Tôi thấy họ cao hơn
(TN&MT) - Trong khi Người Urenco cúi xuống lao động, họ đã vô tình giúp người khác nhận ra giá trị của họ trong cuộc sống tất bật vất vả này. Lớn hơn - là cách nói nôm na về sự tôn vinh. Lớn hơn - cũng có nghĩa là giá trị hơn. Khi Người Urenco cúi xuống cũng là khi giá trị của họ được nâng lên.
Người Urenco đôi khi vẫn nói với tôi rằng, từ ngày tôi xuất hiện trong “Cộng đồng Urenco”, những bài viết về họ thấm đẫm hơn, rưng rưng hơn, mến thương hơn. Họ đẹp lung linh hơn qua con mắt ướt át của một người học văn nhưng làm báo.
Nhưng tôi thì nghĩ khác.
“Người Urenco” (tôi vẫn quen gọi những cán bộ, công nhân Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội bằng cái tên gọn gàng như thế) - họ đâu có chờ tôi điểm tô cho họ bằng các bài báo của tôi thì họ mới lung linh. Tự thân họ đẹp sẵn. Cái đẹp toát lên từ hành vi lao động giữa đời thường. Khi mà họ cúi xuống làm việc ở nơi bình thường nhất, lại chính là lúc họ thật cao trong suy nghĩ của tôi.
Mối liên quan giữa chúng tôi bắt đầu từ công việc. Đúng hơn, bắt đầu từ nhu cầu tác nghiệp, tìm hiểu thực tế để viết bài của tôi. Nếu không có tôi, một người khác cũng sẽ làm công việc phản ánh ngợi ca này bởi đó là trách nhiệm của những người làm báo trong lĩnh vực môi trường. Nếu chúng tôi không làm việc này, cũng sẽ có nhiều nhà báo khác viết về họ. Đó là chưa kể trong thời buổi mà mỗi một công dân mạng với chiếc smartphone trong tay là có thể trở thành nhà báo thì hình ảnh lao động của Người Urenco cũng có thể được lan truyền mà đâu cần đến nhà báo chúng tôi. Ngẫm về điều này, tôi cho rằng nhà báo cần Người Urenco hơn là việc họ cần chúng tôi.
Người Urenco luôn thể tất khiêm nhường. Ngày đầu mới vào nghề, tôi những tưởng đó là thói quen nể vì nhà báo. Tiếp xúc một thời gian, tôi nhận ra sự khiêm nhường là thuộc tính thường trực của họ. Ở đó không phải là sự rón rén hạ mình mà là một thái độ ẩn nhẫn do phản xạ tập trung vào công việc phần nào vô hình dung tạo cho họ thói quen bình thản trước biến động. Dần dà, cái gì cần quan sát họ sẽ quan sát, lưu tâm, chuyện gì có thể lướt qua mà không hề hấn đến ai là mặc nhiên cho qua. Họ cũng không quá quan tâm đến việc xếp thứ bậc cho mình trong xã hội, không tự vỗ ngực rằng mình đang làm đẹp cho đời, cũng không cho rằng công việc của mình là hạ cố, dẫu vào việc là họ thường trong tư thế… cúi xuống.
Tôi hiểu về họ phần nhiều do tiếp xúc trong những lần tác nghiệp, những lần lặng lẽ quan sát từ xa, những đêm giao thừa trong vai một người đi đường, dừng lại trò chuyện, mừng tuổi cho các chị lao công đang quét rác và không hề nói với họ mình là ai. Tôi đã thầm quan sát họ ở những hành vi cúi xuống lao động, ở nhiều góc nhìn khác nhau, với nhiều con người cụ thể khác nhau. Ở góc nhìn ấy, những ngày này, tôi nhìn thấy những giọt mồ hôi của họ.
Những giọt mồ hôi chỉ đọng lại to tròn ở vầng trán và mi mắt, còn ở nơi được che chắn bằng trang bị bảo hộ lao động, nó chưa kịp vo tròn thì đã ngấm vào áo quần rồi.
Những ngày này, nhiệt độ ngoài đường khá cao bởi được cộng hưởng từ các bức xạ bê tông. Những người công nhân vệ sinh môi trường trong đầm đìa mồ hôi nhưng không vì thế mà tự ý bỏ dở công việc vào bóng râm ngồi nghỉ. Sự nhẫn nại đã thành một thói quen đến mức người khác phải nghiêng mình. Khi họ cúi xuống vào những phiên nắng chang chang ấy, tôi ngắm những người công nhân lao động, cơ thể của họ in vào khoảng trời xanh mênh mông. Tôi thấy họ thật cao.
Họ khiến tôi ngẫm ngợi về hành vi cúi xuống.
Cúi xuống ở đây không phải là sự luồn cúi thấp hèn. Cúi xuống ở đây là cái cúi đầu vì lao động của những người lao động. Trong khi Người Urenco cúi xuống lao động, họ đã vô tình giúp người khác nhận ra giá trị của họ trong cuộc sống tất bật vất vả này. Lớn hơn - là cách nói nôm na về sự tôn vinh. Lớn hơn - cũng có nghĩa là giá trị hơn. Khi Người Urenco cúi xuống cũng là khi giá trị của họ được nâng lên.
