Văn hóa

Quảng Bình: Giải bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch

Thanh Tùng 15/06/2023 - 13:28

(TN&MT) - Nguồn nhân lực cho ngành du lịch Quảng Bình được cho là còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, cơ cấu chưa đồng bộ và năng lực thực tiễn chưa tương xứng với bằng cấp. Đây là một trong những nguyên nhân khiến du lịch Quảng Bình chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Để du lịch Quảng Bình cất cánh, bài toán này cần sớm có lời giải.

Nhân lực thiếu và còn yếu

Theo báo cáo của Sở du lịch Quảng Bình, trải qua 2 năm gần như đóng băng vì đại dịch COVID-19, phần lớn nguồn nhân lực du lịch đã chuyển nghề, không ít người tìm được nghề nghiệp khác thích hợp và không có ý định quay về với nghề cũ. Do đó, sau khi ngành du lịch mở cửa trở lại, khó khăn lớn nhất chính là vấn đề thiếu hụt, khan hiếm và chuyển dịch lao động, nhất là các nhân lực chất lượng cao như vị trí quản lý, điều hành, hướng dẫn viên du lịch. Việc thiếu hụt nhân lực ngành du lịch bộc lộ càng trầm trọng hơn khi vào mùa cao điểm.

1.jpg
Quảng Bình là địa phương có tiềm năng lớn về phát triển du lịch

Thống kê đến cuối năm 2022, toàn ngành du lịch Quảng Bình có khoảng 4.000 lao động trực tiếp và 7.000 lao động gián tiếp. Nhân lực du lịch ở Quảng Bình có tăng về số lượng, được đào tạo đúng chuyên môn, tuy nhiên nghiệp vụ còn thấp, hiệu quả lao động, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống, chăm sóc khách hàng, trình độ ngoại ngữ chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Cụ thể, đối với lĩnh vực hướng dẫn viên, hiện nay toàn tỉnh có 343 hướng dẫn viên du lịch đang hoạt động (165 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 178 hướng dẫn viên du lịch quốc tế). Trong đó, trình độ trung cấp chiếm gần 50%, cao đẳng chiếm 18%. Số lượng hướng dẫn viên được đào tạo bài bản về chuyên ngành hướng dẫn chỉ chiếm khoảng 15%, còn lại chỉ qua đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn. Nhiều hướng dẫn viên chỉ ký hợp đồng tour lẻ khi rảnh rỗi và coi đây là công việc làm thêm nên chất lượng công việc không cao.

Đối với lĩnh vực lưu trú, hiện Quảng Bình có 531 cơ sở lưu trú, trong đó chỉ có 38 cơ sở lưu trú được xếp hạng có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu được quy định tại Luật Du lịch TCVN 4391:2015, còn lại phần lớn là các nhà nghỉ, homestay, khách sạn sử dụng nhân lực chủ yếu là người trong gia đình ít hoặc chưa qua đào tạo, tập huấn. Người lao động sử dụng được ngoại ngữ đạt khoảng 30% -35% tổng nhân lực.

Toàn tỉnh có 39 công ty lữ hành, trong đó có 21 công ty lữ hành quốc tế và 18 công ty lữ hành nội địa. Phần lớn các công ty lữ hành đều rất ít ký hợp đồng dài hạn với hướng dẫn viên mà thường chỉ ký hợp đồng ngắn hạn theo từng tour nên chất lượng phục vụ chưa được chuyên sâu và bài bản. Người lao động sử dụng được ngoại ngữ tại các cơ sở lưu trú, công ty lữ hành, các cơ sở đạt chuẩn phục vụ khách du lịch khoảng 30%- 35% tổng nhân lực. Tính chuyên nghiệp của nhân lực du lịch sau khi tốt nghiệp đào tạo ra trường còn rất thấp.

Xây dựng đội ngũ lao động chất lượng cao

Tại hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội” do Trường đại học Quảng Bình phối hợp với Sở Du lịch Quảng Bình tổ chức mới đây, các đại biểu cho rằng, là địa phương được thiên nhiên ưu đãi về biển, rừng, đặc biệt là hệ thống hang động hùng vĩ, tráng lệ bậc nhất, Quảng Bình đã đưa ra những quyết sách đúng đắn, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, phấn đấu đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và từng bước khẳng định được thương hiệu trên bản đồ du lịch của Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu đã đề ra, cần phải có đội ngũ lao động chất lượng cao, số lượng đủ, cơ cấu hợp lý gồm đông đảo những nhà quản lý, những nhân viên du lịch lành nghề, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, tháo vát và có tinh thần trách nhiệm.

img_0244.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội”. Ảnh: Thanh Tùng

Một trong những yêu cầu quan trọng đối với nhân lực ngành du lịch là sự thông thạo về ngoại ngữ. TS. Võ Thị Dung, Khoa ngoại ngữ, Đại học Quảng Bình cho biết, Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Quảng Bình được thành lập năm 2007 trên cơ sở Khoa Ngoại ngữ, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Bình. Đến nay, đội ngũ tham gia giảng dạy tại Khoa Ngoại ngữ đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng với 22 giảng viên, trong đó có 8 tiến sĩ, 1 nghiên cứu sinh (Úc), 13 thạc sỹ; trong đó có 5 giảng viên thuộc Bộ môn tiếng Trung và 17 giảng viên thuộc Bộ môn Tiếng Anh.

