Môi trường

Để đô thị Việt Nam phát triển  bền vững

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam 20/06/2023 06:31

(TN&MT) - “Khu dân cư 20 phút” (Melbourne - Australia), hay “Đô thị 15 phút” (Milan - Italia)... nơi mà hầu hết những thứ người dân cần đều có thể tìm thấy trong bán kính đi bộ, xe đạp hoặc phương tiện công cộng chỉ trong 15 - 20 phút.

1. Đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu đã khiến cho chính phủ nhiều quốc gia buộc phải thay đổi nhận thức, tư duy về quản trị đất nước và phát triển đô thị bền vững, đặc biệt là ở các nước nghèo, các nước đang phát triển. Đến lúc này, ý tưởng “Thành phố 15 phút” của Carlos Moreno - Giáo sư Đại học Pan theon Sorbonne (Paris - Pháp) được Quỹ Henrik Frode Obel trao Giải thưởng Obel - 2021 (giải thưởng quốc tế danh giá nhằm tôn vinh những đóng góp xuất sắc về kiến trúc cho sự phát triển của con người trên toàn thế giới) bắt đầu được nhiều nước phát triển châu Âu và Bắc Á quan tâm.

2.jpg

Với ý tưởng này, mọi nhu cầu thiết yếu của người dân như làm việc, học tập, mua sắm, giải trí, khám chữa bệnh… được giải quyết chỉ trong bán kính tương đương 15 phút đi bộ hoặc đi xe đạp. “Thành phố 15 phút” là một chiến lược phát triển đô thị phức tạp và đầy tham vọng, nhưng cũng là một cách tiếp cận thực dụng mới mẻ, có thể được điều chỉnh cho phù hợp với văn hóa, điều kiện và nhu cầu của địa phương, dễ dàng chuyển thành các chương trình và chính sách chính trị giúp chuyển đổi cấu trúc các thành phố. Đây cũng là mô hình đô thị nhỏ lý tưởng thích ứng với đại dịch và biến đổi khí hậu.

Nếu như khi mới ra đời (năm 2016), ý tưởng “Thành phố 15 phút” của Moreno từng bị nhiều quy hoạch gia coi là “không tưởng”, thì nay lại được quan tâm và khả thi hơn bởi chất xúc tác đặc biệt - đại dịch Covid-19. Tại nhiều quốc gia ở châu Âu và Hàn Quốc, người ta bắt đầu quảng bá mô hình “Thành phố 15 phút” như một chiến lược phục hồi sau đại dịch. Chính quyền TP. Paris (Pháp) đang tiên phong thực hiện chính sách phát triển đô thị theo mô hình này. Thị trưởng Anne Hidalgo đã mời giáo sư Moreno tham gia làm cố vấn cho quá trình thực hiện kế hoạch đổi mới đô thị tại thủ đô Paris với tham vọng, đến năm 2024 tất cả các con phố ở Paris phải có làn dành riêng cho xe đạp, đồng thời xóa bỏ 70% chỗ đậu xe hơi trên đường phố, thay vào đó là không gian cây xanh và sân chơi. Một số thành phố khác như Houston, Milan, Brussel, Valencia, Chengdu… cũng đang áp dụng mô hình tương tự, với những cách gọi như “Khu dân cư 20 phút” (Melbourne - Australia), hay “Đô thị 15 phút” (Milan - Italia)... nơi mà hầu hết những thứ người dân cần đều có thể tìm thấy trong bán kính đi bộ, xe đạp hoặc phương tiện công cộng chỉ trong 15 - 20 phút.

Theo các chuyên gia, mô hình “Thành phố 15 phút” sẽ là xu hướng phát triển tất yếu của đô thị trên thế giới trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, tạo điều kiện để con người giảm nhu cầu đi lại và tiếp xúc trực tiếp nhờ các nền tảng giao tiếp và mua sắm trực tuyến. Đặc biệt, mô hình này cũng giúp các cư dân chống chọi tốt hơn trước đại dịch Covid-19, vốn làm gián đoạn mọi hoạt động kinh tế, giao thương và giao tiếp xã hội. Tháng 7/2021, tại Rio De Janeiro (Brazil), Đại hội Kiến trúc sư (KTS) Thế giới (UIA-2021) lần thứ 27 đã tiến hành bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham dự của các KTS, nhà quy hoạch đô thị, tổ chức xã hội, hiệp hội KTS, các nhà tư tưởng, chính trị gia hoạch định chính sách và cả người dân… để thảo luận về tương lai của thành phố và thành phố của tương lai. Đại hội UIA đã ra tuyên bố Hiến chương Rio De Janeiro Kiến trúc - Đô thị 21, với những nhận định mới về đô thị và phát triển đô thị trên thế giới. Hiến chương chỉ rõ, vào thời điểm môi trường sống trên Trái đất bị suy thoái, tài nguyên bị lãng phí đang gây nguy hại cho con người, thì đại dịch càng làm dấy lên các mối nguy hiểm, đe dọa vật chất và sức khỏe nhân loại. Đại dịch đã làm rõ hơn mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, chính trị gia, các khía cạnh kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường, những yếu tố cơ bản để cấu thành đô thị và vùng lãnh thổ.

