Tài nguyên

Đánh giá môi trường chiến lược trong khai thác cát ngoài khơi: Kinh nghiệm từ Hà Lan

Mai Đan 13/06/2023 15:00

(TN&MT) - Sáng 13/6, tại Hà Nội, Cục Địa chất Việt Nam và Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác về đánh giá môi trường chiến lược, tác động môi trường và xã hội trong khai thác cát ngoài khơi”.

Cùng tìm giải pháp đánh giá môi trường chiến lược

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam, ông Lê Quốc Hùng cho biết: Để bảo đảm cung cấp đủ vật liệu san lấp nền đường cho các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ Việt Nam đã giao Bộ TN&MT xây dựng các chương trình điều tra, đánh giá, tìm kiếm các vị trí thuận lợi để phục vụ khai thác cát biển làm vật liệu xây dựng và Bộ đã giao Cục Địa chất Việt Nam thực hiện nhiệm vụ này.

Cụ thể, Cục Địa chất Việt Nam được giao thực hiện Đề án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp và làm đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

img_4618.jpg
Ông Lê Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo

Cục Địa chất Việt Nam đã đề ra các mục tiêu gồm: Đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển để sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường, đáp ứng kịp thời về nguồn vật liệu san lấp và cát xây dựng đường cao tốc, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, cảng biển, khu vực cụm công nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long; đánh giá, dự báo tác động của khai thác, sử dụng cát biển đến môi trường sinh thái và đề xuất giải pháp bảo vệ, khắc phục; đề xuất công nghệ khai thác cát biển phù hợp và xác định khả năng, lĩnh vực sử dụng cát biển, đảm bảo sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên khoáng sản.

Theo Phó Cục trưởng Lê Quốc Hùng, để thực hiện hiệu quả Đề án này, Cục Địa chất Việt Nam đã tập trung phối hợp các đơn vị tập trung nguồn lực, thi công đồng bộ... hướng tới khắc phục mọi khó khăn, tranh thủ tối đa thời tiết thuận lợi để triển khai khảo sát thực địa trên biển.

Cục rất quan tâm đến vấn đề về đánh giá tác động môi trường và công nghệ khai thác để báo cáo với chính phủ về tính khả thi khai thác cát biển, lựa chọn diện tích, độ sâu, công suất khai thác và Chính phủ Hà Lan là quốc gia quan tâm và mong muốn đồng hành cùng Cục Địa chất Việt Nam giải quyết vấn đề này thông qua các cơ quan liên quan có mặt tại hội thảo.

img_4645.jpg
Ông Willem Timmerman, Bí thư thứ nhất phụ trách lĩnh vực Khí hậu, Nước và Năng lượng, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Willem Timmerman, Bí thư thứ nhất phụ trách lĩnh vực Khí hậu, Nước và Năng lượng, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam mong rằng 2 bên sẽ cùng tìm kiếm những nguồn lực sẵn có và tìm ra giải pháp đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và xã hội của việc khai thác cát ngoài khơi tại Việt Nam.

Đồng thời, các cơ quan liên quan như: Viện nghiên cứu Deltares, Ủy ban Đánh giá tác động môi trường Hà Lan, Tổ chức Đối tác tài nguyên nước và Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam sẽ trao đổi kinh nghiệm và hợp tác về xây dựng hành lang pháp lý, chính sách quy hoạch không gian biển và khai thác cát ngoài khơi của Hà Lan; đánh giá môi trường chiến lược, tác động môi trường và xã hội của việc khai thác cát ngoài khơi và vai trò quản lý trong việc áp dụng các giải pháp thuận thiên, giảm thiểu tác động đến môi trường - xã hội; đề xuất các kế hoạch hợp tác phù hợp với các nội dung trên.

