Tài nguyên nước

Điện Biên: Tủa Chùa thiếu nước trầm trọng cho sản xuất nông nghiệp

Trần Hương 09/06/2023 - 18:44

 (TN&MT) - Trong những ngày nắng cháy như thiêu đốt giữa mùa hạ, chúng tôi có chuyến công tác huyện Tủa Chùa của tỉnh Điện Biên. Thời tiết khô nóng, thiếu mưa những ngày tháng qua đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, gieo trồng, chăn nuôi của bà con nơi cao nguyên đá Tủa Chùa. Vụ mùa năm nay, người nông dân tại Tủa Chùa đang đứng trước nguy cơ thất thu bởi thiếu nước trong tưới tiêu và nuôi trồng.

Thực trạng thiếu nước trầm trọng

Dẫn chúng tôi đi thăm 2 hồ thủy lợi lớn trên địa bàn huyện là hồ Sông Ún và Tông Lệnh, ông Phạm Quốc Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: “Khoảng từ đầu năm 2023 đến nay, 2 hồ trữ nước lớn của huyện bắt đầu cạn nước dưới 50% trữ lượng và đến nay đã cạn tới mực nước chết. Nguyên nhân do thời tiết thiếu mưa, cao điểm làm từ tháng 3 - 5/2023 không những trên địa bàn huyện không có mưa mà thiết trời còn nắng nóng kéo dài, khiến mực nước các hồ trên xuống thấp chưa từng thấy. Cá biệt, hồ Sông Ún đã cạn trơ đáy, mặt hồ khô khốc, nứt nẻ những vết chân chim”.

a1.jpg
Hồ Sông Ún, thuộc huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên cạn trơ đáy do nắng, nóng kéo dài.

Được biết, hai hồ trữ nước trên hiện nay đang cung cấp nước tưới tiêu cho trên 60ha lúa và hoa màu của bà con các xã khu vực trung tâm huyện Tủa Chùa. Nên khi mực nước xuống thấp đỉnh điểm, ngại trong vụ mùa tới, nhiều diện tích lúa và hoa màu sẽ không đủ nước tưới tiêu. Trong khi đó, thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, trong thời gian tới thời tiết vẫn còn diễn biến bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, không có mưa, nắng nóng thì hạn hán sẽ xảy ra trên diện rộng. Đặc biệt, năm nay nhuận hai tháng tư (âm lịch) nên tình trạng hạn hán khả năng xảy ra nặng nề hơn. Hệ quả là vụ mùa tới có khả năng cao năng xuất sẽ thất thu vì hạn hán – ông Đạt nói.

Được biết, cũng như hai hồ trữ nước trên, hiện nay, mực nước trên hồ thủy điện Sơn La (thuộc xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa) và mực nước sông suối, ao hồ trên địa bàn huyện Tủa Chùa cũng xuống thấp từ vài mét đến vài chục mét khiến thiếu nước tưới trầm trọng cho nhiều diện tích cây nông nghiệp và cây rau màu của bà con.

Riêng cây ngô loại cây chịu khô nóng rất tốt cũng không chống chọi lại thời tiết hạn hán cực điểm trên cao nguyên Tủa Chùa. Đến thời điểm hiện tại, phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện đã thống kê được trên 1.000ha ngô của bà con nông dân trong huyện bị chết, héo do nắng nóng, chủ yếu là các cây ngô non do bà con mới trông vụ mùa; trong đó có khoảng 15 ha tại các xã: Mường Báng, Xá Nhè, Tủa Thàng và thị trấn Tủa Chùa bị hạn nặng không khắc phục được. Ngoài ra, khoảng 5% diện tích lúa trà sớm đang trong giai đoạn phân hóa đòng tại xã Mường Báng và thị trấn Tủa Chùa đã bị chết ngọn, táp lá do nắng nóng và nhiều diện tích cây ăn quả đang trong giai đoạn nuôi quả chậm phát triển, nguy cơ chết yểu vì thiếu nước tưới…

z4408090890619_079bf82ca62ea0f425d5bc50987d7ff1.jpg

“Vì không có nước phục vụ tưới tiêu, nên dự kiến vụ mùa tới, ngành Nông nghiệp huyện có thể không đạt được chỉ tiêu về diện tích lúa nước vụ mùa do huyện giao từ đầu năm (là đạt 2.000ha lúa nước vụ mùa)” – Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Tủa Chùa Phạm Quốc Đạt cho biết thêm. Cũng vì thiếu nước nên cá nuôi lồng bè của bà con trên hồ thủy điện Sơn La, thuộc xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa đã bị chết rải rác, nguy cơ chết hàng loạt.