Đại dịch như cơn cuồng phong làm phơi bày những mặt yếu kém của hàng ngàn đô thị trên khắp thế giới, trong đó có các đô thị lớn, siêu đô thị và cả đô thị xanh, đô thị thông minh, đặc biệt là quá trình đô thị hóa nhanh mất kiểm soát ở các nước nghèo và các nước đang phát triển. Mô hình mở rộng đô thị thiếu kiểm soát ở nhiều nước trên thế giới dẫn đến hậu quả xấu đối với xã hội, gây ra bất bình đẳng lợi ích kinh tế giữa người dân với các doanh nghiệp bất động sản và cả với chính quyền địa phương trong việc chiếm hữu (bất hợp pháp và cả hợp pháp?!) một tỷ lệ rất lớn đất nông nghiệp - nông thôn, sông hồ, các khu vực bảo vệ môi trường (vùng xanh). Ở phạm vi toàn cầu, hàng trăm triệu người trên khắp thế giới bị tổn thương do phải sống trong những ngôi nhà tồi tàn tại các khu vực “ổ chuột” thiếu thốn cơ sở hạ tầng, nước sạch, y tế… và sự quan tâm của Nhà nước. Các thành phố và vùng lãnh thổ đã trở nên mất cân bằng, sự sống của con người bị đe dọa bởi nguồn tài nguyên cạn kiệt, môi trường sống bị ô nhiễm, hệ sinh thái bị suy thoái và các vấn đề sức khỏe cộng đồng bởi tác động xấu của biến đổi khí hậu, dịch bệnh và sự phát triển đô thị và đô thị hóa.

2. Ở Việt Nam, ngày 24/1/2022, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW, một Nghị quyết rất quan trọng, có tầm chiến lược về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết khẳng định, sau 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm vừa qua, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Hệ thống đô thị ngày càng phát triển với 862 đô thị các loại, tỷ lệ đô thị hóa đạt gần 40%. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ hơn, hiệu quả hơn. Chất lượng sống của cư dân đô thị được cải thiện và từng bước được nâng cao.

hungthinh2.jpg

Đô thị hóa và phát triển đô thị đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kinh tế đô thị đã đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Đô thị hóa và phát triển đô thị đã đem đến diện mạo kiến trúc mới cho đất nước theo hướng văn minh hiện đại. Đó là những thành tựu rất to lớn. Nhưng Nghị quyết 06 cũng nêu rõ, trong quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, như: “ Tỷ lệ đô thị hóa đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và còn khoảng cách khá xa so với tỷ lệ bình quân của khu vực và thế giới. Chất lượng đô thị hóa chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp. Quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị chưa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới…”. “… Nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững chưa đầy đủ và chưa được quan tâm đúng mức. Công tác quy hoạch đô thị chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp; việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, nhiều nơi, việc điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện…” (Trích Nghị quyết). Những hạn chế này đã bộc lộ phần nào trong giai đoạn đại dịch Covid-19 xảy ra ở nước ta từ tháng 2/2020, gây ra rất nhiều thiệt hại về người và cho nền kinh tế, nhất là ở các thành phố lớn, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh.

