Trong nước

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước tạo động lực xây dựng con người mới

PGS. TS Đỗ Xuân Tuất, ThS Nguyễn Thị Thu Trang - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh 11/06/2023 - 10:37

(TN&MT) - Trên con đường phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, việc vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, tạo động lực xây dựng con người mới trong tình hình hiện nay, càng trở nên quan trọng, cần thiết hơn bao giờ hết.

z4422029758007_3d29125873415c2ce003dd75a0e151f6.jpg
Tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2023)

Cách đây 75 năm, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Toàn quốc kháng chiến, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc", phát động phong trào thi đua ái quốc trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, nhằm đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, mục đích của thi đua ái quốc nhằm chiến thắng giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, và còn để “chiến thắng mọi tính xấu trong mình ta”(1). “Thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, ích lợi cho giai đình mình và ích lợi cho làng, cho nước, cho dân tộc” (2). Qua đó giáo dục, bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người, tạo động lực cho thắng lợi của cách mạng.

z4422029749506_5067dc315392e882056aaa8ca4917f4b.jpg
Bản chụp Lời kêu gọi Thi đua ái quốc và bút tích viết tay của Bác

Thi đua yêu nước là động lực xây dựng con người mới

Triết lý tạo động lực trong phong trào thi đua yêu nước của Hồ Chí Minh là: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” (3); “Thi đua phải toàn dân, toàn diện”, “Thi đua là phải trường kỳ” và “Công việc hằng ngày chính là nền tảng của thi đua” (4); “Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của Đời sống mới, nền tảng của Thi đua ái quốc” (5); “Thi đua để đoàn kết, đoàn kết để thi đua” (6); “Thi đua là cải tạo con người” (7),…

Để giáo dục, xây dựng con người mới trong phong trào thi đua yêu nước, Hồ Chí Minh có những quan điểm toàn diện, sâu sắc.

Một là: phải có kế hoạch, nguyên tắc, phương châm đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tạo động lực xây dựng con người mới

Trong lãnh đạo phong trào thi đua yêu nước, Người đòi hỏi Đảng phải có kế hoạch đúng, kế hoạch đó “phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm. Nghĩa là phải làm sao cho mỗi nhóm, mỗi người tự giác tự động” tham gia phong trào thi đua. Thi đua phải có phương hướng đúng và vững. Nghĩa là phải nâng cao lòng yêu nước nồng nàn và giác ngộ chính trị của mọi người. Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ; đoàn kết chặt chẽ “để thi đua mãi”.

Hai là: lấy tinh thần yêu nước làm nền tảng để phát động, xây dựng phong trào thi đua và qua thi đua yêu nước để bồi bổ lực lượng cách mạng

Hồ Chí Minh khẳng định: "Thi đua là yêu nước; yêu nước thì phải thi đua, và những người thi đua là những người yêu nước nhất" (8). Người lấy thi đua làm động lực phát huy lòng yêu nước, làm cho lòng yêu nước của nhân dân ta thể hiện bằng hành động thực tế trong công tác, học tập, lao động sản xuất, chiến đấu. Người đặt tên phong trào thi đua của nhân dân ta là phong trào thi đua ái quốc và biến thi đua yêu nước thành sức mạnh của toàn dân tộc.

Ba là: quan tâm bồi dưỡng và nêu gương “người tốt, việc tốt” trong phong trào thi đua ái quốc

Với tinh thần lấy dân làm gốc, Hồ Chí Minh luôn quan tâm, quý trọng những tấm gương “người tốt, việc tốt”. Người chỉ rõ: “Mỗi con người đều có thiện ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nẩy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”. Theo Hồ Chí Minh, cần phải “lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới” (9).

Để có nhiều tấm gương “người tốt, việc tốt”, Hồ Chí Minh không chỉ khen ngợi, biểu dương mà còn giáo dục, động viên, khuyến khích mọi người thường xuyên tu dưỡng phẩm chất đạo đức, cố gắng học tập nâng cao trình độ về mọi mặt. Đa dạng hóa các hình thức thi đua, khen thưởng, Hồ Chí Minh đề nghị cho xuất bản sách “Người tốt, việc tốt”. Bác đã kịp thời và trực tiếp tặng thưởng gần 4000 huy hiệu của Người cho những tấm gương người tốt trong các phong trào thi đua yêu nước.

3.-xa-hop-thanh-huyen-phu-luong-tinh-thai-nguyen-la-noi-duoc-bac-ho-chon-to-chuc-dai-hoi-chien-sy-thi-dua-toan-quoc-lan-thu-nhat.jpg
Xã Hợp Thành, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên là nơi được Bác Hồ chọn tổ chức Đại hội chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước làm động lực xây dựng con người mới giai đoạn hiện nay

75 năm đã trôi qua kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948), thi đua yêu nước đã trở thành nhân tố quan trọng, góp phần làm nên những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam.

Tư tưởng và tấm gương thi đua yêu nước của Nhà ái quốc vĩ đại Hồ Chí Minh đã khơi nguồn động lực cho phong trào thi đua thiết thực để đào tạo, bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp cách mạng. Vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới đất nước gần 40 năm qua, phong trào thi đua yêu nước do Đảng lãnh đạo, dưới áng sáng soi đường của tư tưởng Hồ Chí Minh, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các phong trào thi đua đã bám sát nhiệm vụ chính trị, gắn với "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Các ngành, các cấp, các địa phương có nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, tiêu biểu như: phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo"; "Năng suất, chất lượng, hiệu quả"; "Tuổi trẻ xung kích, tình nguyện"; "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; "Dạy tốt, học tốt"; phong trào thi đua "Quyết thắng"; "Vì an ninh Tổ quốc"; "Dân vận khéo"; "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"; "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển"; "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hoá công sở",…

Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt hành động vì lợi ích chung. Thi đua yêu nước đã thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân phát huy tài năng, trí tuệ, sáng kiến, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

5.-thuc-day-pttd-yeu-nc-gop-phan-phat-trien-ktxh.jpg
Học tập và làm theo lời dạy của Bác, toàn Đảng, toàn dân ta không ngừng thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước

Hiện nay, khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang đẩy mạnh thực hiện Kết luận 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thì việc vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, tạo động lực xây dựng con người mới trong tình hình hiện nay, càng trở nên quan trọng, cần thiết hơn bao giờ hết.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững” (10). Việc Đảng ta đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển, của phong trào thi đua yêu nước trong tình hình mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh, một lần nữa, khẳng định vai trò to lớn, ý nghĩa quyết định của thi đua yêu nước đối với thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, nhằm xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Chú thích:

1-9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, (tập 6, tr.167; tập 6, tr 170; tập 7, tr 407; tập 6, tr 169; tập 6, tr 117; tập 12, tr 143; tập 7, tr 408; tập 7, tr. 406; tập 15, tr 672)

10. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 215-216.

PGS. TS Đỗ Xuân Tuất, ThS Nguyễn Thị Thu Trang - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh