Môi trường

Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường - Vinacomin (VITE): Biến nước thải mỏ sau xử lý thành nước sinh hoạt

Mai Đan 19/06/2023 - 13:47

(TN&MT) - Để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước, hạn chế hoạt động xả nước thải mỏ gây ảnh hưởng đến môi trường, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước và hướng tới phát triển nền kinh tế tuần hoàn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020,

Công ty Cổ phần (CP) Tin học, Công nghệ, Môi trường - Vinacomin (VITE) thuộc Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu giải pháp tái chế nước thải mỏ sau xử lý thành nước sinh hoạt cung cấp cho nhu cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.

Công ty VITE đi đầu nghiên cứu tái chế nước thải mỏ thành nước sinh hoạt

Theo số liệu tổng hợp thực tế, tại hơn 40 trạm xử lý nước thải mỏ than tại Quảng Ninh thuộc TKV, khối lượng nước xả thải trong những năm gần đây đều ở mức trên 100 triệu m3/năm. Với những công nghệ hiện đại, nước thải mỏ than về cơ bản đã được xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường (Một phần nước thải được xử lý đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp 40:2011/BTNMT cột A để xả vào nguồn nước tiếp nhận là nước cấp cho sinh hoạt). Do đó, chỉ cần tái sử dụng khoảng 15% nước thải mỏ ngành than là có thể đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước của toàn ngành và sẽ còn dư thừa khoảng 85% xả thải ra môi trường.

48-2-.jpg
Công ty VITE là đơn vị đi đầu nghiên cứu giải pháp tái chế nước thải mỏ sau xử lý thành nước sinh hoạt.

Lượng nước dư thừa sẽ xả thải này lớn gấp 2 lần tổng công suất các nhà máy xử lý nước cấp hiện tại của Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh (Quawaco) tính cho 3 vùng than tại Quảng Ninh (Đông Triều - Uông Bí, Hạ Long và Cẩm Phả). Trong tương lai (theo Quy hoạch nhu cầu sử dụng nước của Quawaco đến năm 2030), lượng nước này vẫn đủ để cung cấp cho toàn bộ nhu cầu phục vụ cho dân sinh của Quawaco.

Từ các số liệu trên, Công ty VITE nhận thấy, việc tăng cường tái sử dụng nước thải mỏ than trước hết là phục vụ cho sản xuất của ngành than để chủ động về nguồn nước, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng là hết sức cấp thiết. Ông Nguyễn Hoàng Huân - Phó Giám đốc Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường - Vinacomin, người chủ trì tư vấn thực hiện Đề tài “Nghiên cứu giải pháp tái chế nước thải mỏ sau xử lý thành nước sinh hoạt cung cấp cho nhu cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” (gọi tắt là Đề tài) cho rằng, việc nghiên cứu, tái sử dụng nguồn nước thải mỏ dư thừa sau xử lý để bổ sung, cấp cho hệ thống nước sạch sẽ là một hướng đi đột phá, đảm bảo an ninh nguồn nước cho ngành than nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung, cần được nghiên cứu cụ thể và có thể đưa vào triển khai nếu đáp ứng được các thông số về chất lượng nước.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Huân, do nước thải từ hoạt động khai thác than của TKV có tính chất và đặc thù riêng, khác với nước thải từ các hoạt động khác nên cho đến nay vẫn chưa có một công trình cụ thể nghiên cứu và đánh giá việc tái sử dụng nước thải của hoạt động sản xuất than phục vụ cho các hoạt động sinh hoạt của dân cư trong khu vực lân cận.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tái chế nước thải mỏ sau xử lý thành nước sinh hoạt, Công ty VITE đã tiên phong thực hiện Đề tài “Nghiên cứu giải pháp tái chế nước thải mỏ sau xử lý thành nước sinh hoạt cung cấp cho nhu cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Đề tài được thực hiện từ năm 2021 đến hết năm 2023 với mục tiêu đánh giá tính khả thi trong việc tái sử dụng nguồn nước thải mỏ để phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch trong các mỏ than và các khu vực dân cư lân cận; đồng thời góp phần sử dụng hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm tài nguyên nước.

Ông Nguyễn Hoàng Huân chia sẻ: Công ty VITE là đơn vị tư vấn đi đầu nghiên cứu giải pháp tái chế nước thải mỏ sau xử lý thành nước sinh hoạt, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn đối với Công ty. Lợi thế của Công ty là đã có hơn 10 năm trong lĩnh vực tư vấn thiết kế các công nghệ xử lý nước thải mỏ; đã từng nghiên cứu, ứng dụng, triển khai thực hiện rất nhiều công nghệ khác nhau nhằm nâng cao hiệu quả xử lý nước thải mỏ. Từ đó, Công ty VITE nắm bắt và hiểu rất rõ giá trị của nguồn nước thải mỏ sau xử lý cũng như công nghệ cần áp dụng để tái xử lý nước thải mỏ sau xử lý thành nước cấp cho sinh hoạt…

Tuy nhiên, do các điểm xả thải nằm trong các khai trường mỏ, xa dân cư, xa các nguồn cấp nước sinh hoạt của tỉnh Quảng Ninh nên các giải pháp đấu nối cũng như lưu giữ nguồn nước sạch này sẽ đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên là TKV, UBND tỉnh Quảng Ninh (Quawaco và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh).