Đã có nhiều ý kiến chuyên gia chỉ ra rằng, cấu trúc đô thị bất hợp lý hiện nay cũng là nguyên nhân chính dẫn đến bùng phát dịch bệnh. Với cấu trúc hạ tầng thiếu thốn, giao thông chật hẹp (chỉ rộng từ 1,5m đến 2m), lại tập trung đông dân cư với mật độ cư trú rất cao, phần lớn là những người nghèo, tầng lớp yếu thế trong xã hội, khả năng chống chịu trước dịch bệnh, thiên tai kém…nên không có gì ngạc nhiên là số người bị bệnh và tử vong do Covid-19 trong khu vực ngõ, hẻm cao hơn rất nhiều so với ngoài phố. Đại dịch Covid-19 đã tạm kết thúc, đặt ra cho các nhà quy hoạch và quản lý đô thị nhiều vấn đề phải giải quyết. Trước hết, phải xem xét một cách nghiêm túc và trách nhiệm về mô hình phát triển đô thị Việt Nam như thế nào để ít bị tổn thương nhất, ảnh hưởng thấp nhất đến cuộc sống, tính mạng của người dân, đến sự phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, của địa phương khi phải đối phó với đại dịch và biến đổi khí hậu. Đô thị lớn tập trung với mật độ cao như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, chạy đua xây dựng nhà cao tầng với khối tích lớn dày đặc trong vùng lõi đô thị đang chật cứng người liệu có đúng không? Các khu công nghiệp tập trung thiếu vắng nhà ở cho công nhân? Các đô thị vệ tinh trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2011 lẽ ra phải là nơi phát triển, thu hút dân cư thì đã 10 năm nay ít được quan tâm (trừ đô thị Hòa Lạc - Xuân Mai). Các khu đô thị mới xuất hiện ngày càng nhiều với san sát chung cư cao tầng - nơi trú ngụ của hàng chục vạn người, nhưng lại rất thiếu vắng nhà ở xã hội, không gian công cộng, hạ tầng kỹ thuật - xã hội manh mún, thiếu kết nối với hệ thống chung của thành phố và giao thông công cộng, đã và đang tạo ra những điểm nghẽn gây ách tắc giao thông, làm ô nhiễm môi trường… Các không gian công cộng, không gian xanh, mặt nước ngày càng bị thu hẹp và xuống cấp sẽ phát huy tác dụng thế nào trước biến đổi khí hậu và dịch bệnh?

Cấu trúc thành phố trong thành phố kết nối đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh, chuỗi đô thị sông Hồng, đô thị thông minh... và ngay cả mô hình “Thành phố 15 - 20 phút” mà thế giới đang đề cập tới cũng cần được nghiên cứu để có một quy hoạch Thủ đô hiện đại, văn hóa -văn minh, giàu bản sắc, vì hạnh phúc bền vững của nhân dân.

3. Hà Nội đang điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được duyệt năm 2011 và lần đầu tiên, tiến hành lập Quy hoạch Thủ đô theo phương pháp tích hợp đa ngành với 17 lĩnh vực và 30 nội dung. Đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để xem xét một cách tổng thể những bất cập tồn tại trong quá trình phát triển vừa qua, đề xuất quy hoạch phát triển Hà Nội và vùng Thủ đô bền vững trong thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và khả năng thích ứng trước biến đổi khí hậu và đại dịch. Cấu trúc thành phố trong thành phố kết nối đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh, chuỗi đô thị sông Hồng, đô thị thông minh… và ngay cả mô hình “Thành phố 15 - 20 phút” mà thế giới đang đề cập tới cũng cần được nghiên cứu để có một quy hoạch Thủ đô hiện đại, văn hóa - văn minh, giàu bản sắc, vì hạnh phúc bền vững của nhân dân.

Quy hoạch chiến lược đô thị của ta còn chung chung, đô thị còn bị các dự án đầu tư dẫn dắt phát triển, chứ không phát triển theo quy hoạch. Để có thể tăng sức đề kháng và thích ứng cho hệ thống đô thị, đã đến lúc phải chú trọng nâng cao chất lượng đô thị, thay vì bằng mọi cách (kể cả vay mượn các chỉ tiêu) để nâng cấp, mở rộng diện tích và quy mô đô thị. Các đô thị nhỏ, phi tập trung, mật độ dân cư thấp cần xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng văn minh, hiện đại được kết nối với nhau bởi hệ thống giao thông và đường cao tốc Bắc - Nam, sẽ là động lực phát triển kinh tế bền vững của địa phương, của vùng và cả nước.

Chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, Internet vạn vật kết nối và chuyển đổi số mạnh mẽ ở tầm quốc gia để vận hành, quản trị mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Và như thế, đô thị hóa thông minh, quy hoạch đô thị thông minh, phát triển đô thị thông minh, quản lý đô thị thông minh… là nhiệm vụ cấp thiết không chỉ của ngành Xây dựng nói riêng, mà là nhiệm vụ chính trị của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các bộ, ngành với sự tham gia của toàn xã hội vì hạnh phúc bền vững của nhân dân, vì sự phồn vinh của đất nước.

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam