Môi trường

Công ty Nước sạch Sông Đà nỗ lực cấp nước an toàn, ổn định trong mùa cao điểm

Thùy Linh 19/06/2023 - 13:46

(TN&MT) - Nhằm bảo đảm việc cung cấp nước sạch ổn định, liên tục cho người dân, Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) đã phối hợp các đơn vị cấp nước trong khu vực triển khai các giải pháp cấp nước an toàn, ổn định cho các khu vực sử dụng nguồn từ Nhà máy Nước mặt sông Đà, đặc biệt là trong mùa cao điểm.

Tình trạng thiếu nước nghiêm trọng mùa cao điểm

Nhận định xu thế khí tượng thủy văn, khả năng ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và nhận định sớm về nguy cơ thiếu hụt nguồn nước đến cuối mùa cạn năm 2023, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trên các sông ở khu vực Bắc Trung Bộ, dòng chảy có thể thiếu hụt từ 20 - 40%, tổng lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn khu vực Bắc Trung Bộ được dự báo thấp hơn từ 15 - 35% so với trung bình nhiều năm.

51-1-.jpg
Viwasupco luôn chủ động ứng dụng khoa học công nghệ, kiểm tra, đánh giá chất lượng nước, nhằm tạo ra những sản phẩm nước sạch tốt nhất.

Hiện, mực nước các hồ chứa lớn, quan trọng đều đang ở mức rất thấp, thiếu hụt so với quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa trong thời kỳ mùa cạn trên các lưu vực sông. Mực nước hồ chứa trung bình thấp hơn trong khoảng từ 0,4m đến 24m, tương ứng tổng lượng nước thiếu hụt trong khoảng từ 16 đến 389 triệu m3. Nguy cơ thiếu nước trong thời gian còn lại của mùa hè có khả năng sẽ diễn ra nghiêm trọng.

Cùng với đó, vào mùa cao điểm, nhu cầu sử dụng nước của người dân và các doanh nghiệp sản xuất đều tăng cao. Đơn cử, theo thông tin từ Sở xây dựng Hà Nội, tổng nhu cầu sử dụng trung bình trên địa bàn Hà Nội hiện khoảng 1.150.000 - 1.250.000m3/ngày đêm. Bước vào cao điểm nắng nóng, nhu cầu nước sạch sinh hoạt của người dân bình quân tăng cao hơn từ 5 - 10%.

Tuy nhiên, sâu xa hơn, trước sức ép về gia tăng dân số và phát triển kinh tế ở mọi quốc gia, nước đang ngày càng bị khai thác và sử dụng vượt xa khả năng phục hồi. Ô nhiễm môi trường và sự gia tăng rác thải nhựa đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước ngầm, khiến cho nguồn tài nguyên nước ngày một cạn kiệt.

Tình trạng thiếu hụt nguồn nước đã đặt ra những thách thức không nhỏ đối với toàn xã hội và các doanh nghiệp cung ứng nước sạch. Doanh nghiệp cung ứng đứng trước áp lực vừa phải đảm bảo khai thác, sản xuất, sử dụng tài nguyên nước đúng theo giấy phép được cấp, vừa phải nâng cao hiệu quả xử lý nước, cung ứng đủ nước cho các đơn vị để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Viwasupco nỗ lực cấp nước an toàn, ổn định

Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) được thành lập vào năm 2009, với mục tiêu duy trì cung cấp nước ổn định, bảo đảm an toàn chất lượng nước sạch cho người dân thành phố Hà Nội.

51-2-.jpg
Toàn cảnh nhà máy nước sạch Sông Đà.

Hiện, Công ty là đơn vị duy nhất cung cấp nước sạch từ nguồn nước mặt sông Đà cho Thủ đô Hà Nội với công suất trung bình năm 2022 là 292.000m3/ngày đêm. Do nhu cầu dùng nước năm 2023 tăng nên Nhà máy đang vận hành hết công suất thiết kế giai đoạn 1 cấp cho khách hàng trung bình khoảng 300.000m3/ngày đêm. Giai đoạn 2 của Nhà máy nước sông Đà gồm: Nhà máy nước và Công trình khai thác nguồn nước thuộc Dự án đầu tư xây dựng Hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông giai đoạn II, nâng công suất lên 600.000m3/ngày đêm dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong Quý 4/2024.

Với đặc thù ngành luôn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức từ yếu tố biến động khách quan, Viwasupco đã linh hoạt ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng lực sản xuất, hạn chế rủi ro; nâng cao năng lực quản trị, phục vụ khách hàng kịp thời, hiệu quả.

