Biến đổi khí hậu

Đói nghèo đã dần lùi vào quá khứ

Thục Vy 09/06/2023 - 17:26

(TN&MT) -Tôi vội về miệt vườn Tân Phú (Đồng Nai) khi nghe tin người dân nơi đây đã vượt lên được nỗi buồn "tiêu thua, điều thiệt" để tìm ra hướng đi mới, vực lên cái nghèo, cái thua thiệt của những mùa xưa cũ...

1(1).jpg
Cây sầu riêng được nhiều nông dân lựa chọn vì phù hợp thổ nhưỡng và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

...“Cái khó ló cái khôn”
Nhìn những hàng thanh long xanh mướt, con đường vào huyện tấp tập người xe chở sầu riêng trúng vụ, tôi không khỏi hào hứng tìm đến những hộ gia đình đã chuyển đổi thành công cây trồng mới. Gặp anh Điều Hơn (xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú, Đồng Nai) trên vườn sầu sai trĩu quả, anh Hơn nét mặt khắc khổ, còn chưa hết buồn khi nhắc về cây điều. Mấy năm trước, không phải mình anh Điều Hơn, mà nhiều nông dân trên địa bàn Thanh Sơn, Tân Phú đã phải chặt bỏ cây điều do giá bán không ổn định và thời tiết thất thường khiến cây trồng này liên tiếp câu chuyện rớt giá, mất mùa khiến người trồng điều thường xuyên đối mặt với cảnh cuối vụ trắng tay.

Anh Điểu Hơn phân trần: “Không phải mình không chịu khó chịu thương làm lụng mà một phần do cây điều nhạy cảm với thời tiết. Những năm gần đây, BĐKH khiến thời tiết không còn theo quy luật đã ảnh hưởng lên sản lượng cây điều khiến công lao của mình thu về là hai chữ mất mùa. Vì thế, thu nhập của mình và người trồng điều cũng đứng ở mức thấp so với bà con trồng các loại nông sản khác. Không chỉ cây điều, cây hồ tiêu vốn thuộc tốp đầu về lợi nhuận cũng kém dần lợi thế cạnh tranh với các cây trồng khác do bị mất mùa vì biến động thất thường của thời tiết”.

Trước đây, gia đình anh Điểu Hơn trồng hơn 5 sào hồ tiêu. Thời điểm đó, một ha hồ tiêu thu về cả tỷ đồng, sau khi trừ chi phí người nông dân “bỏ túi” vài trăm triệu đồng. Với rẫy hồ tiêu hơn 5 sào, mỗi năm gia đình anh cũng có hơn trăm triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống và cho con cái ăn học. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, thời tiết thất thường khiến năng suất hồ tiêu giảm mạnh. Cùng với đó, giá hồ tiêu cũng liên tục giảm khiến gia đình anh lâm vào cảnh thua lỗ. Cũng như nhiều người trồng tiêu khác, anh Điểu Hơn đã chặt bỏ vườn hồ tiêu vì không trụ nổi.

Rồi anh Điểu Hơn học kỹ thuật trồng sầu riêng. Có học có hơn, anh đã học được cách áp dụng khoa học công nghệ vào việc trồng trọt và chăm sóc nên vườn sầu riêng phát triển tốt. Những mùa mưa đi qua, những mùa khô đi qua, đến nay, vườn sầu đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. Nhờ giá sầu riêng ổn định nên thu nhập của gia đình anh Điểu Hơn cũng ổn định, cuộc sống vì thế mà đã bớt khó nghèo.

Cũng như gia đình anh Điểu Hơn, gia đình anh Nguyễn Quang Minh (xã Phú Sơn) có 2ha cây sầu riêng trên 4 năm tuổi, nhờ đầu tư chăm sóc cẩn thận, áp dụng hiệu quả các biện pháp kỹ thuật trong giai đoạn xử lý khi sầu riêng ra hoa, nhất là trong quá trình thụ phấn cho trái nên vườn sầu riêng của anh Minh cho năng suất khá cao. Bình quân mỗi cây sản lượng từ 80 - 100kg, sau khi trừ chi phí đầu tư gia đình anh đã có nguồn thu nhập đáng kể, giúp gia đình anh tăng thu nhập so với trước đây.

Anh Minh cho biết: “Ở cái nơi vườn sầu riêng đang mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình tôi, trước đây, đã tồn tại một vườn điều, nhưng thời tiết không chiều chuộng cây điều nên năng suất không cao, rồi tôi chuyển qua trồng xoài 3-4 năm thì vườn xoài cho thu hoạch, nhưng giá xoài bấp bênh, thay đổi liên tục có thời điểm xuống còn 2.000-3.000 đồng/kg, chẳng bõ công chăm cây, không những rớt giá mà xoài còn bị mất mùa do thời tiết. Thế nên, tôi đành lòng bỏ nốt cây xoài và chuyển sang trồng sầu riêng”.

“Không phải tôi không bền chí, cũng không phải tôi đứng núi này trông núi nọ. Nhưng cái thực tế đói nghèo nó đeo bám nên buộc tôi không thể ngồi yên. Việc phá bỏ cái cũ, bắt đầu một cái mới, ví như chuyển đổi cây trồng cũng phải được tính toán, đầu tư công sức và tiền bạc. Cũng may là chính quyền địa phương luôn đồng hành và nguồn vốn chính sách xã hội luôn sẵn sàng hỗ trợ nông dân khởi nghiệp nên tôi đã vững vàng vượt qua giai đoạn chuyển đổi đầy khó khăn”, anh Minh cho hay.

Vậy là, những người từ bỏ vườn xoài, vườn điều, họ đã may mắn có một chỗ dựa về chính sách để bắt đầu khởi nghiệp lại. Đó không chỉ là tiền bạc, đó còn là sự động viên, cân bằng tinh thần của cán bộ thôn xã những lúc họ chênh vênh bên sự đắn đo.

“Tính từ thời điểm tôi học về kỹ thuật chăm sóc và áp dụng vào vườn sầu riêng đến nay là đã 6 năm. Về chi phí chăm sóc dành cho cây sầu riêng trong thời gian đầu là khá cao so với các cây khác. Nhưng lúc thu hoạch 1 cây sầu riêng cho khoảng 1 tạ quả/cây. Trừ chi phí, 1 cây cho lãi gần 4 triệu đồng, nó đã chứng minh sự chuyển đổi mục đích cây trồng của mình là đúng đắn”, anh Minh chia sẻ.

Không chỉ anh Điểu Hơn, anh Minh, mà nhiều nông dân ở Đồng Nai cũng đã mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, cũng như lựa chọn cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, thời tiết nên đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Trong số đó có gia đình bà Sau A Tah (xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc), là một gia đình thuần nông, kinh tế gia đình bà Sau A Tah chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy. Mặc dù làm lụng chăm chỉ, cái nghèo, cái đói vẫn đeo bám gia đình bà. Sau nhiều suy tư, trăn trở, bà Sau A Tah quyết định phải làm gì đó để thay đổi cuộc sống gia đình và bà đã thành công với mô hình trồng cây thanh long mang lại thu nhập kinh tế.

Một số người vẫn ví trường hợp của bà Sau A Tah là “tay không bắt giặc”. Thế nhưng, mỗi khi ai đó nói như vậy thì bà tỏ ra rất không hài lòng. Bà Sau A Tah nói: “Nếu không có Chính sách Xã hội cho vay vốn hỗ trợ, rồi không có người thân trong gia đình và bà con trong xã chung tay, góp sức thì một mình tôi làm đâu có nổi”.

Đúng là như thế, để có được nguồn vốn ban đầu, bà Sau A Tah đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, đồng thời huy động vốn từ gia đình và bà con trong xã để đầu tư trồng 7ha thanh long. Nhờ chọn giống mới, năng suất cao, đồng thời được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn áp dụng khoa học tiến bộ vào canh tác, hiện vườn cây thanh long của gia đình bà đã cho thu nhập ổn định, mỗi năm thu hoạch từ 30-40 tấn/ha, trừ chi phí, lợi nhuận bà thu về khoảng từ 300-400 triệu đồng/ha.

2.jpg
Canh tác nông nghiệp thích ứng với BĐKH giúp nhiều nông dân ở Đồng Nai nâng cao đời sống.

