình là 85,40%. Năm 2022, là năm thứ 3 liên tiếp huyện Nậm Pồ xếp vị trí đứng đầu trong danh sách xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính.

Tập trung nguồn lực cho lĩnh vực ưu tiên

Sau 10 năm thành lập, thành quả đạt được ngày hôm nay dẫu chưa phải quá lớn, song, đó là những gì nỗ lực cố gắng của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và Nhân dân các dân tộc huyện Nậm Pồ. Tất cả bộ máy chính trị của huyện Nậm Pồ đang được vận hành thành một khối thống nhất, chỉ cần một mắt xích trồi lên sẽ làm chệch bánh lái… Trên con đường về đích, đoàn tàu đó có thể gặp những trở ngại. Song với tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm của tập thể cùng với bản lĩnh của người đứng đầu bộ máy, chắc chắn không bao lâu Nậm Pồ sẽ đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đảng bộ huyện đã đề ra, đưa Nậm Pồ chuyển mình trên con đường phát triển bền vững mà ở đó, dẫu kết quả chưa trọn vẹn, nhưng ý Đảng lòng dân hòa quện là cơ sở để con tàu chuyển bánh nhanh hơn, về đích sớm hơn trong những chặng tiếp theo.

a4.jpg
Một góc bản du lịch cộng đồng Nà Sự, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ

Sau 10 năm, kết cấu hạ tầng giao thông được nâng cấp, mở rộng tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội, người dân có cơ hội giao thương, thông thương giữa các xã trong cùng một huyện, các xã của huyện khác, tỉnh khác… Các mặt hàng nông sản được vận chuyển đến các thị trường lớn, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, đi lại được quanh năm, tăng 40% so với năm 2013. Các tuyến giao thông huyện, xã, bản được cứng hóa, trung bình trên 25% tỷ lệ tăng bình quân 18% so với năm 2013.

Cụ thể: Từ năm 2013 đến năm 2022, Nậm Pồ thực hiện sửa chữa 11 cây cầu treo, làm mới 9 cầu treo, 2 cây cầu sắt và 16 cây cầu cứng; huy động xã hội hóa 4 cây cầu. Nâng cấp mở mới 252,364km đường giao thông.

a5.jpg
Tổ dân vận Nà Hỳ vệ sinh đường giao thông liên bản

Công tác giáo dục phát triển mạnh mẽ, mạng lưới trường lớp học được mở rộng tăng từ 39 lên 45 trường. Toàn huyện đã có 29 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 25 trường so với năm 2013. Theo đó, cơ sở vật chất trường lớp cơ bản được kiên cố hóa 196 phòng học, 298 phòng học 3 cứng, làm mới 127 gian nhà nội trú cho học sinh DTTS, 21 bếp ăn tập thể và 30 sân khấu ngoài trời…

Đặc biệt, công tác xã hội hóa giáo dục của huyện Nậm Pồ đi đầu phong trào trong những năm qua, đã có 178 nhà lớp học, phòng ở công vụ được nâng cấp và làm mới, tổng trị giá trên 40, 3 tỷ đồng; hỗ trợ ăn trưa cho 4.496 học sinh. Trong năm học 2021 - 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ 8,4 tỷ đồng cho ngành giáo dục Nậm Pồ. Bên cạnh đó, chương trình làm nhà vệ sinh cho học sinh huyện đã kêu gọi được 6.331 triệu đồng, làm mới và nâng cấp 213 phòng vệ sinh cho học sinh các cấp. Chương trình “nước cho em” sau khi phát động đã nhận được 516,945 triệu đồng , hiện vật trị giá 181,55 triệu đồng, đã khoan được 26 giếng nước giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại các trường học trên địa bàn huyện. Chương trình “2.000 đồng mỗi ngày cho ngành giáo dục” được phát động rộng rãi trên địa bàn toàn huyện, đón nhận được sự quan tâm đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân. Tính đến thời điểm này, tổng số lợn đất đang phát động 960 con, với 2.316 người tham gia phong trào.      

a6.jpg
Mô hình cấy lúa mạ khay huyện Nậm Pồ

Nhìn vào những thành tựu đó của huyện Nậm Pồ, chúng tôi có cảm nhận rằng: việc huy động các nguồn lực từ Nhà nước cho đến Nhân dân đóng góp và xã hội hóa trong 2 lĩnh vực cực kỳ then chốt như: mở rộng kết cấu hạ tầng giao thông và đầu tư cho giáo dục. Hệ thống giao thông vừa là tiền đề, điều kiện để người dân mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế, giao lưu, hội nhập thông thương với các địa phương khác giúp người dân thoát nghèo bền vững. Đầu tư cho giáo dục là yếu tố mang tính chiến lược lâu dài nhằm thay đổi nhận thức thế hệ tương lai của Nậm Pồ, để những lớp người sau của Nậm Pồ vươn lên làm giàu bản, giàu xã…

Đồng nghiệp tôi đi cùng nhận định: Đó là sự lựa chọn khôn ngoan của Nậm Pồ khi mà nguồn lực còn hạn chế. Họ đã biết tập trung sử dụng các nguồn lực một cách căn cơ và bài bản, không lãng phí, không dàn trải, có chọn lọc, thiết thực và mang tính chiến lược lâu dài. Đồng bào vùng cao muốn làm giàu trước tiên phải thay đổi từ nhận thức, muốn nhận thức một cách đầy đủ, đúng và trúng thì chỉ có giáo dục. Đầu tư cho giáo dục mới là bền vững nhất… Và công tác xã hội hóa giáo dục ở Nậm Pồ do huyện phát động mới thấy được tính quy mô, bài bản là thế.

a7.jpg
Đồng bào vui múa bên nếp nhà sàn thái

Chia tay Nậm Pồ trong lúc mặt trời đứng bóng, chúng tôi ra về trời bắt đầu hửng nắng. Cơn mưa giông đã tan để lộ khoảng trời xanh thẳm, ý nghĩa nhân sinh sau cơn mưa thì trời sẽ lại hửng nắng làm tinh thần chúng tôi phấn trấn… ngồi trên xe, mỗi người chúng tôi dượt đuổi theo một suy nghĩ rất riêng, nhưng đều thầm cầu chúc cho Nậm Pồ mãi là điểm sáng của niềm tin, của lòng sắt son chung thủy, đoàn kết trên dưới một lòng, xây dựng chiến lược thế trận lòng dân… trung kiên với Đảng, Bác Hồ đã và đang lan tỏa trong mọi tầng lớp Nhân dân ở nơi đây.

Trần Hương