Môi trường

Đẩy mạnh tuyên truyền lĩnh vực tài nguyên và môi trường: Xây dựng Hà Nam phát triển xanh

Bài và ảnh: Việt Linh 19/06/2023 - 14:08

(TN&MT) - Những năm qua, tỉnh Hà Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, vượt bậc về tốc độ kinh tế - xã hội, trở thành tỉnh khá trong khu vực về phát triển. Trong thành công đó, những trang báo, bài viết tuyên truyền lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã góp phần thiết thực lan tỏa thông tin về tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đảm bảo phát triển kinh tế gắn liền với chủ động quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.

Những ngày đầu tháng 6, chúng tôi về với Hà Nam - một trong những địa phương có địa hình đa dạng, có núi, rừng, sông ngòi và sở hữu nhiều nguồn gen quý, hiếm như: Voọc mông trắng, culi, khỉ mốc… để cùng tham gia tuyên truyền các hoạt động nhân Tháng cao điểm vì môi trường 2023.

39-2-.jpg
Cán bộ và nhân dân Hà Nam chung tay trồng thêm một cây xanh để Hà Nam thêm xanh

Thời gian qua, Sở TN&MT tỉnh Hà Nam đã phối hợp chặt chẽ với Báo Tài nguyên và Môi trường trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định mới lĩnh vực TN&MT đến các tổ chức, cá nhân; vị trí, vai trò, đóng góp của tài nguyên và môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, gương điển hình về sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu...

Đồng thời, phóng viên Báo TN&MT đã phát hiện, phản ánh các tổ chức cá nhân còn những tồn tại, vi phạm đến các cơ quan chức năng để góp phần giúp ngành TN&MT Hà Nam nói riêng và các cơ quan chức năng của Hà Nam kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trên toàn tỉnh.

Tại buổi lễ ra quân hưởng ứng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng đã nhấn mạnh: Song song với quá trình phát triển kinh tế, Hà Nam đang phải đối mặt với những ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu, suy thoái đa dạng sinh học, đất đai, vấn đề ô nhiễm nguồn nước, môi trường đất, không khí, ô nhiễm do rác thải sinh hoạt, đặc biệt là rác thải nhựa, ni lông ngày càng nghiêm trọng.

Bởi thế, những năm qua, Hà Nam đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch để bảo vệ, cải thiện môi trường, chú trọng thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững với quan điểm: Phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh đó, công tác thông tin tuyên truyền tiếp tục được tỉnh Hà Nam xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tạo động lực, khí thế, quyết tâm thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ lĩnh vực tài nguyên, môi trường năm 2023 đã đề ra. Để làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lĩnh vực tài nguyên, môi trường, nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền phải thường xuyên được đổi mới, đa dạng, linh hoạt, phù hợp theo từng nhóm đối tượng, lĩnh vực, địa bàn, điều kiện cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đặc biệt, phải làm sao để tạo được đồng thuận trong cộng đồng, huy động sự chung tay của các tổ chức, cá nhân cùng tham gia quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái. Lúc này, vai trò của các tổ chức chính trị xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Tỉnh đoàn… là rất cần thiết.

39-1-.jpg
Hình ảnh một Hà Nam phát triển mạnh mẽ được lan tỏa

Để Tháng hành động vì môi trường năm 2023 thực sự phát huy hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng đã đề nghị các cấp, ngành, cơ quan, đoàn thể trong tỉnh thực hiện tốt một số nội dung chính sau: Tiếp tục tăng cường quán triệt, triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách pháp luật, chương trình, đề án, kế hoạch về bảo vệ môi trường được Trung ương và tỉnh ban hành; Tích cực cùng cả nước tham gia quá trình tái cơ cấu kinh tế, đổi mới tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”; triển khai công tác bảo vệ môi trường gắn với các chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về môi trường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, gây ô nhiễm môi trường...

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Quang Nghiệp - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hà Nam cho biết: Tỉnh đã xây dựng kế hoạch truyền thông về tài nguyên, môi trường; tăng cường đăng tải các quy định mới trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, sở; thường xuyên ban hành văn bản hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện nghiêm các quy định về tài nguyên môi trường. Phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về các hoạt động quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thích ứng biến đổi khí hậu…

Thông qua công tác tuyên truyền, đã góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân, cùng chung tay phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hoạt động truyền thông còn góp phần quan trọng hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường. Thời gian qua, Sở TN&MT Hà Nam đã tổ chức thực hiện lấy ý kiến góp ý của người dân, doanh nghiệp với Dự thảo Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Dự thảo Quy định Bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh để tiếp thu ý kiến nhân dân.

Với sự tích cực tuyên truyền vận động, sự chung sức đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, Hà Nam là tỉnh thứ 4/63 tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ về đích nông thôn mới. Các tổ chức, cá nhân cơ bản thực hiện quy định pháp luật về tài nguyên, môi trường; 100% lượng rác sinh hoạt đô thị, 95 - 98% lượng rác ở nông thôn được thu gom, xử lý; 4/5 nhà máy xi măng thực hiện lắp đặt thu hồi khí thải phát điện; thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”, đã trồng được 903.000 cây, đạt 95% kế hoạch… góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng Hà Nam phát triển xanh và bền vững

Bài và ảnh: Việt Linh