Xã hội

Mắt thợ

Bút ký của: Ngọc Minh Châu 20/06/2023 06:28

(TN&MT) - Câu thành ngữ “múa rìu qua mắt thợ” không phải là nguyên nhân hắn đi tìm đôi mắt thợ. Chỉ vì trong cuộc đời làm báo, như một nhân duyên, vào những dịp ra các số báo đặc biệt, công việc “đi nhà in” tại Công ty TNHH MTV In Quân đội 1 khiến hắn bắt gặp những ánh mắt này - mắt của người thợ in.

shapo.jpg
Những ánh mắt đã trở thành thương hiệu của người thợ in. Ảnh: Việt Hùng

Người bạn đồng hành với hắn từng có lần thắc mắc không hiểu mắt những người thợ in có khả năng gì mà mỗi khi vào việc, nó như được lắp thêm những chiếc camera loại siêu soi. Chẳng thế mà nhiều lần bản thiết kế mới gửi qua đường email, người của Báo chưa kịp có mặt ở xưởng thì đã nhận điện thoại từ bộ phận chế bản, thế là hiểu ngay, kiểu gì những người thợ soi đã kịp soi ra lỗi gì giúp hắn và giúp Báo rồi.

Dân chữ nghĩa vẫn thường nói với nhau, lỗi là điều khó tránh khỏi, rút kinh nghiệm lỗi này thì hôm sau sẽ gặp lỗi ở một dạng thể khác. Có lúc vấn đề nằm ở chỗ giữa máy tính của họa sĩ thiết kế và máy của bộ phận chế bản in độ phân giải không tương thích nên xảy ra hiện tượng mất màu, bay chữ; nhưng đa phần lỗi thuộc về tòa soạn báo, đôi khi chỉ là lỗi chính tả, thiếu dấu, sai nét; đôi khi, có những số báo trong khi trình bày sử dụng lại bản format cũ nên dòng chữ chạy trên tít sự kiện là thông điệp của một năm về trước… dù to dù nhỏ, những sai sót ấy khó lòng qua khỏi con mắt giám sát của bộ phận chế bản in.

anh-2.jpg
Pv Báo TN&MT (giữa) cùng cán bộ, công nhân kiểm tra màu tại Phân xưởng 2 Công ty TNHH một thành viên In Quân đội 1.

Không quá bận tâm với suy nghĩ trong đôi mắt thợ có gì, nhưng bằng trải nghiệm thực tế tại bộ phận in tờ rời, rõ ràng hắn thấy bạn mình nói đúng. Bởi có những lúc đứng trước một bản in thử, khi hắn cảm thấy đã khá ổn thì người thợ in sau vài giây ngắm nghía lại căng to bản thiết kế trên màn hình máy tính để đối chiếu, rồi tăng chút đỏ ở dải này, giảm chút vàng ở cột kia, bớt đi một chút tờ/ram đen... Và khi bản đã được chỉnh in ra thì quả là nó đẹp hơn cái bản trước đó mà hắn từng thấy ổn.

Nguyên tắc của người thợ in là tuân thủ theo bản thiết kế của Báo. Nhưng có một nguyên tắc mà Trung tá Phạm Xuân Trường - Quản đốc Phân xưởng in 2 thấy rằng, đôi khi phải áp dụng để thay thế, đó là “nguyên tắc tử tế”, bản in ra phải đẹp nhất có thể, kể cả khi bản thiết kế có non hay già màu thì những người thợ in sẽ chỉnh để có thành phẩm in màu tươi đẹp nhất. Không căn chỉnh thì các anh có hề hấn gì đâu, nhưng “Không sửa là anh thấy phiền con mắt. Mắt thợ mà chú”.

Không phủ nhận một phần lý do những người thợ in phải cố gắng so màu và căn chỉnh để cho ra bản in chuẩn màu nhất là để tiết kiệm vật tư giấy mực, giảm hao mòn máy móc, tránh lãng phí công in. “Hạn chế lãng phí tài nguyên là trách nhiệm không chỉ của riêng người tài nguyên và môi trường” - sau câu nói rất nghiêm túc của người thợ mặc áo lính, hắn chợt nhận ra hai tâm hồn đã gặp nhau ở “tư tưởng lớn”. Triết lý của những người thợ in rất đơn giản, rằng: Muốn thực hiện tư tưởng lớn phải có những hành động nhỏ, việc gì cũng quý, miễn việc đó có ích cho môi trường.

Hẳn có phần đồng cảnh tương sinh như vậy nên với các số báo của Tài nguyên và Môi trường, bao giờ những người thợ in cũng dành một sự đặc biệt quan tâm. Đôi mắt dường như quan sát lâu hơn, từ đôi mắt truyền cảm hứng tới trái tim, từ trái tim khiến đôi mắt không chỉ nhìn mà còn muốn đọc. Thế là sau mỗi ca in, có người thợ mang tờ báo Tài nguyên và Môi trường ra đọc rồi ngẫm ngợi, rồi lúc gặp nhau trong tuần trà đá, ăn củ khoai nướng giữa đêm đông Hà Nội ngay phía bên ngoài xưởng, hắn và những quân nhân có thâm niên nghề in lại có chuyện để trao đổi với nhau về những đề tài nóng hổi: về môi trường, về khí hậu, đất đai…

z4429871087690_4ccb202dad3ca5d4c05cad49cfe282b0.jpg
h-8.jpg
Ánh mắt người thợ in lành nghề dõi theo từng trang báo từ trong máy tình chỉ huy của máy in cuộn. Ảnh: Việt Hùng

Không khí nơi đây, với hắn và các đồng nghiệp trong bộ phận Thư ký - Tòa soạn của Báo, luôn cảm nhận được một sự cân bằng.

Thêm lý do để nói về sự cân bằng không chỉ vì những diễn biến tình thân, mà còn vì khi đã xuống đến cơ sở in tức là quy trình thực hiện số báo tại tòa soạn cơ bản đã hoàn thành. Nhất là với những số báo đặc biệt như số Tết hay dịp Kỷ niệm 21/6 này, sau những đêm ngày vất vả tin, bài, khi bản thiết kế chuyển đến nhà in tức là những người làm báo như hắn và đồng nghiệp bắt đầu trút sự vất vả của những người làm báo sang vai những người thợ.

Vào mùa in rộ (khi các báo, tạp chí đồng loạt thực hiện số đặc biệt phục vụ các sự kiện trọng đại của đất nước), các bộ phận từ chế bản cho đến công đoạn phát hành cơ bản trực xuyên ba ca. Càng những số đặc biệt thì chất lượng càng yêu cầu cao hơn, vì thế, những đôi mắt cũng đòi hỏi sự tinh nhạy hơn, tỉnh táo hơn, làm sao để có một sản phẩm mà cả đôi bên cùng ưng ý nhất. Những người thợ in lấy niềm vui của “thượng đế” làm niềm hạnh phúc của mình.

h-0-2.jpg
Từ sỹ quan...
h4.jpg
... đến thợ trẻ In Quân đội 1 đều say mê với nghề. Ảnh: Việt Hùng

Những năm gần đây, trong cuộc chạy đua giữa sách báo và các loại hình truyền thông, phim ảnh, giải trí trên không gian mạng, văn hóa đọc báo in có phần chững lại thay cho các thể loại đọc khác. Sự tác động này không hẳn không khiến những người làm báo chộn rộn, băn khoăn.

Cũng từ những cuộc trò chuyện với những người thợ in, trong sự liên tưởng đầy lạc quan, những đồng nghiệp của hắn đã nhìn cuộc sống bằng con mắt của những nhà xã hội học để đi đến kết luận, bản thân tờ báo giấy và các loại hình truyền thông trên mạng xã hội chung quy lại chỉ là một đối tượng được phân thân.

h-6.jpg
Người thợ In kỹ càng kiểm tra sản phẩm ở phân xưởng đóng xén

Ví như đối tượng đó là một con người bằng xương bằng thịt thì truyền thông trên không gian mạng là những trạng thái cảm xúc vô hình, còn tờ báo in là cơ thể sống hữu hình. Nếu đặt đối tượng đó trong mối quan hệ thân thiết với bạn đọc thì có thể hình dung, truyền thông trên không gian mạng là những tin nhắn, những bức ảnh, những cuộc gọi face time… và dù có gửi bao nhiêu tin nhắn yêu thương, có nhìn thấy nhau qua các cuộc gọi face time... cũng không thể thiếu những cuộc gặp mặt, những cái ôm bằng xương bằng thịt...

Tức là nhu cầu đọc báo in là một nhu cầu không thể không có. Thiếu tờ báo in khác nào chỉ yêu đương trên cõi mạng, nhất là những dịp Tết, các ngày lễ trọng đại của đất nước, của ngành, ngày hội của những người làm báo dịp 21/6, nếu không có số báo đặc biệt cầm tay khác nào ngày Tết không được về trong chính ngôi nhà của mình để được gặp mặt những người thân.

Và cứ đến hẹn lại lên, khép lại công đoạn ở toà soạn báo thì công đoạn tại nhà in bắt đầu.

Trong mỗi tờ báo vì thế không chỉ có tri thức, niềm đam mê, trách nhiệm, tình yêu của những người làm báo, mà còn có cả tình yêu, tinh thần trách nhiệm, đôi bàn tay khéo léo và đôi mắt kiểm soát tinh tường của người thợ in.

Ngẫm ra, giữa cơ quan báo chí và nhà in có một mối quan hệ đặc biệt không thể cắt chia, như là hai khúc ruột trên ruột dưới. Những người thợ in là những người đi đoạn đường sau, soát lại một lần nữa những gì còn sai khuyết của người đi trước để chỉnh sửa, lấp đầy. Những người thợ in đã biến tình yêu trong không gian thành tình yêu chạm được ôm được trong cuộc sống. Những người đi sau đã tiếp nối những ngày vất vả, những đêm thao thức để những sản phẩm của yêu thương ra đời, đến với những người làm báo kịp thời nhất, ưng ý nhất. Trong mỗi tờ báo vì thế không chỉ có tri thức, niềm đam mê, trách nhiệm, tình yêu của những người làm báo, mà còn có cả tình yêu, tinh thần trách nhiệm, đôi bàn tay khéo léo và đôi mắt kiểm soát tinh tường của người thợ in.

h-5.jpg
Và mỗi "mùa thức đêm" của đội quân "Thư ký tòa soạn" của Báo Tài nguyên và Môi trường nói riêng, các cơ quan báo chí nói chung sẽ khép lại khi ấn phẩm được hoàn thiện, chuẩn bị đến tay bạn đọc. Và trong niềm vui đó, không thể thiếu ánh mắt người thợ In.           Ảnh: Việt Hùng

Kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, lại một mùa thức đêm với “đội quân Thư ký - Tòa soạn”, hắn và đồng nghiệp muốn gửi tặng những người thợ in thân thiết của hắn một lời cảm ơn. Cảm ơn tấm lòng, đôi bàn tay và đôi mắt thợ đã giúp những cánh nhà báo, những người thợ viết hoàn thành công đoạn quan trọng trong nhiệm vụ của người làm báo.

Và có thể hình dung với những người thợ in mộc mạc, lời cảm ơn ý nghĩa nhất đó là nụ cười của cánh phóng viên như hắn mỗi khi nhận được sản phẩm báo in thật đẹp trên tay. Mà, để có những sản phẩm đẹp ấy, phần nhiều lại phải nhờ vào những đôi mắt thợ.

Bút ký của: Ngọc Minh Châu