SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI 2013

Đại biểu Quốc hội tổ 10 thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Theo Quochoi.vn 09/06/2023 19:56

(TN&MT) - Tổ 10, gồm Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, Đoàn ĐBQH Thái Bình, Đoàn ĐBQH Đồng Tháp. Đa số đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra đã rất nỗ lực nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của Nhân dân, ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến các cơ quan của Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật có bước tiến quan trọng về chất lượng trình Quốc hội.

090620230231-cqh_4000.jpg
Các Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ 10 về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Tổ 10, gồm Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, Đoàn ĐBQH Thái Bình, Đoàn ĐBQH Đồng Tháp. Đa số đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra đã rất nỗ lực nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của Nhân dân, ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến các cơ quan của Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật có bước tiến quan trọng về chất lượng trình Quốc hội.

Đề nghị có chính sách ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Tổ 10, một số đại biểu quan tâm góp ý kiến về trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, đề nghị có chính sách ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số là người nghèo, hộ gia đình nghèo trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất sản xuất; bố trí đất xây dựng công trình văn hóa, nghệ thuật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Khoản 1 Điều 17 về trách nhiệm quản lý của nhà nước đối đất của đồng bào dân tộc thiểu số quy định: “Có chính sách bảo đảm đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng”.

090620230243-cqh_4076.jpg
Đại biểu Quốc hội Tráng A Dương 

Cho ý kiến về quy định này, đại biểu Tráng A Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết nội dung này đã được chỉnh lý theo hướng thu hẹp phạm vi đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chỉ phù hợp với điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, đối với đất ở. Việc điều chỉnh này là hợp lý, tuy nhiên về chính sách đối với đất ở đồng bào dân tộc thiểu số chỉ áp dụng với điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là chưa thực sự phù hợp.

Đại biểu Tráng A Dương cho biết, trong thực tế chỉ có các xã khu vực I bước đầu phát triển hoặc xã nông thôn mới cơ bản đủ đất sinh hoạt cộng đồng, còn nhiều xã khu vực II chưa đủ đất sinh hoạt cho cộng đồng. Do đó nếu không có ưu tiên sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện đối với địa bàn này.

Tại khoản 2, Điều 17 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: Có chính sách ưu tiên cho cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có đất để sản xuất, đảm bảo sinh kế thông qua các hình thức: Giao đất lần đầu không thu tiền sử dụng đất trong hạn mức đối với trường hợp chưa được giao đất để sản xuất; Cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm và thực hiện chính sách miễn tiền thuê đất đối với những trường hợp đã được Nhà nước giao đất sản xuất nhưng thiếu đất sản xuất so với hạn mức.

Góp ý về quy định này, đại biểu Tráng A Dương cho biết, nội dung này đã được chỉnh lý đối tượng chính sách từ sản xuất trực tiếp nông nghiệp ở nông thôn có sản xuất nông nghiệp, thành cá nhân thuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nghĩa là phạm vi từ khu vực nông thôn đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Việc thu hẹp các xã, thôn đặc biệt khó khăn nhưng Chính phủ không lý giải được nguyên nhân tại sao trong báo cáo đánh giá tác động của chính sách không đề cập đến nội dung này.

Đại biểu Tráng A Dương nêu thực tế, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hộ dân, cá nhân thuộc diện nghèo, đối tượng cần được ưu tiền, hỗ trợ sản xuất, nếu địa phương không còn quỹ đất để tạo sinh kế thu nhập như quy định tại khoản 2 Điều 17, thì đối tượng hộ gia đình nghèo dân tộc thiểu số tại các xã khu vực I, khu vực II sẽ không được hưởng chính sách; Quy định này sẽ có tác động tương tự như Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, khi phân định xã vùng DTTS&MN (theo 03 khu vực) đã làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện chính sách đối với nhiều đối tượng tại các địa bàn bị điều chỉnh.

Từ những phân tích ở trên, đại biểu Tráng A Dương đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, giữ nguyên khoản 1 Điều 17 như luật hiện hành; đồng thời chỉnh lý theo hướng ưu tiên chính sách đất ở đối với cá nhân được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 157. Đồng thời, tại khoản 2 Điều 17 đề nghị kế thừa quy định của Luật Đất đai năm 2013 và chỉnh lý lại như sau: “Có chính sách ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số là người nghèo, hộ gia đình nghèo trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất sản xuất, đảm bảo sinh kế thông qua các hình thức như mục a và b khoản 2 Điều 17.

Về nội dung đất nông lâm trường bàn giao cho địa phương, đại biểu Tráng A Dương cơ bản nhất trí giải trình của Chính phủ: đất có nguồn gốc từ nông lâm trường bàn giao cho địa phương và ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, kết quả thực hiện trong thời gian qua tại các địa phương rất hạn chế; việc bàn giao đất cho các hộ dân tộc thiểu số chủ yếu là đất nghèo kệt, không thể canh tác… đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu và chỉnh lý về quy định này.

Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thiết kế 1 điều quy định riêng về chính sách ưu tiên về đất đai đối với đồng bào, đặc biệt là chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất đối với mục đích đất ở khi cấp giấy chứng nhận lần đầu đối với đất trong hạn mức đất khi được cấp giấy chứng nhận đất lần đầu trong chuyển đổi mục đích từ đất không phải là đất sản xuất sang đất ở.

Đây cũng là chính sách được quy định tại Điều 11, Điều 12 của Nghị định 45 của Chính phủ quy định về thu tiền đất, tuy nhiên Nghị định mới chỉ cho phép áp dụng những trường hợp do tách hộ và quy định 2 mức là: miễn sử dụng đất đối với các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi; giảm 50% tiền sử dụng đất đối với các địa bàn còn lại. Đại biểu đề nghị nâng tầm đưa vào quy định trong dự thảo Luật Đất đai, mở rộng đối tượng cho phép áp dụng đối với các trường hợp được tặng, cho hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất về miễn giảm, giảm sử dụng đất phù hợp với vùng đồng bào đặc biệt khó khăn.

090620230234-cqh_4298.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa 

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đồng tình với quan điểm của đại biểu Tráng A Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với đất đai vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Điều 17. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo bổ sung vào khoản 1, điều 17 và nội dung tại điều 120 liên quan đến bố trí đất xây dựng công trình văn hóa, nghệ thuật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đại biểu, chúng ta đang tập trung phát triển toàn diện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, quan tâm đến vấn đề văn hóa là rất cần thiết.

Liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị rà soát, thiết kế lại Điều 17 theo hướng khoản 1 quy định chính sách về đất cho cộng đồng và khoản 2 quy định chính sách về đất cho hộ gia đình, cá nhân. Giữ nguyên quy định tại khoản 1 Điều 17 dự thảo Luật như khoản 1 Điều 27 Luật Đất đai năm 2013, chính sách ưu tiên về đất ở đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số đã được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 157. Kế thừa quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật Đất đai năm 2013, chỉnh sửa khoản 2 Điều 17 dự thảo Luật để quy định về chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số là người nghèo, hộ gia đình nghèo và chỉnh lý đồng bộ khoản 2 Điều 49; đồng thời tiếp tục rà soát, nghiên cứu quy định các chính sách đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số.

090620230230-cqh_3981.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn An

Rà soát quy định về quỹ phát triển đất và tổ chức phát triển quỹ đất

Góp ý về một số nội dung cụ thể của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Văn An – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, dự thảo Luật Đất dai (sủa đổi) sử dụng cụm từ “có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước” tại các Điều 37, 43, 91, 94. Nhưng trong phần giải thích từ ngữ tại Điều 3 không có định nghĩa để có cách hiểu thống nhất tại dự thảo Luật.

Qua rà soát, đại biểu Nguyễn Văn An cho biết chưa có văn bản hướng dẫn trong lĩnh vực đất đai về “có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước”, do vậy cách hiểu mà không thống nhất sẽ ảnh hưởng đến tính khả thi của luật, áp dụng nó cũng khó khăn, thậm chí là “tắc” vì mỗi người hiểu một kiểu.

Đối với quy định về Quỹ phát triển đất (Điều 113), khoản 3 quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất.”. Đối chiếu với quy định tại Luật Ngân sách quy định: “Các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể”.

Đại biểu Nguyễn Văn An nêu quan điểm, khoản thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm là khoản thu ngân sách nhà nước được cân đối chung cho các nhiệm vụ chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Việc quy định phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất liệu có phù hợp với quy định như trên hay chưa?; đề nghị ban soạn thảo cân nhắc kỹ để đảmbảo đồng bộ, thống nhất.

Góp ý về Tổ chức phát triển quỹ đất (Điều 115), một số ý kiến cho rằng, Tổ chức phát triển quỹ đất chỉ nên là mô hình đơn vị sự nghiệp công lập, có như vậy mới là cánh tay nối dài của Nhà nước. Nếu là mô hình doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sẽ không đúng tôn chỉ, mục đích của tổ chức phát triển quỹ đất. Do đó, đại biểu đề nghị chưa quy định tại Dự thảo Luật, giao Chính phủ quy định chi tiết; hoặc đối với những vấn đề mới có thể tiến hành thí điểm, tổng kết, đánh giá; chỉ luật hóa khi vấn đề đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm tính đúng đắn.

Quan tâm đến tính minh bạch thông tin, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư...

Tại phiên thảo luận Tổ 10, các vấn đề như minh mạch thông tin về đất đai, công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, xác định giá đất, thu hồi đất, miễn giảm tiền cho thuê đất, sử dụng đất, nhà ở thương mại ở nông thôn và khu vực đô thị… tiếp tục được đại biểu cho ý kiến hoàn thiện dự thảo luật.

