Thế giới

Ngày Thế giới chống sa mạc hóa và hạn hán: Thúc đẩy quyền bình đẳng về đất đai

Mai Đan 17/06/2023 - 10:57

(TN&MT) - Quyền về đất đai của phụ nữ đang là tâm điểm chú ý trước Ngày Thế giới chống Sa mạc hóa và hạn hán, được tổ chức vào ngày 17/6 hàng năm, tại các sự kiện trên khắp thế giới, từ Kenya đến Việt Nam, bao gồm một sự kiện cấp cao tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ) vào ngày 16/6.

image1170x530cropped-13-.jpg
Phụ nữ lấy nước ở khu vực hạn hán Marsabit, miền Bắc Kenya. Ảnh: WFP

Phụ nữ có quyển kiểm soát ít nhất về đất đai

Phụ nữ chiếm gần một nửa lực lượng lao động nông nghiệp trên thế giới, nhưng các hành vi phân biệt đối xử liên quan đến quyền sở hữu đất đai, tiếp cận tín dụng, trả lương bình đẳng và ra quyết định thường cản trở sự tham gia tích cực của họ trong việc duy trì sức khỏe của đất đai. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD), ngày nay, chưa đến 1/5 chủ đất trên toàn thế giới là phụ nữ.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết: “Nông nghiệp không bền vững đang làm xói mòn đất nhanh hơn 100 lần so với quá trình tự nhiên có thể phục hồi chúng và có tới 40% đất đai trên hành tinh của chúng ta hiện đang bị thoái hóa, gây nguy hiểm cho sản xuất lương thực, đe dọa đa dạng sinh học và làm trầm trọng thêm khủng hoảng khí hậu”.

Điều này ảnh hưởng nặng nề nhất đến phụ nữ và trẻ em gái. Ông Guterres lý giải: “Họ phải chịu đựng một cách không cân xứng do thiếu lương thực, khan hiếm nước và buộc phải di cư do sự “ngược đãi” đất đai của chúng ta, nhưng họ lại có ít quyền kiểm soát nhất”.

Kêu gọi hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái góp phần bảo vệ “nguồn tài nguyên quý giá nhất của chúng ta”, ông mong muốn mọi người hãy cùng nhau chấm dứt suy thoái đất vào năm 2030.

Trước thềm Ngày Thế giới chống sa mạc hóa và hạn hán, UNCCD đã phát động chiến dịch #HerLand nhằm nâng cao nhận thức về việc phụ nữ đang tạo ra sự khác biệt hiện tại và những thách thức phía trước. Theo UNCCD, khi được tiếp cận bình đẳng, phụ nữ và trẻ em gái có thể tăng năng suất nông nghiệp, phục hồi đất đai và xây dựng khả năng phục hồi hạn hán.

Khi bắt đầu sự kiện cấp cao, Inna Modja, ca sĩ người Malian và Đại sứ thiện chí của UNCCD đã gửi đến ca khúc “Her Land” để đánh dấu ngày này. Cô chia sẻ: “Là một phụ nữ, nghệ sĩ, nhà hoạt động về khí hậu và công bằng xã hội, tôi cho rằng điều quan trọng là phải trao quyền cho phụ nữ và thanh niên cũng như thúc đẩy bình đẳng giới trong cuộc chiến chống sa mạc hóa và suy thoái đất đai. Cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra một tương lai tươi sáng hơn, bền vững hơn”.

Tạo sân chơi bình đẳng về quyền sở hữu đất đai

“Quyền bình đẳng về đất đai vừa bảo vệ đất đai vừa thúc đẩy bình đẳng giới”, ông Guterres cho biết trong một thông điệp video, kêu gọi tất cả các chính phủ loại bỏ các rào cản pháp lý đối với phụ nữ sở hữu đất đai và để họ tham gia hoạch định chính sách.

“Chúng ta phụ thuộc vào đất đai để tồn tại, nhưng chúng ta đối xử với nó như “bụi bẩn”, người đứng đầu Liên Hợp Quốc cho biết và nhấn mạnh cần hành động.

Các diễn giả cấp cao, các nhà lãnh đạo nữ, các nhà khoa học nổi tiếng, các nhà hoạt động vì đất đai và đại diện thanh niên đều cho rằng nhiều việc đã được thực hiện nhưng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để tạo sân chơi bình đẳng về quyền sở hữu đất đai.

Bà Tarja Halonen, cựu Tổng thống Phần Lan và Đại sứ UNCCD Land cho biết hành động là cần thiết ngay bây giờ. “Giải quyết bất bình đẳng giới không chỉ là điều nên làm, nếu chúng ta đảm bảo rằng phụ nữ hoàn toàn có thể sử dụng khả năng, kiến thức, tài năng và tiềm năng lãnh đạo của họ thì xã hội của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn”.

image1170x530cropped-14-.jpg
Khu vực Somali của Ethiopia đang trải qua đợt hạn hán kéo dài. Ảnh: WFP

Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Csaba Kőrösi cho biết: “Khi nữ nông dân có quyền sở hữu đất đai, họ sẽ phát triển hơn và quốc gia của họ cũng vậy. Tăng cường quyền về đất đai và tài sản của phụ nữ giúp tăng cường an ninh lương thực và giảm tình trạng suy dinh dưỡng. Những thay đổi tích cực này có hiệu ứng lan tỏa”.

Ông Csaba Kőrösi cho biết thêm: “Những gì chúng ta đang thiếu là các quyết định chính sách và biện pháp công nhận vai trò của họ trong việc quản lý đất đai. Chúng ta nên cố gắng hết sức để loại bỏ các rào cản đối với sự tham gia của phụ nữ vào quá trình ra quyết định”. Thư ký điều hành UNCCD Ibrahim Thiaw cho biết Ngày Thế giới chống Sa mạc hóa và hạn hán nhằm kêu gọi cộng đồng quốc tế theo hướng đó.

“Trong tất cả những bất bình đẳng giới mà chúng ta gặp phải trên thế giới, sự mất cân bằng trong khả năng tiếp cận đất đai màu mỡ của phụ nữ là sự bất bình đẳng đáng quan tâm nhất. Ở mọi nơi trên thế giới, việc lấp đầy khoảng cách giới cụ thể này vẫn là một công việc còn dang dở”, ông Ibrahim Thiaw nhấn mạnh.

Mai Đan