Xã hội

Hạn chế hoạt động của xe máy nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí

Thuỵ Khanh 14/06/2023 - 17:17

(TN&MT) - Theo UBND TP. Hà Nội, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí đang tăng cao và ở mức báo động với nhiều chỉ số ô nhiễm vượt quy chuẩn cho phép do hoạt động của các phương tiện giao thông và các công trình xây dựng. Nhằm giảm thiểu mức độ về ô nhiễm không khí tại Hà Nội, UBND TP. Hà Nội vừa giao Sở Giao thông Vận tải lập đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.

Trong nội dung Quyết định số 3195/QĐ-UBND ngày 13/6/2023 về việc phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế đô thị thành phố Hà Nội” UBND TP. Hà Nội vừa ban hành để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí do hoạt động của các phương tiện cơ giới, Sở Giao thông vận tải (Sở GTVT) cùng các đơn vị liên quan được giao lập “Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030” (giai đoạn thực hiện từ 2023 – 2025) và lập “Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”.

18e79bd4-05a3-42f8-94df-bf8b78524316.jpeg
Hạn chế hoạt động của xe máy nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí

Trong đó, Sở GTVT được giao chủ trì, phối hợp các sở, ngành, UBND các quận tham mưu phát triển hạ tầng giao thông vận tải, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng khu, các trục giao thông liên kết trong vùng Thủ đô, liên kết đô thị trung tâm đến các huyện, hệ thống cầu qua sông Hồng, các tuyến giao thông kết nối với khu vực phía Nam và Tây Nam Thành phố; Phát triển hệ thống giao thông công cộng, hệ thống bến bãi đỗ xe, trạm trung chuyển.

Đồng thời, nghiên cứu phát triển theo định hướng giao thông công cộng (TOD) tại các điểm trên đường Vành đai 4 và 5, các tuyến đường sắt đô thị theo Quy hoạch; Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất triển khai các giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông đô thị để thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị; Phát triển giao thông xanh, giao thông thông minh tại các khu vực đô thị và cần tiếp tục tham mưu chính sách khuyến khích các doanh nghiệp ngoài Nhà nước tham gia cung ứng dịch vụ giao thông vận tải công cộng chất lượng cao, các dịch vụ kết nối hệ thống giao thông công cộng.

Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các hiệp hội tham mưu giải pháp về khuyến khích phát triển các loại hình công trình “xanh”, văn phòng “xanh”, khách sạn “xanh” thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng được giao chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch – Kiến trúc và các sở ngành, quận, huyện nghiên cứu quy hoạch phát triển diện tích kinh doanh thương mại tại khu vực được quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị và có các đầu mối giao thông công cộng lớn của TP, hầm ngầm cho người đi bộ, bãi đỗ xe công cộng ngầm,…

Thuỵ Khanh