Đầu tư - Tài chính

Quảng Trị: GRDP ước tính tăng 6,52%

Thanh Tùng 19/06/2023 - 20:23

(TN&MT) - Trong 6 tháng đầu năm 2023, dù hoàn cảnh trong nước và quốc tế gặp nhiều thách thức, nhưng tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị có chuyển biến tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tính tăng 6,52% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 4 năm trở lại đây.

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 của UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, quán triệt phương châm hành động của Chính phủ “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”; ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra. Nhờ vậy, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh có chuyển biến tích cực.

Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn ước tính tăng 6,52% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 4 năm trở lại đây. Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 22,81%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 25,81%; khu vực dịch vụ chiếm 47,17%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,21% .

Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn (giá hiện hành) ước tính đạt 10.962,3 tỷ đồng, giảm 9,56% so với cùng kỳ và đạt 40,6% kế hoạch năm. Tổng thu ngân sách trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.770 tỷ đồng, đạt 44% dự toán địa phương và 45% dự toán Trung ương, bằng 62% cùng kỳ năm 2022. Tổng sản lượng lương thực có hạt ước tính đạt 17,27 vạn tấn, tăng 47,52% (tăng 5,56 vạn tấn) so với vụ Đông Xuân năm trước và đạt 66% kế hoạch năm.

1(1).jpg
Tổng thu ngân sách trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Quảng Trị ước đạt 1.770 tỷ đồng, đạt 44% dự toán địa phương và 45% dự toán Trung ương, bằng 62% cùng kỳ năm 2022.

Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 10,68% so với cùng kỳ năm trước (8,88%) và tăng cao hơn chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 (tăng 10%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 15.511,96 tỷ đồng, tăng 18,03% so với cùng kỳ và đạt 48% kế hoạch năm. Số lao động được tạo việc làm mới ước đạt 10.756 lao động, đạt 89,63% kế hoạch năm.

Riêng về lĩnh vực 4 Tài nguyên - Môi trường, UBND tỉnh cho biết, tỉnh đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cho 9/10 đơn vị cấp huyện. Tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đợt 1 và đợt 2 năm 2023 đối với các khu đất do Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh quản lý với số tiền trúng đấu giá là 26,5 tỷ đồng. Đang tiếp tục tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đợt 2 năm 2023.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh; thành lập ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng cấp tỉnh với 5 tổ công tác nhằm bám sát, đôn đốc và giải quyết các vương mắc để đẩy nhanh tiến độ giải phòng mặt bằng các dự án trọng điểm của tỉnh. Đối thoại với nhân dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, hướng dẫn giải quyết chính sách cho 11 vụ việc về bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Tiếp tục rà soát và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Tính từ đầu năm đến nay, phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho 7 dự án với tổng số tiền 13,9 tỷ đồng. Ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng khai thác trái phép khoáng sản, tài nguyên nước.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng phê duyệt 13 báo cáo đánh giá tác động môi trường, 12 báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường. Tất cả các hồ sơ đều được thực hiện đúng quy trình, rút ngắn thời gian thực hiện. Tích cực hỗ trợ các địa phương phê duyệt hồ sơ môi trường dự án các khu tái định cư phục vụ dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ. Tổ chức rà soát đôn đốc 9 cơ sở xử lý ô nhiễm môi trường; báo cáo và công khai kết quả phản ánh về đường dây nóng; giải quyết và phối hợp giải quyết 4 ý kiến kiến nghị của cử tri.

12.png
UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cho 9/10 đơn vị cấp huyện. Ảnh: Ngọc Vũ

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm còn gặp phải một số khó khăn. Đó là hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; giá nguyên,nhiên liệu tăng dẫn đến phí vận tải tăng; một số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm không có đơn hàng hoặc đơn hàng giảm phải ngừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng. Hoạt động xuất nhập khẩu có dấu hiệu chững lại; trong đó kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ. Giá thức ăn chăn nuôi đang ở mức cao, giá bán sản phẩm chăn nuôi ở mức thấp.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt thấp so với dự toán và so với cùng kỳ năm trước, nhất là các khoản thu về đất. Giải ngân đầu tư công còn chậm; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều trường hợp phức tạp, khó khăn kéo dài; nguồn đất đắp phục vụ xây dựng công trình thiếu hụt. Một số dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư. Một số dự án đầu tư từ nguồn vốn ngoài nhà nước triển khai chậm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm 9,56% so với cùng kỳ năm trước…

Trong bối cảnh đó, trong 6 tháng cuối năm 2023, một số giải pháp mà tỉnh Quảng Trị xác định tập trung chỉ đạo gồm: Tổ chức thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các chính sách, giải pháp điều hành của Chính phủ về tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu trên địa bàn. Đồng thời, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án, công trình trọng điểm; thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

Mặt khác, tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp. Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ thu chi ngân sách, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023. Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên; chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Đẩy nhanh tiến độ khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng phục vụ sản xuất. Nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; thực hiện tốt công tác sắp xếp tổ chức bộ máy; giải quyết kịp thời đúng pháp luật đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, thực hiện tốt công tác đối ngoại; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Thanh Tùng