Môi trường

Cần cơ chế thúc đẩy xã hội hóa nguồn lực trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu

Phương Hà 20/06/2023 - 14:43

Sáng ngày 20/6, Hội thảo “Xã hội hóa nguồn lực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu” đã được tổ chức với mục tiêu chia sẻ, thảo luận và kiến nghị các giải pháp, sáng kiến chính sách nhằm thực hiện tốt hơn chủ trương xã hội hóa, huy động nguồn lực hiệu quả để chung tay góp phần vào mục tiêu quốc gia và toàn cầu về bảo tồn thiên nhiên, thích ứng biến đổi khí hậu.

Hôi thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với các thành viên Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW), Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) và Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên Vùng cao (CEGORN) tổ chức.

Đây cũng là hoạt động trong chuỗi Chương trình phối hợp số 01/CTrPH-BTNMT-LHHVN về việc thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2020 - 2025 giữa VUSTA và Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phối hợp hành động bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững.

01.jpg
Các đại biểu chủ trì Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch VUSTA nhận định, vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí, ô nhiễm rác thải nhựa ở các khu vực đô thị đang đặt ra thách thức cho Việt Nam. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm và suy giảm chất lượng môi trường sống cũng đang diễn ra ở khu vực nông thôn như ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm đất đai do tác động từ phương thức canh tác, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng tài nguyên thiên nhiên thiếu bền vững…

Theo PGS.TS. Phạm Quang Thao, để giải quyết các vấn đề này cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là huy động góp sức từ nhiều nguồn lực khác nhau, ngoài nguồn lực từ Chính phủ còn có nguồn lực huy động từ nguồn xã hội hóa. Hội thảo “Xã hội hóa nguồn lực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu” là sự kiện giúp các tổ chức, doanh nghiệp cùng chia sẻ, thảo luận và kiến nghị các giải pháp, sáng kiến chính sách nhằm thực hiện tốt hơn chủ trương xã hội hóa, huy động nguồn lực hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, thích ứng biến đổi khí hậu.

“Sự tham gia của các nguồn lực huy động từ nguồn xã hội hóa sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm, hình thành ý thức chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường” - PGS.TS. Phạm Quang Thao nhấn mạnh.

02.jpg
Hội thảo có sự tham gia của nhiều đơn vị, tổ chức quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường

Tự hào là tổ chức hoạt động động tích cực trong công tác tham gia và huy động xã hội hóa ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, TS. Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban KHCN&MT của VUSTA cho biết: VUSTA và các hội thành viên, các tổ chức trực thuộc đã chủ động hội nhập quốc tế, khai thác các nguồn lực để thực hiện nhiều chương trình dự án về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ.

Gần đây nhất, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (thành viên của VUSTA) đã phối hợp với UBND huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La tổ chức chương trình “Vá rừng trên núi đá” tại bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ với sự tham gia của gần 200 đại biểu cùng chung tay trồng hơn 5.000 cây dổi, trám, móc, đa, mắc mật, 1.000 hom dâu da xoan, phát tán gần 9.000 bom hạt trên diện tích gần 10ha, phục hồi những mảnh rừng bị suy thoái do tác động từ các hoạt động của con người.

Hay tại sự kiện phát động hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã phối hợp cùng UBND tỉnh đã tổ chức những hoạt động ý nghĩa và sôi nổi. Các sự kiện không chỉ nhận được sự hưởng ứng của chính quyền địa phương mà còn nhận được sự quan tâm, đồng hành của các doanh nghiệp, các trường học trên địa bàn.

Chỉ tính riêng năm 2022, trong bối cảnh khó khăn sau đại dịch Covid-19, các tổ chức KH&CN trực thuộc VUSTA đã tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu với 566 dự án bảo vệ môi trường; 214 dự án ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai; 7 dự án bảo tồn và khai thác tài nguyên nước, tài nguyên biển; 1.285 pano, khẩu hiệu, áp phích tuyên truyền. Tích cực tham gia các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, đơn vị đã tham gia bảo tồn 110 loài động vật; trực tiếp triển khai 59 mô hình bảo tồn đa dạng sinh học; triển khai 12 chiến dịch truyền thông nhằm bảo tồn đa dạng sinh học; tuyên truyền qua 290 pano, khẩu hiệu, áp phích… Theo báo cáo của hơn 200 đơn vị, VUSTA huy động được hơn 1.000 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa cho công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, thích ứng biến đổi khí hậu năm 2022.

TS. Lê Công Lương khẳng định đây là những con số biết nói thể hiện sự thành công của VUSTA cùng các hội thành viên trong việc huy động tham gia xã hội hóa vào các hoạt động phục hồi thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

03.jpg
Gần đây nhất, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (thành viên của VUSTA) đã phối hợp với UBND huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La tổ chức chương trình “Vá rừng trên núi đá” tại bản Hua Tạt, xã Vân Hồ

Bên cạnh những kết quả đạt được, TS. Lê Công Lương cho hay, mặc dù là thế mạnh của VUSTA nhưng hoạt động xã hội hóa ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường của các hội ngành và các các đơn vị KH&CN vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Trừ VUSTA, các đơn vị khác do không có nguồn kinh phí thường xuyên từ ngân sách Nhà nước, chủ yếu từ nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế nên hoạt động mang tính chất thụ động, thiếu ổn định. Ngoài ra, việc tiếp nhận, phê duyệt dự án và triển khai thực hiện hết sức khó khăn. Nhiều đơn vị xin được phê duyệt dự án thì đã quá thời hạn giải ngân.

Để triển khai thực hiện rộng rãi, có nền nếp và thường xuyên về xã hội hóa ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, TS. Lê Công Lương đề xuất, VUSTA và các hội thành viên cần khẩn trương tham mưu, đề xuất sửa đổi Nghị định 80/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam.

Đặc biệt, TS. Lê Công Lương đề xuất các ban, bộ, ngành liên quan cải tiến, đổi mới, đơn giản hóa quy trình phê duyệt, tiếp nhận, quyết toán viện trợ; trong đó có thể xem xét giảm hoặc miễn thuế cho các hoạt động xã hội hóa ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ về sự cần thiết của xã hội hóa nguồn lực và hiệu quả từ xã hội hóa trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; các chính sách xã hội hóa cho bảo tồn thiên nhiên; kinh nghiệm huy động nguồn lực xã hội; các sáng kiến xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường… Từ đó trao đổi, đề xuất nhiều giải pháp triển khai tốt hơn công tác huy động nguồn lực xã hội hóa, tạo động lực phát triển xanh và bền vững.

Phương Hà