Hiện nay, Khoa Ngoại ngữ đang đào tạo nhiều hệ sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh và Ngôn ngữ Trung Quốc. Sinh viên được cung cấp kiến thức cơ bản về ngôn ngữ và văn hóa, kiến thức chuyên sâu về ngoại ngữ, có năng lực sử dụng ngôn ngữ ở trình độ cao. Kết thúc chương trình, sinh viên có khả năng sử dụng thành thạo các kỹ năng ngôn ngữ (nghe, nói, đọc, viết). Vì thế, các em có sự am hiểu về công tác dịch thuật; hình thành năng lực nghiên cứu về các vấn đề ngôn ngữ, văn hóa - xã hội; có kiến thức cơ bản về xã hội, chính trị, kinh tế và công nghệ thông tin; có kiến thức chuyên sâu về giao thoa văn hóa; có kiến thức cơ bản về lý thuyết dịch và có năng lực biên dịch, phiên dịch, nhất là trong các lĩnh du lịch.

Theo TS. Võ Thị Dung, sau khi tốt nghiệp, sinh viên được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể làm việc ở nhiều ngành nghề khác nhau, điển hình là biên - phiên dịch, giảng viên ngoại ngữ, thư ký, trợ lý, cán bộ đối ngoại trong các ngành, các cơ quan, tổ chức, công ty trong nước và quốc tế có sử dụng ngoại ngữ, nhân viên các đại sứ quán, các cơ quan ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ, hướng dẫn viên du lịch... Hơn 15 năm qua, Khoa Ngoại ngữ đã đào tạo hơn 4000 sinh viên các hệ đào tạo chính quy và vừa làm vừa học. Đây là nguồn nhân lực quan trọng cho ngành du lịch tỉnh Quảng Bình.

Đại diện các doanh nghiệp hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, bà Lê Thị Hải Yến, Công ty TNHH Oxalis Holiday cho rằng, để đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời gian tới, ngành du lịch tỉnh Quảng Bình cần có sự tăng lên mạnh mẽ về số lượng đội ngũ du lịch, trong đó, tăng nhanh số nhân lực ở lĩnh vực dịch vụ lữ hành, với tỷ trọng khách nội địa dự báo có tốc độ tăng cao hơn so với mức tăng khách quốc tế bởi xu hướng du lịch thay đổi sau đại dịch Covid-19; tăng nhanh nhân lực phục vụ tại các cơ sở lưu trú, đặc biệt là đối với các khách sạn chất lượng cao; tăng nhanh số lượng nhân lực phục vụ tại các cơ sở ăn uống tập trung ở các khách sạn, nhà hàng đáp ứng tiêu chuẩn phục vụ khách.

Trong đó, tổ chức đào tạo định kỳ với mức chi phí phù hợp với thu nhập người lao động, huy động nguồn lực thêm từ các Quỹ phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ từ các Doanh nghiệp lưu trú, ăn uống lữ hành để tổ chức các lớp dạy nghề ứng dụng ngắn hạn, mang lại hiệu quả cao: nghề phục vụ buồng, lễ tân, phục vụ bàn; kỹ thuật chế biến món ăn, phục vụ nhà hàng; lớp nghiệp vụ quản lý cơ sở lưu trú du lịch; quản lý và kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch cộng đồng cho người dân tại khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng.

Ngoài ra, cần chú trọng tổ chức đào tạo, tập huấn cho các đối tượng đã và đang tham gia hoạt động dulịch thường niên để cập nhật kiến thức, chiến lược phát triển du lịch tổng thể, tạo điều kiện giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; triển khai chương trình hỗ trợ năng lực cho các đơn vị kinh doanh về du lịch; phát triển kênh thông tin thị trường lao động du lịch; có các chiến lược và chính sách phù hợp để nuôi dưỡng, phát triển và đồng thười thu hút được lực lượng nhân lực du lịch chất lượng cao cho các vị trí quản lý, điều hành dịch vụ du lịch để từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch nói chung của Quảng Bình.

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề, du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Quảng Bình nói riêng đã từng bước vượt qua khó khăn, phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. Tổng lượng khách du lịch đến Quảng Bình năm 2022 dự ước đạt khoảng 2.010.720 lượt khách, gấp 3,53 lần so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 100,5% so với kế hoạch năm 2022. Trong đó, khách nội địa ước đạt 1.979.933 lượt khách, khách quốc tế ước đạt 30.787 lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch dự ước đạt khoảng 2.312,3 tỷ đồng, gấp 3,53 lần so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 102,8% so với kế hoạch năm 2022.

Thanh Tùng