Đôi khi bên bàn trà vào những lúc hiếm hoi nhàn rỗi, trên chặng đường cùng đi công tác, hoặc trước khi vào phỏng vấn chuyên môn, chúng tôi vẫn thường tranh luận với nhau về đề tài nào đó liên quan đến công việc, cuộc sống của Người Urenco. Tôi, bằng cách quan sát của riêng mình, thích tìm ra một điều gì đó khác lạ. “Cúi đầu cũng là một loại của trưởng thành” là nhận định đã từng khiến cho câu chuyện giữa tôi và Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Tiến suýt… lạc đề. Nhân việc đặt vấn đề của tôi, ông kể cho tôi nghe câu chuyện về một thanh niên nghèo của đất nước Nauy tên là Bill Sardinia đã vượt biển đến nước Pháp để dự thi vào Học viện âm nhạc Paris nổi tiếng. Trong giờ thi, mặc dù Bill đã cố gắng hết sức để thể hiện khả năng của mình với một trạng thái tốt nhất nhưng vẫn không được ban giám khảo tuyển chọn.
Bill rời phòng thi, không một đồng xu trong người, đi đến con phố phồn hoa cách đó không xa và nâng cây vĩ cầm lên. Anh chơi hết bản nhạc này đến bản nhạc khác, thu hút rất đông người dừng chân lắng nghe. Dứt bản nhạc cuối cùng, Bill nâng hộp đàn của mình lên, những người vừa xem anh biểu diễn chủ động bỏ tiền vào hộp đàn như một cách trả công cho anh.
Trong đám đông hôm ấy, có một người cũng móc hầu bao nhưng thay vì đặt tiền vào hộp đàn, người đó đã ném những đồng tiền xuống dưới chân Bill. Thanh niên nhìn người vừa ném tiền rồi cúi người xuống nhặt những đồng tiền trên mặt đất lên, đưa cho ông ta và nói: “Thưa ông, tiền của ông rơi xuống đất này!”
Người đàn ông cầm tiền rồi lại một lần nữa ném xuống dưới chân anh và nói: “Tiền này đã là của cậu rồi”. Bill một lần nữa bình thản cúi người thật sâu cám ơn người đàn ông: “Thưa ông, xin cảm ơn sự giúp đỡ của ông. Vừa rồi tiền của ông rơi xuống đất, tôi đã nhặt lên, bây giờ tiền của tôi rơi xuống đất, xin phiền ông nhặt lên giúp tôi!”.
Người đàn ông bất ngờ và ngạc nhiên trước hành động của Bill, nhưng cuối cùng, trước ánh mắt của đám đông, ông ta đành cúi xuống nhặt những đồng tiền trên mặt đất bỏ vào hộp đàn của Bill rồi vội vã rời đi. Ông ấy, chính là vị giám khảo vừa loại Bill ra khỏi cuộc thi. Tuy nhiên, chuyện không ngờ tiếp theo là sau đó, chính vị giám khảo này đã quyết định đưa anh về học tại học viện.
Tôi không rõ ý của Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Tiến khi ông kể với tôi câu chuyện ấy. Nhưng tôi bày tỏ suy nghĩ của mình rằng: Chúng ta (ý chỉ những người Urenco) lao động và nhận lại thành quả một cách xứng đáng, chúng ta không xin ai và cũng không cần ai rủ lòng thương kiểu ban ơn.
Ông cười, nụ cười như có sóng trong đáy mắt.
Thực ra, tôi đã có chút quan trọng hóa vấn đề. Bởi nhân khơi mào của tôi, ông chỉ muốn luận bàn với tôi về hành động cúi xuống và thái độ tự tại trong cuộc sống của những công nhân vệ sinh môi trường. Thông điệp quan trọng nhất mà ông truyền tới tôi đó là, những nhân viên và những người công nhân tần tảo của ông, họ cúi xuống chính là cách ngẩng cao đầu, và với ông, họ xứng đáng được tôn vinh bởi chính họ mới làm cho “bản nhạc Urenco” vang lên một cách ý nghĩa trong đời sống này, không có họ, ông chỉ là một người lãnh đạo cô đơn.
Ông khiến tôi tiếp tục quả quyết về sự đảo chiều quy luật.
Tôi ngẫm về mối quan hệ giữa tôi và những người làm công tác quản lý, duy trì vệ sinh môi trường mà cụ thể là Người Urenco. Tôi thấy những bài báo của tôi khiến cho họ vui, nhưng họ cùng công việc của họ cũng chính là mảnh đất hiện thực màu mỡ để tôi khai thác, vun trồng, gặt hái các tác phẩm báo chí của mình. Tôi chợt nhận ra, dường như trong mối quan hệ này, Người Urenco mới là nhân vật quan trọng chứ không phải là tôi.
Vì như vậy, thêm một lý do để trong mắt tôi, tôi thấy họ cao hơn!.