Tài nguyên nước

Góp ý kiến đề xuất xây dựng Luật Cấp thoát nước

Việt Anh 10/06/2023 - 06:47

(TN&MT) - Ngày 9/6, tại Quảng Ninh, Bộ Xây dựng phối hợp với Hội Cấp thoát nước Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý kiến đề xuất chính sách xây dựng Luật Cấp thoát nước.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) - Đơn vị chủ trì soạn thảo xây dựng dự án Luật Cấp thoát nước cho biết, hiện toàn quốc có hơn 750 nhà máy sản xuất nước sạch và 80 nhà máy xử lý nước thải. Số lượng các công ty này còn khá ít so với nhu cầu của gần 100 triệu dân. Bên cạnh đó, trước tốc độ đô thị hóa, tốc độ phát triển dân số cơ học tại các đô thị lớn đã bộc lộ nhiều bất cập của công tác cấp, thoát nước. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng dự án Luật Cấp thoát nước.

Thực hiện yêu cầu được giao, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tích cực rà soát, tổng hợp và đánh giá ý kiến của các địa phương cùng với 20 Bộ Luật có liên quan (trong đó có 14 Luật tác động trực tiếp đến Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch và Nghị định số 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải).

z4416884699556_71e9d56eea9b6629fbe41f42f0cbe12d.jpg
Ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) phát biểu

Đồng thời, Bộ Xây dựng đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban ngành Trung ương, các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp ngành nước nghiên cứu xây dựng dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước, gồm có: dự thảo đánh giá, tổng kết các khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành pháp luật về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải; dự thảo các vấn đề xây dựng điều chỉnh cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải; dự thảo Đề cương chi tiết Luật điều chỉnh về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải; kinh nghiệm quốc tế hiện đang phối hợp với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, GIZ, JICA hỗ trợ trong quá trình thực hiện.

Theo đó, Cục Hạ tầng kỹ thuật đã xây dựng dự thảo đề án Luật gồm 7 Chương, 69 Điều, cơ bản đưa ra 5 nhóm vấn đề để giải quyết các bất cập, tồn tại.

Tại hội thảo, các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, đơn vị cấp, thoát nước đã chia sẻ về những bất cập trong công tác cấp, thoát nước và có đề xuất, kiến nghị góp ý xây dựng dự thảo Đề án Luật. Trọng tâm là cần có sự đồng bộ giữa Luật Cấp, thoát nước với các Luật khác có liên quan; đánh giá tác động của chính sách xã hội hóa trong cấp thoát nước; đưa chính sách đầu tư riêng đối với cấp nước và thoát nước.

z4416884736859_42b9084b1d90bf3b1255744483a1fd08.jpg
Toàn cảnh Hội thảo

Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, nội dung xây dựng Luật cần quy định rõ hơn cơ chế phối hợp liên ngành để giải quyết các sự cố liên quan đến cấp, thoát nước; quy hoạch cấp, thoát nước nên lồng ghép vào quy hoạch cấp tỉnh để các địa phương chủ động trong quá trình triển khai thực hiện; nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong quá trình thực hiện; đảm bảo hướng đến các dịch vụ cấp nước tốt nhất cho người dân;  đưa ra những quy định về ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực cấp, thoát nước, về quản lý, duy tu, bảo trì hệ thống thoát nước; xây dựng cơ sở hệ thống dữ liệu cấp, thoát nước.

Bà Nguyễn Bích Nguyệt (Vụ Nguồn nước và nước sạch nông thôn, Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, toàn quốc hiện có gần 18.000 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung bảo đảm cấp nước sạch cho 44% dân số nông thôn. Tuy nhiên, công tác cấp nước sạch còn nhiều khó khăn. Do đó, đại diện Cục Thủy lợi đề xuất cần có chương quy định riêng về nội dung cấp nước sạch nông thôn trong Luật Cấp thoát nước để bảo đảm thực hiện việc phát triển cấp nước sạch nông thôn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong giai đoạn tới.

Trong khi đó, đại diện Công ty cổ phần Cấp nước Hải Phòng nêu một số khó khăn, bất cập trong việc đầu tư, phát triển hệ thống cấp nước, việc phân vùng phục vụ cấp nước; quản lý, vận hành hệ thống cấp nước...Đồng thời đơn vị đề xuất cần có khung chính sách để bảo vệ nguồn nước thô; có sự thống nhất trong quy hoạch, quản lý nguồn nước, cấp nước giữa các bộ, ngành và được thống nhất, cụ thể hóa trong Luật Cấp thoát nước; quy định cụ thể, phù hợp về các điều kiện kinh doanh nước sạch...

Góp ý kiến cho dự thảo Luật, ông Phan Hoài Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội nêu thực tế chưa có quy định đối với bùn thải được thu gom từ quá trình nạo vét hệ thống thoát nước đô thị nên các đơn vị thoát nước gặp nhiều khó khăn trong công tác phân định, phân loại, lựa chọn phương pháp xử lý đối với bùn thải được thu gom. Bên cạnh đó, ông Phan Hoài Minh cũng đưa ra các bất cập trong việc xây dựng lộ trình giá dịch vụ thoát nước, quá trình xây dựng, thực hiện hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước và hợp đồng dịch vụ thoát nước...

Chính bởi vậy, ông Phan Hoài Minh đề xuất bổ sung các quy định lựa chọn đơn vị thoát nước, quy định về xả thải tại điểm đấu nối đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ, thực phẩm; quy định về hành lang bảo vệ hệ thống thoát nước đô thị; trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong công tác chống vi phạm, lấn chiếm...

Ghi nhận các ý kiến góp ý, đại diện Bộ Xây dựng cho biết thời gian tới đây, đơn vị này sẽ tổ chức các hội thảo tương tự tại khu vực miền Trung và miền Nam, bảo đảm việc xây dựng, hoàn thiện dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước trên cơ sở tham vấn, tiếp thu ý kiến rộng rãi ở các vùng miền, các địa phương trên cả nước.

Việt Anh