090620230226-cqh_3945.jpg
Đại biểu Quốc hội Lý Thị Lan 

Đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nêu một số bất cập trong Luật Đất đai hiện hành, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi phù hợp với thực tiễn. Trong đó, Luật hiện hành chưa có quy định công khai thông tin về Nhà nước giao đất cho thuê đất hay giá đất. Điều này dẫn đến khoảng trống lớn, dễ phát sinh tham nhũng khi người dân không được biết, không giám sát được. Do vậy, cần sửa đổi Điều 24 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo hướng bổ sung thêm 1 mục: “Công bố công khai thông tin kịp thời về giao đất, cho thuê đất hay giao đất cho tổ chức và cá nhân trong quản lý đất đai”.

Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng quy định tại Điều 62 và Điều 73 của Luật Đất đai còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng giữa dự án phát triển kinh tế và dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Cụm từ “phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng" trong Điều 62, Luật Đất đai năm 2013 có thể áp dụng vào bất kỳ dự án nào. Do đó, dự án phát triển kinh tế cần được tách biệt rõ ràng với những dự án công cộng vì lợi ích quốc gia, đại biểu đề nghị nội dung này cần được sửa đổi trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đại biểu Lý Thị Lan cũng cho biết, quy định trong luật hiện hành về công tác bồi thường còn bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu của người bị thu hồi đất và cũng hạn chế các phương án bồi thường của địa phương khi địa phương còn nhiều quỹ đất nhưng không có cùng mục đích sử dụng đất đối với loại đất thu hồi.

090620230246-cqh_4521.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông Lê Minh Hoan, Đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Tháp 

Cũng quan tâm đến quy định thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đại biểu Lại Văn Hoàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, dự thảo luật thu hẹp các trường hợp thu hồi đất sẽ dẫn tới khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các dự án quy mô nhỏ, công trình xã hội hóa, vì vậy, đề nghị tất cả có sử dụng đất đều thực hiện thu hồi đất…

Đối với quy định về bồi thường, đại biểu đề nghị chỉ quy định được bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc bằng tiền hoặc bằng đất trong cùng nhóm đất với loại đất thu hồi, không bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở.

Góp ý quy định về bồi thường, có ý kiến đề nghị phân định rõ thế nào là bồi thường, thế nào là hỗ trợ, trong đó với thiệt hại của người dân và doanh nghiệp thì bắt buộc phải bồi thường, còn hỗ trợ là giúp cho cuộc sống của người bị thu hồi đất tốt hơn; việc bồi thường cũng cần đảm bảo nguyên tắc “bồi thường thỏa đáng”.

Đại biểu Lê Minh Hoan – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu quan điểm, trong dự thảo luật nêu nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đảm bảo người dân có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn sau khi thu hồi đất - đây là vấn đề tưởng đơn giản nhưng không đơn giản.

Theo quy định của dự thảo luật, hàng năm Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành bảng giá đất (trên cơ sở tiến hành khảo sát, điều tra, xây dựng đơn giá bồi thường) nhưng quá trình thực hiện trên thực tế đặt ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu. Bởi việc bồi thường không chỉ căn cứ vào bảng giá đất, mà cần phải tính đến nhiều vấn đề như sinh kế, không gian sống, không gian học tập, phong tục tập quán….của người bị thu hồi đất.

"Cần có cách tiếp cận mới trong đền bù, giải phóng mặt bằng, chừng nào còn tư duy mua bán trong bồi thường, hỗ trợ tái định cư thì chừng đó sẽ thất bại. Vì vậy, lãnh đạo địa phương cần đến từng hộ dân khảo sát, sau đó mới tiến hành áp đơn giá đền bù, đặc biệt lưu ý việc đền bù tính theo chệnh lệch địa tô, không chỉ là đơn giá", đại biểu Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

090620230238-cqh_4625.jpg
Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu đoàn Thái Bình

Ngoài ra, một số ý kiến tại Tổ 10 cũng đề nghị thu hẹp nội dung tại Điều 67 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; sửa đổi một số quy định về đất cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo; đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung, thời hạn sử dụng đất của dự án...

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã khái quát về quá trình tiếp thu ý kiến đại biểu, ý kiến Nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, quán triệt tinh thần định hướng tại Nghị quyết 18 của Trung ương, nhằm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; giải quyết các vấn đề còn bức xúc, bất cập, tồn đọng của luật hiện hành.

090620230241-cqh_4692.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Giang 

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng nêu rõ quan điểm sửa đổi luật, trong đó đất đai là sở hữu toàn dân, nhà nước là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý thông qua quy hoạch, kế hoạch, sử dụng đất, thu hồi, giao đất, cho thuê đất, định giá đất, quản lý sử dụng đất… nhằm bảo đảm lợi ích Nhân dân và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, cơ quan soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý, đã bổ sung 40 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cũng nêu một số vấn đề đại biểu đặt ra tại phiên thảo luận tổ liên quan đến bồi hường, hỗ trợ tái định cư, trong đó nhấn mạnh, việc bồi thường phải đảm bảo cuộc sống tốt hơn về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, sinh kế của người dân. Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng tiếp thu ý kiến của đại biểu, trong đó quy định cụ thể hơn về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ tái định cư và phân cấp cho địa phương phải tiến hành điều tra xã hội học, trước khi tiến hành bồi thường trong trường hợp thu hồi đất….

Theo Quochoi.vn