Xã hội

Quảng Ninh: Bảo vệ nguồn nước, tạo sinh kế cho đồng bào DTTS

Phạm Hoạch 20/06/2023 - 14:52

(TN&MT) - Trong những năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp đã tác động mạnh đến tài nguyên và môi trường đất, nước, rừng, biển, nhất là gia tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngọt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Trước thực trạng đó, Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp bảo vệ nguồn nước, cũng như chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi giúp cho người dân ổn định cuộc sống.

Nhiều thách thức bảo vệ nguồn nước

Trước thực trạng thời tiết có những diễn biến cực đoan, hạn hán kéo dài, nên mực nước trong các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thường xuyên ở tình trạng khô hạn, gây thiếu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt đối với người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS ở một số huyện miền núi và hải đảo.

Quảng Ninh hiện có trên 60 sông, suối với chiều dài trên 10km. Trong đó có 4 con sông lớn: Đá Bạc (đoạn hạ lưu của hệ thống sông Thái Bình), sông Ka Long, sông Tiên Yên và sông Ba Chẽ. Tiềm năng nguồn nước trên địa bàn tỉnh khoảng 9,98 tỷ m3, trong đó lượng nước mặt khoảng 8,35 tỷ m3 và nước dưới đất khoảng 1,63 tỷ m3.

anh-qn-001.jpg
Người dân xã Bằng Cả, TP.Hạ Long sử dụng nguồn nước lấy từ khe suối đầu nguồn để sinh hoạt và sản xuất

Trao đổi với PV, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, ông Ngọc Thái Hoàng cho biết, mặc dù tài nguyên nước của Quảng Ninh khá phong phú, nhưng do đặc điểm địa hình chia cắt làm mất cân đối nguồn nước theo mùa và khu vực, gây khó khăn cho việc đáp ứng nguồn nước cho các mục tiêu phát triển. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác nước ngầm quá mức có thể dẫn đến nguy cơ cạn kiệt, gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân.

Trong khi những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm các nguồn nước, hồ điều hòa các khu vực dân cư, đô thị đặc biệt là các thành phố lớn như Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả và Uông Bí. Đồng thời, làm gia tăng nguy cơ ngập lụt tại các khu vực trũng, khu vực có hệ thống thoát nước kém và các khu vực thuộc lưu vực sông Ba Chẽ, Tiên Yên.

Ông Phạm Văn Sáu, Bí thư Đảng ủy xã Tân Dân, TP.Hạ Long chia sẻ, trên địa bàn xã có nhiều con suối đầu nguồn, tạo nguồn sinh thủy cung cấp nước cho hồ Yên Lập là hồ chứa nước ngọt lớn nhất tỉnh Quảng Ninh. Do vậy, địa phương thường xuyên tuyên truyền tới bà con tham gia trồng rừng, bảo vệ nguồn nước để sinh hoạt và phát triển sản xuất, khuyến khích người dân chuyển đổi giống cây, vật nuôi phù hợp, tiết kiệm nước, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu. Nhờ vậy, đến nay xã không còn hộ nghèo và cận nghèo.

Chị Trương Thị Quyên, thôn 2, xã Bằng Cả, TP.Hạ Long cho biết,  cũng như nhiều hộ trong thôn, nước sinh hoạt và sản xuất của gia đình đều được lấy từ suối về. Có nguồn nước gia đình mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, trồng lúa, ngô, cho thu nhập ổn định. Về lâu dài, bà con trong thôn mong muốn được sử dụng nguồn nước máy sạch để đảm bảo sức khỏe, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Đảm bảo an ninh nguồn nước

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, những năm gần đây, biến đổi khí hậu làm gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng khí hậu cực đoan cũng như gia tăng các loại hình thiên tai như bão, lũ, sạt lở đất, lũ quét đã tác động đáng kể đến tài nguyên và môi trường đất, nước, rừng, biển và hải đảo, hệ sinh thái rừng và hệ sinh thái biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Trong đó, điển hình như năm 2020, các hồ chứa ở Quảng Ninh rơi vào tình trạng khô hạn, gây thiếu nước nghiêm trọng cho các địa phương. Hiện nay, nhiều hồ thủy lợi trên địa bàn có mực nước thấp hơn so với các năm trước, nguy cơ hạn hán, ảnh hưởng đến cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của người dân.

anh-qn-002.jpg
Hồ chứa nước ngọt tại xã An Sinh, TX.Đông Triều cạn trơ đáy, ảnh hưởng đến việc cung cấp nước phục vụ sản xuất trên địa bàn.

Để giải bài toán về đảm bảo về nguồn nước, mới đây, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tính đến thời điểm này, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước phê duyệt Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước.

Theo ông Ngọc Thái Hoàng, việc tỉnh Quảng Ninh sớm phê duyệt Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là tiền đề quan trọng để hiện thực hóa các nội dung trọng tâm như đánh giá hiện trạng nguồn nước, hiện trạng quản lý các công trình hồ chứa nước. Đề án cũng tính toán cân bằng nguồn nước đối với từng phân khu, phân vùng, để xác định nhu cầu sử dụng nước trong từng giai đoạn, tình trạng thừa, thiếu nước sau khi xây dựng bổ sung các công trình.

Cùng với đó, khu vực phía đông TP.Hạ Long và TP.Cẩm Phả đề xuất triển khai xây dựng nhà máy sản xuất nước sạch từ nguồn nước thải mỏ khu vực Cẩm Phả. Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn và phát huy hiệu quả các công trình hiện có giai đoạn này, tỉnh sẽ sửa chữa, nâng cấp 37 hồ chứa, 36 đập dâng, 5 trạm bơm. Dự kiến, giai đoạn 2026-2030, Quảng Ninh tiếp tục đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng cho các dự án thủy lợi.

Sự quan tâm đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS ở các huyện miền núi đã góp phần quan trọng vào kết quả tỉnh Quảng Ninh hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, chuyển sang giai đoạn xây dựng và triển khai theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Theo Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, dự kiến, từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng xây mới các hồ chứa nước. Cụ thể, tại khu vực huyện Ba Chẽ đầu tư xây dựng hồ Khe Tâm (dung tích 1,2 triệu m3); huyện Hải Hà đầu tư xây dựng, nâng cấp hồ Tài Chi (dung tích 7 triệu m3) và hồ Quảng Thành (dung tích 5 triệu m3); khu vực Cô Tô xây dựng hồ chứa nước C22 (dung tích 0,3 triệu m3); khu vực Vân Đồn hoàn thiện việc xây dựng hồ Đồng Dọng.

Phạm Hoạch