Cụ thể, để bảo đảm việc cung cấp nước sạch ổn định, liên tục cho người dân trong mùa cao điểm, Viwasupco đã triển khai hàng loạt giải pháp như: Duy trì mực nước hồ để ổn định chất lượng nước thô, giảm lượng nước rửa lọc, xả cặn bể lắng tiết kiệm nguồn nước thô; tăng cường tuần tra kịp thời phát hiện các điểm rò rỉ để sớm khắc phục, giảm thiểu lượng nước thất thoát trên tuyến ống truyền tải; chủ động xây dựng hàng rào bảo vệ kênh dẫn nước thô của Nhà máy; Lắp đặt các phao chắn dầu chuyên dụng tại vị trí kênh dẫn nước sông, nước hồ và các vị trí xung yếu khác để ngăn chặn, cô lập từ xa nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.

Đặc biệt, đầu tư công nghệ, hệ thống xử lý bùn để xử lý triệt để lượng nước thải sản xuất xả ra môi trường tuân thủ yêu cầu theo tiêu chuẩn hiện hành. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp phòng ngừa, ứng phó nguy cơ, sự cố ô nhiễm nguồn nước, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp để bảo vệ an ninh, an toàn nguồn nước, vận động người dân sống gần khu vực nguồn nước nâng cao nhận thức về bảo bệ môi trường, phối hợp với các đơn vị cấp nước trong khu vực để triển khai các giải pháp cấp nước cho các khu vực sử dụng nguồn từ Nhà máy Nước mặt sông Đà; kịp thời thông báo cho khách hàng trong phạm vi cấp nước chuẩn bị các phương án, kế hoạch lấy nước dự trữ và phân phối cấp nước mùa cao điểm.

Từ những ứng dụng khoa học kỹ thuật, công tác sản xuất, quản lý vận hành của Công ty giai đoạn vừa qua đã duy trì đảm bảo số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng với chất lượng dịch vụ ngày một cao hơn.

Trong giai đoạn tới, Viwasupco tiếp tục duy trì thực hiện tốt kế hoạch cấp nước an toàn và thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra, giám sát xét nghiệm các chỉ tiêu chất lượng theo đúng quy định. Tiếp tục đầu tư xây dựng Giai đoạn II của Dự án nâng công suất lên 600.000 m³/ngày đêm, cũng như tuyến ống truyền tải Cấp II; không ngừng cải tạo thay thế công nghệ thiết bị cũ, nâng cao năng lực, tăng cường công tác chống thất thu, thất thoát nước sạch, tiết kiệm chi phí sản xuất để đáp ứng nhu cầu nước sạch cho mọi khách hàng.

Chung tay tiết kiệm, bảo vệ tài nguyên nước

Bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên nước đang là vấn đề cấp bách trên toàn cầu. Cứ 10 người trên toàn thế giới thì có 4 người không có đủ nước an toàn để uống và cho tới năm 2050, dự báo hơn một nửa dân số toàn cầu sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước, phát sinh khi nhu cầu vượt quá các nguồn nước sẵn có.

Nếu không có sự chung sức, cùng hành động vì an ninh nguồn nước, tình trạng thiếu hụt nước sạch, những căn bệnh liên quan đến nguồn nước bị ô nhiễm sẽ càng thêm trầm trọng, đặc biệt, khi dân số, quy mô các hoạt động sản xuất gia tăng, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác một cách trầm trọng.

Tại Việt Nam, cạn kiệt nguồn nước ngầm, thiếu hụt nước sạch vẫn đang là thách thức rất lớn. Do đó, ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp cung ứng nước như Viwasupco thì còn cần sự chung tay, góp sức của nhiều bên liên quan.

Mỗi tổ chức, cá nhân cũng cần có những hành động thiết thực và cụ thể như tiết kiệm nước sạch khi sử dụng, không vứt, xả rác thải bừa bãi ra môi trường, tránh tình trạng xả trực tiếp vào nguồn nước sinh hoạt… Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm nước ngầm, gây ra nhiều trở ngại, khó khăn cho các đơn vị xử lý và sản xuất nước sạch, làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

Đặc biệt, đô thị hóa, nông nghiệp, công nghiệp phát triển nhanh chóng đã gây sức ép lên cả chất lượng và số lượng nguồn nước. Công tác xử lý nước thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, bệnh viện phải được xử lý trước khi thải ra môi trường; hạn chế đến mức thấp nhất chất dinh dưỡng dư thừa, thuốc bảo vệ thực vật ngấm vào đất, nguồn nước ngầm…

Về phía bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương, cần có các biện pháp tuyên truyền sử dụng tiết kiệm nước rộng rãi đến người dân; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, toàn diện, bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ cho quản lý tài nguyên nước; Hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng nước, nhất là nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, cần tập trung rà soát, bổ sung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch hệ thống thủy lợi quốc gia, hệ thống đê điều quốc gia; Xây dựng chiến lược bảo đảm an ninh nguồn nước đến năm 2045 và tầm nhìn đến cuối thế kỷ XXI…

Đồng thời, chính quyền các địa phương cần tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư, khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình, dự án thuộc lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước, nhất là các công trình cung cấp nước sinh hoạt cho người dân ở các vùng núi cao, hải đảo, vùng khan hiếm nước.

Thùy Linh