Quan tâm phát triển kinh tế gắn với môi trường tại Vùng đồng bằng sông Hồng
Nhiều địa phương tại Vùng Đồng bằng sông Hồng đang tập trung phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Đây là nội dung thông tin được trao đổi tại Hội thảo Vùng đồng bằng sông Hồng về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và giới thiệu Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI), do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI cho biết: Xu hướng chung của thế giới là phát triển xanh. Do đó, thu hút đầu tư thời gian tới của Việt Nam cũng được định hướng xanh hơn, có chất lượng và công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho nền kinh tế. Điều đó đòi hỏi các địa phương phải chủ động, sáng tạo trong hoạch định các chính sách thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ môi trường.
Tại Hội nghị COP26 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có tuyên bố mạnh mẽ về mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Điều này thể hiện cam kết chính trị và quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc đẩy mạnh chuyển đổi nền kinh tế, góp phần giải quyết những thách thức lớn toàn cầu về biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường hiện nay. Đây là một bước tiếp theo quan trọng của tiến trình hội nhập mạnh mẽ khi Việt Nam đã là một thành viên chủ động và tích cực của thế giới.
Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang cho rằng, những năm qua, địa phương luôn nhận thức một cách rõ ràng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển của tỉnh để hướng tới xây dựng một môi trường xanh song hành với một nền kinh tế-xã hội vững mạnh và văn minh.
Theo đó, kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều nỗ lực trong việc giám sát, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các làng nghề và sự phát triển nhanh chóng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
"Vĩnh Phúc đã vinh dự nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc năm 2022 (trong đó xếp thứ 9/63 về Chỉ số Xanh PGI) do VCCI bình chọn. Kết quả này ghi nhận sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị tỉnh và cũng là động lực to lớn để Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội gắn liền với bảo vệ môi trường", ông Vũ Chí Giang thông tin.
Bà Vũ Thị Kim Chi, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh là trung tâm sản xuất nhiệt điện than lớn nhất cả nước, để phát huy đầy đủ các tiềm năng khác biệt của địa phương, tạo đột phá phát triển nhanh và bền vững, Quảng Ninh đã chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh" theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột, bao gồm: Thiên nhiên, con người và văn hóa.
Tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch triển khai kết quả dự án thúc đẩy tăng trưởng xanh. Hằng năm, tỉnh chi không dưới 3% tổng chi ngân sách địa phương cho công tác môi trường. Đồng thời, quan tâm sử dụng nguồn kinh phí thu được từ phí, thuế bảo vệ môi trường.
TS. Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng, phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường cũng là mục tiêu mà tỉnh Bắc Ninh đang hướng tới trong những năm qua.
Theo ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng ban Ban pháp chế VCCI: Để đồng hành cùng các địa phương trong bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh, Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) lần đầu được giới thiệu trong Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 công bố vào tháng 4/2023. Chỉ số PGI cung cấp thông tin đầu vào phục vụ hoạch định chính sách ở cấp Trung ương và địa phương, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và tính bền vững của doanh nghiệp
Nếu chỉ số PCI là chỉ số đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế địa phương dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh thì chỉ số PGI là chỉ số đánh giá và xếp hạng chất lượng quản trị môi trường địa phương dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh.
Bà Đặng Hồng Hạnh, Đồng sáng lập - Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn năng lượng và môi trường (VNEEC) cho biết, để đạt được mục tiêu net-zero vào năm 2050, tăng trưởng xanh là một nhiệm vụ phức tạp và đòi hỏi sự hợp tác của nhiều bên liên quan và nhiều cấp, ngành, doanh nghiệp và cộng đồng, trong đó vai trò của các địa phương là thiết yếu.
Cũng tại Hội thảo, các tham luận tại sự kiện đều khẳng định, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững đang là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo đó, để đạt được mục tiêu này, nhiều địa phương cũng đang tích cực lồng ghép các chính sách phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.