Hiệu quả đa chiều từ việc tái sử dụng nước thải mỏ ngành than

Đánh giá về tính hiệu quả của Đề tài, ông Hồ Tuấn Anh - Trưởng phòng Quản lý dự án và Xây dựng công trình, Công ty VITE, một trong những tác giả của Đề tài cho rằng, việc tái sử dụng nước thải mỏ ngành than sẽ thu được nhiều hiệu quả và lợi ích cả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

48-1-.jpg
Mô hình thử nghiệm công nghệ tái sử dụng nước thải mỏ sau xử lý thành nước sinh hoạt.

Việc tái sử dụng nước thải đồng nghĩa với giảm lượng nước xả thải ra môi trường, hạn chế ảnh hưởng gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước, các mỏ tái sử dụng hoàn toàn sẽ không gây ô nhiễm môi trường nước và không phải thực hiện thủ tục cấp phép xả nước thải; tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp mà doanh nghiệp phải nộp sẽ giảm tùy theo lượng nước thải tái sử dụng; giúp doanh nghiệp phát triển theo định hướng mô hình kinh tế tuần hoàn (theo Luật Bảo vệ môi trường 2020).

Hơn nữa, việc tái sử dụng nước thải cho các mục đích sử dụng nước sẽ giúp giảm nhu cầu khai thác nước từ nguồn nước, giảm áp lực đối với các nguồn nước của tỉnh Quảng Ninh, chủ động nguồn nước cho các mỏ, góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước cho doanh nghiệp.

Đồng thời, tái sử dụng nước để bổ sung nguồn nước cấp cho hệ thống cấp nước sạch của tỉnh còn góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước, đảm bảo các nhu cầu cấp nước đô thị trong bối cảnh phát triển kinh tế nhanh với tốc độ đô thị hóa cao của tỉnh Quảng Ninh hiện nay.

Đáng chú ý, chi phí tái sử dụng nước thải sau xử lý để sử dụng làm nước cấp (sau khi xử lý tiếp) ước tính trung bình mất 13.000 đồng/m3 để đạt cấp nước cho sinh hoạt, nhỏ hơn so với chi phí khai thác nước để cấp cho sinh hoạt khoảng 200 - 600 đồng/m3. Hiện nay, biểu giá trung bình xử lý nước của Quawaco là 13.200đ/m3, nếu tái sử dụng 25% lượng nước thải mỏ tương đương với 37,5 triệu m3 nước sẽ giúp tiết kiệm khoảng 7,5 - 22,5 tỷ đồng/năm tùy vào chất lượng nước.

Ông Hồ Tuấn Anh cho hay, việc đầu tư xây dựng các công trình tiết kiệm, sử dụng nước hiệu quả sẽ được ưu đãi về vay vốn và miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu đối với các thiết bị, công nghệ tiên tiến sử dụng nước tiết kiệm theo Nghị định số 54/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và các quy định hiện hành.

Ngoài ra, việc lấy nước sau xử lý từ các trạm xử lý nước thải hiện nay để làm nước đầu vào cho các hệ thống xử lý nước cấp không cần phải làm các thủ tục xin cấp phép khai thác tài nguyên nước và không phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Với mong muốn ứng dụng những kết quả nghiên cứu khoa học của Đề tài vào thực tiễn, nhóm tác giả thực hiện Đề tài đã có những ý kiến đề xuất với TKV về việc chỉ đạo các đơn vị tư vấn trong ngành phối hợp với các chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên nước nhằm nghiên cứu, xây dựng phương án tái sử dụng nước thải mỏ ngành than theo mô hình kinh tế tuần hoàn của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Bên cạnh đó, TKV cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc xem xét hiện trạng và kế hoạch xả nước thải, nhu cầu khai thác, sử dụng nước của từng đơn vị trong thời gian tới để áp dụng phương án tái sử dụng nước.

Cùng với đó, nhóm tác giả mong muốn TKV chủ động trao đổi với các sở ban ngành (Sở TN&MT, Sở Xây dựng, UBND các địa phương có mỏ khai thác than, Quawaco, các nhà máy nhiệt điện) để có các thông tin về dự án, cơ sở đang triển khai có nhu cầu cấp nước mà gần ngay các nguồn nước lớn của TKV, đề xuất các nội dung cần hỗ trợ, tháo gỡ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.

Mai Đan