Môi trường

Chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới trên vịnh Bắc Bộ, tránh thiệt hại nghiêm trọng về người

Theo Chinhphu.vn 09/06/2023 - 20:57

Trong 24 giờ tới, vùng áp thấp trên khu vực phía Bắc của vịnh Bắc Bộ có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Văn phòng Thường trực BCĐ Quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương chủ động ứng phó, tránh thiệt hại nghiêm trọng về người trên biển như áp thấp nhiệt đới năm 1996 trên vịnh Bắc Bộ gây ra.

Chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới trên vịnh Bắc Bộ, tránh thiệt hại nghiêm trọng về người - Ảnh 1.

Áp thấp nhiệt đới gây mưa dông mạnh, có khả năng xảy ra lốc xoáy, gió giật mạnh, ảnh hưởng tới tàu thuyền trên vịnh Bắc Bộ

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hồi 13 giờ (09/6), vùng áp thấp trên khu vực phía Bắc của vịnh Bắc Bộ có vị trí ở vào khoảng 21,0-22,0 độ Vĩ Bắc; 108,0-109,0 độ Kinh Đông.

Dự báo, trong 24 giờ tới, vùng áp thấp tiếp tục ít di chuyển, có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Cảnh báo tác động, trên vịnh Bắc Bộ có mưa dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-7, ảnh hưởng tới tàu thuyền hoạt động trên khu vực vịnh Bắc Bộ.

Mưa vừa, mưa to và dông mạnh, gió giật mạnh có khả năng xảy ra ở khu vực các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ.

Ngoài ra do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam có cường độ trung bình đến mạnh nên trong đêm 09 và ngày 10/6, ở vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan và khu vực Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-7.

Trong đêm 09 và ngày 10/6, ở vùng biển từ Khánh Hòa đến Cà Mau và vùng biển phía Tây Nam của khu vực giữa Biển Đông có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; sóng biển cao từ 2,0-3,5m; biển động.

Dự báo mưa lớn

Từ chiều tối ngày 08/6 đến sáng ngày 09/6, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; lượng mưa tính từ 19h ngày 08/6 đến 08h ngày 09/6 phổ biến từ 40-100mm, có nơi trên 100mm như: Mường Sai (Sơn La) 156.4mm, Đông Bắc (Hoà Bình) 135.2mm, Minh Quang (Vĩnh Phúc) 195.3mm, Phúc Sơn (Yên Bái) 114.0mm, Sơn Tây (Hà Nội) 101mm, Trung Lý (Thanh Hoá) 137.6mm, Quỳ Châu (Nghệ An) 168.8mm,…

Từ chiều ngày 09 đến ngày 11/6, ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 40-90mm, có nơi trên 130mm (mưa tập trung vào chiều và tối).

Khu vựcThời gian ảnh hưởngTổng lượng (mm)
Khu vực Bắc Bộ, Thanh HóaTừ 07h - 19h/09/620-40mm, có nơi trên 60mm
Tây Nguyên và Nam BộTừ 13h/09/6-07h/10/615-30mm, có nơi trên 50mm
Tây Nguyên và Nam BộTừ 07h/10/6-19h/11/620-50mm, có nơi trên 80mm

Cảnh báo: Mưa dông và mưa to cục bộ ở Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 13/6 (mưa tập trung vào chiều và tối). Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Chủ động ứng phó với mưa lớn và nguy cơ lũ quét, sạt lở ở các huyện miền núi Thanh Hóa

Sáng 9/6, theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn Thanh Hóa, ở khu vực tỉnh tiếp tục có mưa, cục bộ có nơi mưa vừa đến mưa to; dự báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở, sụt lún đất ở các huyện miền núi.

Tổng lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 8/6 đến 9 giờ ngày 9/6 tại các trạm khí tượng thủy văn phổ biến từ 30 - 80 mm. Một số điểm đo mưa tự động có lượng mưa lớn hơn như: Lang Chánh 125,6 mm, Thiết Kế (Bá Thước) 125,4 mm, Trung Lý (Mường Lát) 121,2 mm, xã Na Mèo (Quan Sơn) 104 mm...

Dự báo từ ngày 11-13/6, khu vực Thanh Hóa tiếp tục có mưa, mưa vừa với lượng mưa phổ biến từ 30 - 150 mm. Mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng. 

Đặc biệt, các huyện miền núi Bá Thước, Lang Chánh, Quan Sơn, Quan Hóa, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Mường Lát, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Như Xuân có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở, sụt lún đất.

Để chủ động ứng phó với vùng áp thấp có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Các đơn vị theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới; tổ chức kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên khu vực vịnh Bắc Bộ, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của vùng áp thấp để chủ động phòng tránh, điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp.

Bên cạnh đó, các đơn vị tăng cường kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu.

Chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới trên vịnh Bắc Bộ, tránh thiệt hại nghiêm trọng về người - Ảnh 2.

Kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền ra khơi, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã có văn bản yêu cầu các địa phương từ Quảng Ninh đến Quảng Bình, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cục Kiểm ngư, Thủy sản yêu cầu chủ động ứng phó với vùng áp thấp có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Văn bản nêu rõ, để chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, tránh thiệt hại nghiêm trọng về người trên biển như áp thấp nhiệt đới năm 1996 trên vịnh Bắc Bộ gây ra; Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã có văn bản số 204/VPTT ngày 8/6/2023 gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình.

Văn phòng Thường trực đề nghị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Tổ chức kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên khu vực vịnh Bắc Bộ, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của vùng áp thấp để chủ động phòng tránh, điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp. 

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống. 

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường thông tin về diễn biến của vùng áp thấp đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó. 

Trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn./. 

Theo Chinhphu.vn