Mảng xanh còn bỏ ngỏ
(TN&MT) - Các giải pháp làm mát bền vững đô thị đều nhắc đến cây xanh. Việc hạn chế về diện tích bề mặt khiến các chuyên gia cho rằng, thiết lập mảng xanh trên các bức tường dễ mang lại hiệu quả hạ nhiệt đô thị đồng thời với giải bài toán về thiếu đất.
Thiết lập mảng xanh trên các bức tường là không gian xanh thông minh cho phép cây cối phát triển trên một bề mặt không phát sinh diện tích (hoặc hãn hữu phát sinh diện tích). Hai khái niệm chính xuất hiện trong bối cảnh này là tường xanh cứng và tường xanh di động.
Cả hai khái niệm đều mang ý nghĩa sống xanh. Tường xanh cứng (tường xanh) là một cấu trúc phụ thuộc, thẳng đứng, gắn liền với những căn hộ, ngôi nhà. Các loại thực vật được sử dụng trong thiết kế này là các loại cây leo, nó cho phép dây leo bao phủ lên bề mặt thẳng đứng với kết cấu dệt dọc theo cấu trúc được thiết lập. Vì tính cố định của thiết kế nên cây có thể được bắt đầu từ mặt đất, cắm rễ vào lòng đất. Hạn chế của nó là khi thực hiện giải pháp này, thường người ta phải lưu tâm đến sự bảo trì bền vững của ngôi nhà và độ bền của bức tường liên quan đến sự xâm nhập của cây khi bám vào bề mặt tường.
Tường xanh di động (tường sống) là phiên bản tương tự tường xanh cứng, được bố trí độc lập riêng lẻ. Kết cấu cũng bao gồm bề mặt thẳng đứng và bao phủ cây xanh. Tuy nhiên, vì tính di động của nó nên cây bố trí ở các bức tường này cơ bản không liên quan đến mặt đất như với bố cục của tường cứng. Với phiên bản này, người ta có thể bố trí các hộc độc lập để trồng nhiều cá thể cây đan xen, không nhất thiết theo phương thẳng đứng mà có thể nằm ngang, xếp chồng lên nhau. Do có sự sống độc lập nên tường xanh di động còn được gọi là tường sống. Tường sống có thể cho người đối diện một cảm giác thú vị tùy thuộc vào sự đa dạng phong phú thể loại cây cũng như can thiệp vào quy luật phát triển của cây bằng cách dốc ngược, xoay ngang chúng.
Với chức năng xanh hóa, cả hai loại tường này đều mang lại lợi ích về môi trường, giảm hấp thụ nhiệt, thanh lọc không khí, che chắn bụi. Các bức tường xanh còn có khả năng cách âm ở một mức độ nào đó. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, khung cảnh xanh tươi mang lại một trạng thái tâm lý tốt hơn cho con người.
Thiết lập những bức tường này đều không phải là nhiệm vụ khó khăn. Điều quan trọng là chủ nhân của những ngôi nhà nhìn nhận về vai trò, giá trị của nó thế nào trong việc xanh hóa các khoảng không gian để điều hòa nhiệt độ và thanh lọc không khí. Ưu tiên cho không gian xanh hay sử dụng khoảng không gian đó cho một mục đích khác cũng là nguyên nhân cản trở việc hình thành các bức tường này, nhất là với các bức tường sống vì nó có thể chiếm thêm một khoảng diện tích và phải đầu tư tài chính cho thiết kế. Vì vậy, khó thực hiện được một hệ thống các bức tường xanh đồng loạt trong đô thị nếu không có ý thức chủ quan của chủ nhân ngôi nhà.
Một số đô thị ở các quốc gia phát triển bắt buộc áp dụng quy định màu sắc, kiến trúc mặt tiền cho các căn hộ. Tuy nhiên, quy định về việc hình thành các mảng xanh trên các bức tường cứng gắn liền với căn hộ chỉ mới mang tính bắt buộc ở một số đô thị hoặc một số quốc gia. Điều này cho chúng ta hình dung về việc hình thành hàng loạt các bức tường xanh đô thị vẫn là những giải pháp chỉ mang tính khuyến khích mà thôi.
Ở Việt Nam, việc xanh hóa các bức tường đã xuất hiện từ khá lâu. Tuy nhiên, như trên đã phân tích, nó xuất hiện một cách lẻ tẻ, hoàn toàn mang tính chủ quan. Trong đó, cơ bản vẫn chỉ là xanh hóa các bức tường cứng; tường sống chỉ là một con số quá ít ỏi, hiếm hoi, mặc dù việc thiết kế nó có thể trong tầm tay và không vượt quá khả năng tài chính của nhiều gia đình.
Trong khi nhu cầu làm mát bền vững cho đô thị đang ngày càng trở nên bức thiết thì việc tăng cường các mảng xanh đô thị liên quan đến hình thức tường xanh - tường sống là giải pháp được cho khá tối ưu nhưng lại chưa được xem trọng. Bao giờ thì giải pháp này được đưa vào quy định thiết kế đô thị? Bao giờ thì chủ nhân các căn hộ phải chịu bị đánh thuế nếu không phát triển các mảng xanh như một số quốc gia? Câu trả lời dường như còn bỏ ngỏ.