Điện Biên: Nhiều giải pháp cải thiện môi trường không khí
(TN&MT) - Để cải thiện môi trường không khí, hiện nay tỉnh Điện Biên đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm bằng những việc làm thiết thực, từ thay đổi nhận thức từ phía người dân cho đến những lộ trình chiến lược dài hơi.
Từ những giải pháp lớn…
Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT, ông Lò Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho biết: “Để nâng cao chất lượng môi trường không khí và đối phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là nhiệt độ tăng đáng kể trong mùa hè năm nay, từ đầu năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của Sở TN&MT triển khai rà soát, nghiên cứu, phân tích, tổng hợp lại các nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí đến từ: Hoạt động của các khu công nghiệp; phát triển xây dựng; giao thông vận tải; đời sống sinh hoạt và sự gia tăng dân số. Từ đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng triển khai các giải pháp kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường.
Riêng với các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, làng nghề… có quy mô lớn, như: Cụm công nghiệp Na Hai, huyện Điện Biên; Cụm công nghiệp phía Đông huyện Tuần Giáo; Cụm công nghiệp hỗn hợp xã Ảng Tở, huyện Mường Ảng... Hiện tại, tỉnh chưa có kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cho các cụm công nghiệp này. Tuy nhiên, các dự án triển khai trong cụm công nghiệp đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường theo quy định, có hệ thống xử lý nước thải riêng nhằm xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp trước khi thải ra môi trường.
Đối với hoạt động giao thông vận tải, UBND tỉnh đã giao Sở Giao thông vận tải tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh thành phố” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 909/QĐ-TTg, ngày 17/6/2010. Theo dõi chặt chẽ và rà soát lại việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, nhất là các giải pháp đảm bảo ngăn ngừa, hạn chế, giảm thiểu bụi, khí thải trong hoạt động xây dựng công trình giao thông; khuyến khích sử dụng khí nén tự nhiên làm nhiên liệu cho phương tiện giao thông và tổ chức thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải đối với các phương tiện giao thông cơ giới.
Song song với đó, yêu cầu các sở, ngành và đơn vị trực thuộc UBND tỉnh triển khai Kế hoạch số 3386/KH-UBND về quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 đã được ban hành từ tháng 10/2021, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; triển khai các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu khí thải và tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan đơn vị để triển khai công tác quản lý, nâng cao chất lượng không khí.
“Thực hiện theo chủ trương về nâng cao chất lượng môi trường không khí, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã cho tu sửa, hoàn thiện và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải; đầu tư hoặc tu sửa các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt với công nghệ hiện đại, xử lý nước thải, rác thải đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường không khí. Đến thời điểm này, các nhà máy xử lý rác thải các huyện, thị đều đang hoạt động tốt, giúp thu gom xử lý triệt để, không để lượng rác thải lớn, tồn đọng, gây hại tới môi trường; khói bụi đốt rác tại các nhà máy thải ra môi trường cũng được xử lý theo công nghệ sinh học nên không gây ô nhiễm bầu không khí” - ông Tiến nói.
… đến những hành động nhỏ
Để ứng phó biến đổi khí hậu, nâng dần chất lượng không khí, ngoài các giải pháp căn cơ, có quy mô lớn mà UBND tỉnh Điện Biên đang triển khai, tại các huyện, thị xã, thành phố cũng đang áp dụng những kế hoạch cụ thể, thiết thực và đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi đơn vị, cơ quan và người dân thêm hiểu, chung tay trong việc cải thiện môi trường không khí bằng những việc làm thiết thực như: Trồng cây xanh, trồng rừng, vệ sinh môi trường tại khu dân cư, thu gom rác thải đúng cách hay áp dụng quy trình sản xuất, chăn nuôi theo hướng sinh học… cũng góp phần cải thiện đáng kể môi trường sống xung quanh.
Riêng tại huyện Điện Biên, hiện nay có nhiều xã đang thực hiện rất tốt việc kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí tại các khu, cụm công nghiệp và vùng nông thôn trên địa bàn. Bà Đặng Thị Nhung - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Thanh Bình cho biết: “Trước kia, sau mỗi vụ gặt người dân có thói quen đốt rơm tại cánh đồng, khói bay mù mịt làm che khuất tầm nhìn, khó quan sát cho người đi đường, rất nguy hiểm. Do vậy, Chi hội Phụ nữ đã tuyên truyền, vận động chị em hội viên thực hiện thu rơm rạ, mang về làm thức ăn đông cho trâu bò, làm nấm rơm tăng thêm thu nhập… không đốt rơm ở đồng. Nhờ chị em hưởng ứng nhiệt tình, sôi nổi, tình trạng đốt rơm ở đồng đã chấm dứt hẳn, môi trường không khí được cải thiện”.
Ở nhiều địa phương, người dân ký cam kết không đốt nương, rẫy, sử dụng tiết kiệm điện năng để giảm khí thải điện tử ra môi trường… nhất là những ngày nắng nóng, vừa tiết kiệm điện vừa bảo vệ môi trường không khí.
Trong giai đoạn trung hạn 2021 - 2025, tỉnh Điện Biên sẽ cho đầu tư, lắp đặt 3 trạm quan trắc môi trường không khí tự động tại TP. Điện Biên Phủ, thị trấn Tuần Giáo và cụm công nghiệp Na Hai huyện Điện Biên, góp phần kiểm soát, nâng cao chất lượng môi trường không khí tại Điện Biên.