Môi trường

Cẩm Lệ (Đà Nẵng): Hướng đến quận không rác thải nhựa

Lan Anh 19/06/2023 - 13:44

(TN&MT) - Trong những năm gần đây, công tác phân loại rác thải tại nguồn, thu gom rác thải tái chế... được triển khai rộng rãi trên địa bàn quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) và được người dân hưởng ứng sôi nổi.

Theo phòng Tài nguyên và Môi trường quận Cẩm Lệ, vấn đề bảo vệ môi trường, đặc biệt là công tác phân loại chất thải rắn, giảm thiểu rác thải nhựa luôn được địa phương quan tâm, chỉ đạo. Bên cạnh công tác tuyên truyền, UBND quận Cẩm Lệ đã triển khai nhiều hoạt động khuyến khích người dân giảm thiểu sử dụng rác thải nhựa như hỗ trợ cho Chi hội Phụ nữ phường Hòa Thọ Đông 100 thùng rác phân loại hộ gia đình, hỗ trợ 5 thùng rác phân loại 3 ngăn cho trường tiểu học Tôn Đức Thắng, phường Hòa An; phối hợp với Hội phụ nữ các cấp trong các hoạt động triển khai phân loại chất thải rắn tại địa phương; tổ chức mô hình “Gian hàng xanh không túi ni lông” tại các chợ…

57-2-.jpg
Người dân Cẩm Lệ hưởng ứng Ngày hội phân loại rác thải tại nguồn.

Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp là một trong những lực lượng nòng cốt tham gia phối hợp, chung tay bảo vệ môi trường. Đến nay, đã có 105/ 117 Chi hội thực hiện mô hình phân loại rác thải gây quỹ giúp học sinh nghèo, làm “suất ăn không đồng”. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn đã lần lượt ra đời như: Thùng rác môi trường; Tái chế sản phẩm gia dụng từ nhựa; Thu gom vỏ, lon, chai nhựa tại các khu dân cư thông qua thùng thu gom… Trong đó, mô hình “Tái chế sản phẩm gia dụng từ nhựa” đã được các cấp Hội phụ nữ hưởng ứng.

Chị Nguyễn Thị Tố Trang - Chủ tịch Hội LHPN Hòa Thọ Đông cho biết, thực hiện mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn”, các chị em trong Chi hội hưởng ứng với những cách làm cụ thể như biến những chai nhựa bỏ đi thành những vật dụng hữu ích, phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình, “1 việc làm 3 mục đích”. Các sản phẩm được chị em trong Chi hội sáng tạo ra như lọ hoa, lọ đựng bút, đến những vật trang trí… đều là sản phẩm tái chế từ rác thải và rất hữu dụng đối với đời sống hàng ngày, đặc biệt, chị em còn tận dụng dầu ăn đã qua sử dụng để tạo thành những cục xà phòng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

“Mỗi Chi hội đều có những cách làm riêng góp phần rất lớn trong việc nâng cao nhận thức của chị em trong Chi hội, đặc biệt là trong việc phân loại rác thải, bảo vệ môi trường như xây dựng những tuyến đường hoa, mô hình tự quản, biến những bãi rác tự phát thành vườn hoa làm đẹp khu dân cư, thu gom rác thải nhằm tiết kiệm kinh phí để giúp đỡ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn” - chị Trang chia sẻ.

Một nội dung quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường ở Cẩm Lệ là kiến thức cũng như kỹ năng bảo vệ môi trường, phân loại rác thải đã được áp dụng trong trường học thông qua các mô hình như “Quản lý tối ưu rác thải trong trường học” tại trường tiểu học Trần Đại Nghĩa, mô hình “Trường học xanh”, Chương trình phát động sáng kiến giảm nhựa và đẩy mạnh triển khai phân loại rác thải tại 11 trường tiểu học trên địa bàn quận Cẩm Lệ…

Tại Chợ Cẩm Lệ, mới đây cũng đã triển khai thực hiện mô hình giảm thiểu rác thải nhựa. Qua mô hình này góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết của cộng đồng bao gồm tiểu thương và người đi chợ về rác thải nhựa và tác hại của rác thải nhựa. Theo đánh gia ban đầu, hiệu quả của mô hình đã vượt hơn so với kỳ vọng.

Ông Đinh Thanh - Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho biết, bên cạnh việc huy động sự tham gia Hội đoàn thể, tổ chức, cá nhân, cộng đồng thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng việc xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện tốt công tác giám sát, kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, quận sẽ xây dựng kế hoạch và triển khai mô hình trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống trên địa bàn quận hạn chế sử dụng túi ni lông hoặc sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường thay thế cho túi ni lông khó phân hủy. Tiến đến thành lập và mở rộng các mô hình tổ chức tái chế chất thải nhựa, các phong trào chống rác thải nhựa để hướng đến mục tiêu xây dựng quận xanh - sạch - đẹp, góp phần xây dựng thành phố đáng sống.

Lan Anh