Theo ông Mào Văn Bổn, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Tủa Chùa, do mực nước trên lòng hồ thủy điện Sơn La cạn xuống trên 15 mét, làm môi trường nước thay đổi đột ngột, gây ra thiếu oxy cục bộ; hàm lượng oxy hoà tan trong nước = 3mg/l, lượng NH3, NH4 < 1ml/l, các chỉ số này đều vượt ngưỡng cho phép đối với nuôi cá lồng bè nước ngọt; đồng thời khi mực nước xuống thấp sinh vật phù du chết nhiều làm ô nhiễm môi trường nước… khiến cá nuôi lồng bè của các hộ dân tại xã Huổi Só bị chết... Nếu tình trạng mực nước hồ vẫn tiếp tục xuống thấp và cạn thì nguy cơ 72 lồng nuôi cá của hộ dân trên hồ sẽ chết hàng loạt và bà con nuôi cá lồng có nguy cơ cao “trắng tay” trong vụ nuôi cá này.

Các giải pháp cục bộ để khắc phục thiếu nước

Trước thực trạng thiếu nước cho sản xuất vụ hè thu, UBND huyện Tủa Chùa đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp huyện đưa ra những biện pháp cụ thể, căn cơ giải quyết việc thiếu nước, trong đó tiết kiệm nước vẫn là biện pháp chủ yếu, cục bộ để đối phó với tình trạng trên.

“Trước thực trạng, tình hình trên Phòng Nông nghiệp và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đã thường xuyên trực tiếp cử cán bộ phối hợp với UBND các xã tuyên truyền hướng dẫn nhân dân các giải pháp phòng chống, khắc phục hạn hán, chỉ đạo khuyến nông xã, thôn bản và tổ quản lý thủy nông các xã, thị trấn hướng dẫn các hộ cùng nhau san xẻ nước tưới tiêu hợp lý, sử dụng nguồn nước tiết kiệm bằng biện pháp xả tưới luân phiên theo ngày cho các khu vực ruộng có chung kênh mương hoặc đường ống dẫn nước. Đồng thời đề nghị Công ty Quản lý Thủy nông tỉnh Điện Biên có giải pháp điều tiết nước, tăng cường hệ thống đường ống dẫn nước về các cánh đồng thị trấn, Mường Báng để giảm thiểu thiệt hại cho người dân” ông – Phạm Quốc Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết.

a2.jpg
Nhiều diện tích lúa người dân tại xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa bị khô hạn do thiếu nước

Đồng thời, UBND huyện Tủa Chùa cũng đề nghị các xã, thị trấn cần tập trung tuyên truyền người dân tiết kiệm nước; sử dụng tưới tiêu hợp lý, một số diện tích thiếu nước cần phải chuyển đổi sang trồng cây hoa màu; sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán như: hỗ trợ máy bơm để bơm nước tưới từ sông suối ở dưới thấp lên trên cao. Đối với diện tích cây trồng bị thiệt hại hoàn toàn, không thể khắc phục được lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ gửi phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện để tổng hợp và có phương án hỗ trợ cho bà con.

Từ dự kiến thủy văn cho thấy, trong tháng 6, thực trạng khô, nắng nóng và hạn hán còn kéo dài, nên trong lòng mỗi người dân Tủa Chùa lúc này ai cũng khắc khoải, chờ mong trời đổ mưa nhiều và thời tiết được dịu bớt để họ vơi đi phần nào nỗi khó khăn trong đời sống sinh hoạt cũng như vực dậy sự sống cho cây trồng, vật nuôi sau những ngày thiếu nước trầm trọng.

Trần Hương