Môi trường

Tạo không gian cho doanh nghiệp áp dụng kinh tế tuần hoàn

Khánh Ly 12/06/2023 - 15:44

(TN&MT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH). Nghị định này sẽ là cơ sở để các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm sớm thử nghiệm các ý tưởng, sáng kiến KTTH trong thời gian tới, đồng thời, tạo điều kiện để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho KTTH tại Việt Nam.

Thông tin do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) – đơn vị trực tiếp xây dựng dự thảo Nghị định – đưa ra tại Diễn đàn “Cơ chế thử nghiệm phát triển KTTH tại Việt Nam” sáng 12/6, tại Hà Nội.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề xuất sẽ thử nghiệm phát triển KTTH trên 4 lĩnh vực, bao gồm: Nông, lâm nghiệp, và thủy sản; Công nghiệp; Năng lượng; Vật liệu xây dựng.

Có 6 nhóm chính sách được đưa vào cơ chế bao gồm: Chính sách khu công nghiệp, khu kinh tế; Chính sách phân loại xanh; Chính sách tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ; Chính sách tín dụng xanh, trái phiếu xanh; Chính sách đào tạo lao động; Chính sách đất đai.

img_2873.jpg
Quang cảnh Diễn đàn

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Quyết định 687/QĐ-TTg của Chính phủ ngày 7/6/2022 phê duyệt Đề án phát triển KTTH ở Việt Nam đã nhấn mạnh tư duy hướng tới khía cạnh “kinh tế” của mô hình KTTH. Có thể nói, Đề án là một trong những nỗ lực quan trọng đầu tiên nhằm xác định lộ trình, yêu cầu và định hướng phát triển KTTH ở Việt Nam.

Tuy nhiên, để sớm hiện thực hóa lợi ích từ KTTH cần tạo động lực cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện chuyển đổi, sáng tạo mô hình KTTH. Đặc biệt là với một số ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng như nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, vật liệu xây dựng...

“Do KTTH gắn với tư duy thiết kế mới, có ứng dụng đổi mới sáng tạo và liên quan đến nhiều mảng chính sách khác nhau, cách tiếp cận tuần tự, truyền thống nhằm hoàn thiện các nội dung chính sách liên quan là cần thiết, song không đủ. Đặc biệt, bối cảnh phục hồi kinh tế của đất nước nói chung và khó khăn nghiêm trọng đối với các ngành kinh tế trong các tháng đầu năm 2023 nói riêng cũng đòi hỏi phải nhanh chóng tạo thêm động lực mới cho DN, nhà đầu tư, người lao động thông qua các chính sách thúc đẩy “phục hồi xanh” mang tính đột phá” – bà Minh khẳng định. Theo đó, nội dung xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển KTTH – nhằm tạo lập khung thử nghiệm chính sách cho phát triển KTTH ở một số ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng – chính là một yêu cầu quan trọng.

Chia sẻ về một số nội dung của cơ chế thử nghiệm, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban nghiên cứu tổng hợp, CIEM cho biết: Đối với chính sách khu công nghiệp, khu kinh tế, CIEM đề xuất cho phép dự án KTTH tham gia Cơ chế thử nghiệm có các cấu phần công nghiệp - năng lượng và dịch vụ với tổng tỷ trọng ít nhất 50% trong tổng doanh thu được phép thực hiện trong khu công nghiệp, khu kinh tế và được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp, khu kinh tế. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài làm việc, hoạt động đầu tư dự án kinh tế tuần hoàn tại khu công nghiệp, khu kinh tế và các thành viên gia đình của họ được tạm trú, thường trú trong khu công nghiệp, khu kinh tế và ở Việt Nam theo quy định pháp luật.

ktth-1-.jpg
Mô hình kinh tế tuần hoàn khép kín so với mô hình kinh tế tuyến tính

Với chính sách phân loại xanh, CIEM đề xuất, Nghị định sẽ đề ra phạm vi của các dự án kinh tế tuần hoàn xanh toàn phần và dự án kinh tế tuần hoàn xanh bán phần, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn cụ thể nội dung này.

Với chính sách tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, CIEM đề xuất, dự án KTTH tham gia cơ chế thử nghiệm được nhà nước, chính quyền địa phương tư vấn giới thiệu công nghệ, hỗ trợ 50% chi phí chuyên gia tư vấn công nghệ. Các dự án nhận chuyển giao công nghệ được nhà nước miễn thuế nhập khẩu, chuyển giao trang thiết bị công nghệ phục vụ dự án tham gia cơ chế thử nghiệm, ưu tiên thông quan hàng hóa. Nhà nước cũng hỗ trợ tối đa 50% chi phí cho doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để thực hiện dự án KTTH.

Đối với chính sách tín dụng xanh, trái phiếu xanh, dự án KTTH được quyền tiếp cận các nguồn vốn thông thường và xanh. Dự án KTTH xanh toàn phần không được tính trong chỉ tiêu tín dụng được Ngân hàng Nhà nước phân bổ cho các tổ chức tín dụng. Dự án KTTH tham gia Cơ chế thử nghiệm được tiếp cận vốn thông qua trái phiếu xanh, song có đạt ra các giới hạn cụ thể và bảo đảm các quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu.

Trong chính sách phát triển nguồn nhân lực, Nhà nước hỗ trợ tối đa 70% tổng chi phí cho một khóa quản trị doanh nghiệp cho Tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm; hỗ trợ 50% chi phí đào tạo nghề, chi phí chuyển đổi nghề nghiệp nhưng không vượt quá 3 tháng lương cơ sở cho mỗi người lao động tại khu vực triển khai dự án. Nhà nước, chính quyền địa phương thực hiện đảm bảo, kết nối các đơn vị cung ứng lao động, trường nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học với tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm và các hoạt động hỗ trợ khác theo quy định bảo đảm nguồn lao động đúng chất lượng, đủ số lượng yêu cầu cho thực hiện dự án KTTH.

Với chính sách đất đai, CIEM đề xuất, tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm được phép sử dụng đất mục đích hỗn hợp, tích hợp đa năng bao gồm cả phần mái, mặt nước, hàng rào xung quanh bên trong ranh giới quy hoạch dự án KTTH tham gia Cơ chế thử nghiệm; được phép điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất đối với phần đất trong ranh giới, chỉ giới quy hoạch dự án.

Chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố ưu tiên sử dụng mặt bằng sạch có sẵn, chịu trách nhiệm giải phóng sạch mặt bằng trong trường hợp nhà đầu tư ứng tiền giải phòng mặt bằng khu đất tại địa phương có vị trí, địa hình, đặc điểm phù hợp với quy mô dự án kinh tế tuần hoàn được cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm dự kiến để triển khai xây dựng dự án...

Ông Dương cho rằng, cách hiểu và tư duy quản lý đối với các lĩnh vực tham gia Cơ chế thử nghiệm không chỉ dựa vào tư duy quản lý ngành truyền thống. Nguyên nhân là do các mô hình kinh tế tuần hoàn mới, hiện đại có thể có sự gắn kết của nhiều hoạt động kinh tế thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, dự án kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp có thể bao gồm các cấu phần về năng lượng sinh khối, dịch vụ chế biến nông sản...

Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế đến từ nhiều đơn vị có liên quan đã chia sẻ những góc nhìn về thực trạng, các rào cản và đề xuất được các chính sách phù hợp cho phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; đề xuất những vấn đề cần đưa vào cơ chế thử nghiệm để phát huy hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong giai đoạn.

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, CIEM sẽ hoàn thiện Dự thảo Nghị định trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để Bộ trình Chính phủ trong thời gian tới.

Khánh Ly