Cần đánh giá môi trường chiến lược trong khai thác cát

Tại hội thảo, Giáo sư Piet Hoekstra thuộc Ủy ban Đánh giá Môi trường Hà Lan (NCEA) cho biết: Bờ biển và các con đập, đê lớn chắn sóng của Hà Lan giúp duy trì và bảo vệ khu vực đất liền của quốc gia này. Hà Lan đã cố gắng xây dựng các vùng bờ biển sử dụng công nghệ mềm để duy trì nó theo tính chất tự nhiên, phục vụ nhu cầu du lịch và giải trí.

img_4693.jpg
Ông Nguyễn Tiến Thành - Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển chia sẻ về các phương pháp đánh giá tài nguyên cát biển

Dựa trên hình ảnh về bản đồ ven biển của Hà Lan, Giáo sư Piet Hoekstra cho biết cát được khai thác và sử dụng ở các khu vực xung quanh, mở rộng ra các hệ sinh thái, phương pháp này được áp dụng từ những năm 1990 cho đến nay.

Trong thời gian dài, Hà Lan có nhiều kế hoạch mở rộng các chiến lược và điển hình là Hà Lan muốn mở rộng ở quy mô 20 triệu m3 các loại trầm tích biển ở các khu vực ven biển để có thể bảo vệ thành công các vùng ven biển. Cách này đã được áp dụng để duy trì và bảo vệ đường biển của Hà Lan… Đây là 1 ví dụ trong việc mở rộng cảng biển Rotterdam của Hà Lan, cảng được xây dựng trong quá trình dài 10-15 năm và sử dụng hơn 120 triệu khối cát được khai thác từ biển Bắc.

Tại sao chúng ta phải đánh giá môi trường chiến lược trong khai thác cát ở các vùng ven biển của Hà Lan? Trả lời câu hỏi này, ông Hoekstra cho rằng chúng ta cần nhiều cát để bảo vệ các vùng ven biển, do vậy chúng ta phải tiến hành đánh giá môi trường chiến lược. Ông dẫn chứng, tại Biển Bắc, có hệ thống vận chuyển đường biển, không chỉ cho Hà Lan mà còn cho Vương quốc Anh và nhiều quốc gia khác. Đây là tuyến đường vận tải biển lớn và là khu cần bảo tồn. Do vậy, Hà Lan có nhiều biện pháp như thiết lập các khu bảo vệ, xây dựng các trang trại gió và tạo ra các khu vực cảnh quan.

Trong đánh giá môi trường chiến lược, NCEA thực hiện theo chu trình 5 năm, có kế hoạch bảo vệ nguồn nước với sự tham gia của nhiều bộ liên quan. Trong quản lý tài nguyên nước, NCEA sử dụng quy hoạch không gian biển một cách tích hợp như là một phần trong các kế hoạch bảo tồn tài nguyên nước của Hà Lan. Trong kế hoạch này, NCEA cũng quan tâm đến việc bảo tồn các nguồn tài nguyên cát.

img_4706.jpg
Quang cảnh hội thảo

Đồng tình với Giáo sư Piet Hoekstra về việc cần đánh giá môi trường chiến lược trong khai thác cát ngoài khơi, ông Nguyễn Tiến Thành - Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển, Cục Địa chất Việt Nam cho rằng việc điều tra, đánh giá nguồn cát biển nhằm đánh giá tài nguyên cát biển làm vật liệu san lấp; đánh giá, dự báo tác động của khai thác đến môi trường; đề xuất công nghệ khai thác, lĩnh vực sử dụng.

Theo Liên đoàn trưởng Nguyễn Tiến Thành, phương pháp kỹ thuật để đánh giá tài nguyên cát biển gồm: Địa vật lý (địa chấn nông, sonar); địa chất khoáng sản; địa mạo đáy biển tỷ lệ 1:25.000; thi công khoan, ống phóng rung; phân tích mẫu; trắc địa phục vụ địa chất, địa vật lý. Còn việc đánh giá tác động khai thác cát biển sử dụng các phương pháp kỹ thuật như: bản đồ Thủy thạch động lực (trạm mặt rộng), địa chất môi trường - tai biến địa chất tỷ lệ 1:25.000; quan trắc liên tục (trạm cố định); xây dựng mô hình; phân tích mẫu.

Các trao đổi tại Hội thảo nhằm hướng tới xây dựng chương trình hợp tác giữa Cục Địa chất Việt Nam và các đối tác Hà Lan về tai biến địa chất trong điều tra, đánh giá, thăm dò và khai thác cát ngoài khơi có tính đến yếu tố đánh giá tác động môi trường biển.

Mai Đan