Bắc Ninh: Phát triển kinh tế làng nghề gắn với bảo vệ môi trường góp phần giảm nghèo
(TN&MT) - Là địa phương có diện tích nhỏ nhất, nhưng Bắc Ninh lại là một trong những tỉnh có nhiều làng nghề nhất cả nước. Những năm qua, nhờ có những chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, cùng với sự cố gắng của các doanh nghiệp và người dân trong tỉnh, các làng nghề tại Bắc Ninh đều có bước phát triển, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân vươn lên thoát nghèo.
Giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động
Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh có 62 làng nghề, trong đó có 30 làng nghề thủ công truyền thống, nổi bật như: làng nghề Gỗ Đồng Kỵ, gốm Phù Lãng, đúc đồng Đại Bái, chạm khắc gỗ Phù Khê… Toàn tỉnh cũng có 12 nghề truyền thống, sản phẩm mang tính đặc sắc, đang phát triển tốt như: nghề làm bánh phu thê ở Đình Bảng, bánh tẻ làng Chờ, bánh khúc làng Diềm, bánh khoai Thị Cầu…
Các làng nghề đã góp phần rất lớn trong việc giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân trong tỉnh (trên 72.000 lao động thường xuyên và trên 10.000 lao động thời vụ). Tại các làng nghề, số người giàu và khá giàu ngày càng tăng, 100% số hộ đều có ti-vi, xe máy, mức thu nhập ở các làng nghề cao gấp từ 3 đến 4,5 lần so với các làng thuần nông, nhờ vậy góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo của tỉnh. Đây còn là nơi cung cấp nguồn hàng xuất khẩu quan trọng của tỉnh với kim ngạch từ 1.200 tỉ đến 1.500 tỉ đồng/năm.
Đến nay, tỉnh Bắc Ninh có 30 làng nghề cơ bản đạt các tiêu chí về làng nghề, làng nghề truyền thống; trong đó có 21 làng nghề truyền thống và 9 làng nghề mới. Ngoài các làng nghề, tỉnh có 32 thôn, khu phố có 12 nghề truyền thống, sản phẩm mang tính đặc sắc. Hoạt động làng nghề nông thôn đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho đại bộ phận dân cư và đóng góp đáng kể trong tổng sản phẩm của tỉnh.
Làng nghề Bắc Ninh phong phú và đa dạng, từ chế biến nông sản, thực phẩm, sản xuất các vật dụng gia đình đến các mặt hàng mỹ nghệ, các sản phẩm nghệ thuật giàu sáng tạo, thể hiện sự khéo léo, tài tình của người thợ, nghệ nhân làng nghề. Điều ý nghĩa quan trọng là cho đến nay hầu hết các làng nghề vẫn lưu giữ được bản sắc đậm đà vùng Kinh Bắc xưa, đó là các làng nghề đều gắn liền với những di tích lịch sử – văn hóa, khu vực có những lễ hội cổ truyền như Đền Đô, chùa Dâu, chùa Bút Tháp, đồi Lim… tạo sức hút du khách, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các tour du lịch văn hóa, lịch sử.
Mặc dù, các làng nghề đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động của tỉnh Bắc Ninh, tuy nhiên tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều làng nghề đã trở thành điều bức xúc, không những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người dân mà còn làm giảm năng suất cây trồng, vật nuôi. Cuộc sống của người dân nơi đây luôn phải chịu sức ép của khói bụi, tiếng ồn, ô nhiễm khí clo, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng...
Vì vậy, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề hiện đang là vấn đề nan giải nhằm tạo sự cân bằng giữa mục tiêu phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường góp phần giảm nghèo bền vững ở Bắc Ninh.
Từng bước cải thiện môi trường làng nghề
Để giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đang triển khai nhiều giải pháp từng bước cải thiện môi trường tại các làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề, nhất là tại các làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Đình Phương, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, phù hợp thực tiễn cơ sở, nhằm vừa đáp ứng nguyện vọng của cả người dân và doanh nghiệp, vừa giải quyết căn bản, căn cơ công tác bảo vệ môi trường.
Theo ông Nguyễn Đình Phương, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND về việc quy định một số chính sách đầu tư, hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ điểm trung chuyển đến khu xử lý và kinh phí xử lý; nhân dân đóng góp kinh phí thu gom, vận chuyển từ hộ gia đình đến điểm trung chuyển theo quy định. Đối với khu vực làng nghề, tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý đối với chất thải rắn tồn đọng từ trước đến thời điểm dự án được UBND tỉnh phê duyệt.
Với các khu vực ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các địa phương nâng cấp lên đô thị và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong đó, các dự án do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư được giao đất đã giải phóng mặt bằng, miễn tiền thuê đất theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ khác sau khi đầu tư hoàn thành theo các quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung đầu tư xử lý làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đối với các đô thị trên địa bàn các huyện chưa có hệ thống xử lý, lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với các cụm công nghiệp hiện đã đi vào hoạt động. Đồng thời, bố trí nguồn vốn cho đầu tư các công trình xử lý môi trường khu vực nông thôn, làng nghề, giải quyết các vấn đề môi trường tồn đọng.
Bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống
Cùng với việc triển khai nhiều giải pháp từng bước nhằm cải thiện ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, Bắc Ninh cũng đang triển khai các giải pháp tăng cường bảo tồn và phát triển làng nghề, nghề truyền thống nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề của tỉnh, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề, đồng thời, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong tỉnh.
Theo ông Vương Quốc Tuấn, giai đoạn 2022-2025, tỉnh Bắc Ninh phấn đấu được công nhận thêm 8 nghề truyền thống, 7 làng nghề và 12 làng nghề truyền thống; xây dựng 2 nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các làng nghề truyền thống, nghề truyền thống để thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm. Tỉnh xây dựng thí điểm 3 mô hình du lịch làng nghề và đề nghị công nhận sản phẩm OCOP (mỗi xã phường, thị trấn một sản phẩm) về du lịch cộng đồng phục vụ khách du lịch.
Ngoài ra, mỗi năm, tỉnh có 40 sản phẩm làng nghề được đánh giá và xếp hạng sản phẩm Chương trình OCOP; đăng ký chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa và xây dựng, quản lý, quảng bá thương hiệu cho 5 làng nghề; thu nhập bình quân của lao động tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh đạt trên 8 triệu đồng/người/tháng.
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Bắc Ninh đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển làng nghề, nghề truyền thống; trong đó, hàng năm tỉnh tổ chức các lớp tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn.
Đặc biệt, công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, phong trào chống rác thải nhựa và sử dụng sản phẩm truyền thống, thân thiện với môi trường nhằm bảo vệ sức khỏe cho người lao động và cộng đồng dân cư. Tỉnh hỗ trợ các địa phương mở lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn; khuyến khích các nghệ nhân làng nghề tham gia truyền nghề, dạy nghề truyền thống cho lao động nông thôn.