Lạng Sơn: Nâng cao đời sống người dân từ trồng và bảo vệ rừng
Khai thác lợi thế rừng và đất lâm nghiệp, Lạng Sơn đã triển khai nhiều cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp, kết hợp cùng các giải pháp quản lý tốt diện tích rừng hiện có, góp phần giúp người dân sống được nhờ rừng.
Chủ động tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Lạng Sơn là địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khá thuận lợi, phù hợp cho phát triển sản xuất lâm nghiệp. Phần lớn dân số sống ở nông thôn, miền núi, cuộc sống phụ thuộc nhiều vào sản xuất lâm nghiệp. Đây là những tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển lâm nghiệp của tỉnh.
Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, đến hết năm 2022, diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh là hơn 572.000ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 63,7%. Những năm gần đây, ngành lâm nghiệp luôn giữ vai trò quan trọng, đóng góp giá trị lớn trên các mặt kinh tế - xã hội - môi trường và an ninh quốc phòng của tỉnh.
Phát huy tiềm năng, lợi thế về rừng và yêu cầu, nhiệm vụ về phát triển lâm nghiệp, tỉnh đã chủ động triển khai các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; ban hành, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp; huy động nhiều nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa sản xuất lâm nghiệp...
Đồng thời, có chính sách hỗ trợ cho vay đối với người trồng rừng; cải thiện chất lượng giống cây lâm nghiệp; quy hoạch cơ cấu vùng cây trồng hợp lý để tạo vùng trồng tập trung, ổn định; các biện pháp canh tác lâm nghiệp tiên tiến theo hướng ứng dụng công nghệ cao; tập trung phát triển lĩnh vực chế biến lâm sản; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm từ gỗ rừng trồng... Hướng dẫn thực hiện cải tạo rừng sản xuất là rừng tự nhiên không có khả năng tự phục hồi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2030.
Cùng với công tác phát triển rừng, Lạng Sơn cũng đặc biệt chú trọng bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo và Ban Quản lý dự án Bảo vệ và phát triển rừng của huyện, thành phố; Ban Bảo vệ và phát triển rừng cấp xã; Tổ bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng của thôn. Xây dựng Phương án quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng cấp huyện, xã.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng với hình thức đa dạng, phong phú, thông qua các hội nghị tuyên truyền, tập huấn, phát tờ rơi, phát tin cảnh báo cháy rừng qua Đài PTTH tỉnh, tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng...
Đến nay, toàn bộ diện tích đất có rừng được quản lý thống nhất trên cơ sở thiết lập lâm phận quốc gia, theo hệ thống tiểu khu, khoảnh, lô trên bản đồ và thực địa. Tình trạng đốt, phá rừng làm nương rẫy, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép giảm rõ rệt qua các năm.
Tạo việc làm, nâng cao thu nhập
Có thể thấy, sản xuất lâm nghiệp đã và đang góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đảm bảo phát triển KT-XH bền vững. Theo số liệu từ Cục thống kê Lạng Sơn, giá trị sản xuất lâm nghiệp toàn tỉnh năm 2015 đạt gần 1.800 tỷ đồng đã tăng lên 4.570 tỷ đồng năm 2022.
Trong đó, giá trị gỗ rừng trồng đạt gần 4.300 tỷ đồng. Giai đoạn 2020-2022, toàn tỉnh đã trồng rừng tập trung hơn 21.500ha rừng; gần 5.600ha rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn.
Song song với công tác trồng, bảo vệ rừng, Lạng Sơn còn đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc, khai thác rừng trồng, phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh của tỉnh để thúc đẩy phát triển lâm nghiệp bền vững.
Từ năm 2020 đến nay, Sở KH&CN Lạng Sơn đang quản lý hơn 20 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ liên quan đến công tác phát triển lâm nghiệp.
Tuyển chọn các cây đầu dòng, cây ưu tú để nhân giống cây trồng có đặc tính ưu việt kết hợp bảo tồn giống, quỹ gen bản địa, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng như: Phục tráng giống đào Mẫu Sơn; tuyển chọn và phát triển cây Trám đen huyện Hữu Lũng; nhân giống và thâm canh Măng bát độ Hữu Lũng; phát triển giống đào Chuông, trà Hoa vàng Đình Lập… Nhân giống, xây dựng mô hình trồng Sa nhân tím, Lan Kim Tuyến theo hướng hàng hóa.
Thu nhập từ rừng của người trồng rừng ngày một cao hơn, người dân đã nhận thức được giá trị của việc chuyển trồng rừng gỗ nhỏ, rừng nguyên liệu sang rừng gỗ lớn. Sau một chu kỳ trồng rừng từ 7 năm, mỗi hộ gia đình có thể tạo được nguồn thu từ 90-110 triệu đồng/1 ha Keo, Bạch đàn; 50-70 triệu đồng/1 ha rừng Thông/1 năm khai thác nhựa; 30-40 triệu đồng/1 ha rừng Hồi/năm…
Qua đó, góp phần quan trọng tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động vùng nông thôn, miền núi, giảm tỷ lệ hộ nghèo nông thôn và nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thu nhập được nâng cao, người dân có điều kiện chăm sóc sức khỏe, cải thiện môi trường sống, tiếp cận các hoạt động văn hóa, xã hội tiên tiến, giảm bớt các thủ tục, thói quen lạc hậu.
Đặc biệt, với diện tích rừng tăng mạnh qua các năm, độ che phủ rừng được nâng lên là một trong những nhân tố quan trọng góp phần bảo vệ tốt môi trường, nguồn nước, đảm bảo nguồn sinh thủy cho các hồ đập, hạn chế lũ lụt, nhất là lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo đời sống của người dân toàn tỉnh, hướng đến giảm nghèo bền vững, giảm nguy cơ tái nghèo.
Lạng Sơn đã triển khai nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN xử lý ô nhiễm, BVMT, bảo vệ tài nguyên rừng, tái sử dụng tài nguyên gỗ. Theo đó, đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ biến tính gỗ bằng vật liệu nano SiO2 trong gia công thanh gỗ cơ sở để sản xuất ván sàn từ gỗ thông Mã Vĩ. Nghiên cứu, ứng dụng các
giải pháp KH&CN sản xuất vật liệu composite từ nguồn phế phụ phẩm sau chế biến gỗ rừng trồng; Nghiên cứu sản xuất ván sàn composite từ nguồn phế phụ phẩm sau chế biến gỗ trên nền nhựa ABS.... Các kết quả nghiên cứu đã góp phần ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường, tận thu nguồn nguyên liệu để tái sử dụng vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân về BVMT.