Đắk Lắk: Quản lý, sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp giúp giảm nghèo bền vững
(TN&MT) - Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên và là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp. Để phát huy toàn diện những tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp, giúp đời sống của người dân địa phương ngày một nâng cao, kinh tế phát triển, tỉnh Đắk Lắk đã có những chiến lược, giải pháp quản lý hiệu quả, khai thác phù hợp nguồn lực đất nông nghiệp này.
Phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với công nghệ cao
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, hiện tại, toàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 210.000ha cà phê, 34.000ha cao su, 32.000ha hồ tiêu, hơn 43.000ha cây ăn quả, khoảng 110.000 ha lúa, 94.000ha ngô, 170.000ha đất lâm nghiệp... đã được quy hoạch phát triển rừng sản xuất theo hướng thâm canh, có kết hợp với sản xuất nông nghiệp. Tỉnh Đắk Lắk hiện có 1 khu công nghiệp (KCN) và 7 cụm công nghiệp đang hoạt động, với tổng diện tích trên 600ha. Đồng thời, được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Đắk Lắk cũng đang thúc đẩy đầu tư KCN Phú Xuân, với quy mô hơn 300ha, trong đó, tỉnh Đắk Lắk ưu tiên thu hút các dự án chế biến nông lâm sản, thực phẩm ứng dụng công nghệ cao, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất gắn với ứng dụng công nghệ cao, giúp địa phương thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Đặc biệt, công tác quản lý về tài nguyên nói chung, nhất là đất đai nói riêng luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Lắk đặc biệt quan tâm, thể hiện qua việc ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, các chương trình, kế hoạch, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đồng bộ để đảm bảo cho công tác quản lý. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh được nghiêm túc tổ chức thực hiện, trong đó, chú trọng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch nông thôn đến năm 2020 với tỷ lệ lập, phê duyệt quy hoạch chung đạt 100%.
Bên cạnh đó, với vị trí địa lý đặc trưng đã mang đến cho tỉnh Đắk Lắk tiềm năng rất lớn về sản xuất năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng dồi dào này sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, nhất là lĩnh vực nông nghiệp như trồng trọt, sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Tỉnh Đắk Lắk còn là thị trường có sức tiêu thụ hàng hoá nói chung và sản phẩm nông nghiệp nói riêng hàng đầu khu vực. Ngoài ra, tình Đắk Lắk có cơ sở hạ tầng phát triển nhất trong số các tỉnh vùng Tây Nguyên.
Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp để thoát nghèo
Nhằm giúp người dân phát triển sản xuất nông nghiệp ngày một bền vững và thay đổi tư duy canh tác mang lại hiệu quả kinh tế, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu của Kế hoạch là xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Tây Nguyên, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực.
Cũng với đó, nâng cao thu nhập, đảm bảo chất lượng cuộc sống và vai trò, vị thế của người dân tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn. Đồng thời, phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự được đảm bảo.
Theo ông Đinh Khắc Tuấn - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Lắk, để góp phần giúp địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tỉnh Đắk Lắk cần tập trung công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ mục tiêu phát triển xanh, bền vững, nhất là về phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Đồng thời, tỉnh Đắk Lắk cũng cần thường xuyên phổ biến, tuyên truyền đến người dân áp dụng các kiến thức, thành tựu khoa học và công nghệ mới nhất vào sản xuất nông nghiệp để góp phần nâng cao đời sống của người dân; đầu tư xây dựng và phát triển vùng, khu ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chủ lực chất lượng cao, bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển, giúp người dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.