Công nghệ đồng hành làm giàu
Thoát nghèo thôi chưa đủ, nhiều người dân hiện đang sinh sống trên điạ bàn huyện Tân Phú còn giàu lên từ chuyển đổi cây trồng bắt đầu từ mục đích để cây phù hợp thời tiết và chống chịu được tác động của BĐKH. Như trường hợp của ông Nguyễn Văn Thiệu (ấp 4, xã Phú An, huyện Tân Phú). Về Phú An hỏi ông Thiệu, ai ai cũng biết ông “Thiệu sầu riêng” bởi ông có cuộc sống khá sung túc nhờ cây sầu riêng. 10ha sầu riêng cơm vàng hạt lép và hoàn toàn canh tác theo chuẩn VietGAP là một tài sản đáng nể của gia đình ông trên vùng đất khó khăn bởi khí hậu này.

Bởi vậy nên, theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi dễ dàng tìm đến vườn sầu riêng ông Thiệu. Cây sầu riêng lúc này đang bước vào giai đoạn chăm sóc trái, những trái sầu như những chú nhím, lúc luỷu trên cây. Vì có nhiều năm kinh nghiệm trồng sầu riêng cùng với việc canh tác theo chuẩn VietGAP nên vườn sầu riêng của ông, trái nào ra trái đó, đều tăm tắp và nói theo mô tả của hàng xóm, “ngọt bùi béo mềm đến quên sầu”. Vụ này, năng suất sầu riêng của ông Thiệu ước đạt gần 20 tấn/ha.

Chia sẻ về hiệu quả của việc áp dụng công nghệ trong sản xuất, cũng như hiệu quả kinh tế của cây sầu riêng, ông Thiệu cho biết: “Tôi trồng sầu riêng từ năm 2000, mới đầu chỉ chuyển đổi vài ha diện tích trồng mía sang trồng sầu riêng. Sau nhiều năm có kinh nghiệm, tôi thấy loại cây này cho giá trị kinh tế cao nên chuyển dần sang trồng sầu riêng. Mấy năm trở lại đây, giá sầu riêng cao hơn nhiều so với các loại cây ăn trái khác. Có năm sầu riêng được thương lái thu mua với giá 55.000-60.000/kg, lúc giá thấp nhất là 35.000/kg”.

Khi chúng tôi hỏi “Có khi nào được mùa rớt giá không?”, chủ trang trại thật thà bày tỏ: “Quy luật mà, được mùa rớt giá cũng là chuyện không lạ. Quan trọng nhất là kể cả giá thấp nhất thì người trồng sầu riêng vẫn có lãi. Riêng năm nay sầu riêng đậu trái rất đạt, kể cả giá phân năm nay tăng hơn so với mọi năm thì người trồng sầu riêng vẫn sống tốt. Tôi thấy ở Phú An, không có loại cây nào cho giá trị kinh tế cao bằng sầu riêng”.

Thực tế cho thấy, cây sầu riêng cho giá trị kinh tế cao, bởi không chỉ giá thị trường của sầu riêng cao hơn các nông sản khác, mà còn bởi cây sầu riêng chịu được cái nắng cái gió, cái thất thường của thời tiết nơi đây, kể cả những thứ cực đoan hơn, được cho là do BĐKH, thì cây sầu riêng vẫn sống khỏe, cho hoa cho trái.

Nhưng đó chỉ là một phần thôi, phần quan trọng là người nông dân địa phương đã biết “tập” cho cây trồng cách sống chung với BĐKH. Trong một cuộc trao đổi, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho rằng, trong thực tế sản xuất nông nghiệp, ngày càng có nhiều nông dân quan tâm đến các giải pháp thích ứng với BĐKH. Giải pháp trọng tâm nhất hiện nay là phải quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp như: tăng tỷ lệ giống ngắn ngày; sử dụng các loại giống bản địa đã phục tráng; sử dụng giống bản địa làm gốc ghép, giống lai có khả năng chống chịu sâu bệnh, chống chịu với điều kiện bất thuận; ứng dụng công nghệ sinh học để nâng cao chất lượng, chọn tạo giống đáp ứng yêu cầu.

Rồi nữa, cũng phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về sử dụng nước tưới, phân bón, luân canh, xen canh, che phủ đất, hạn chế dòng chảy, quản lý dịch hại và ứng dụng công nghệ cao. Muốn làm được điều này, các Sở, ban, ngành và địa phương phải đồng hành với người dân, tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường nông thôn, sử dụng tiết kiệm tài nguyên; nhân rộng các điển hình của Hội Nông dân các cấp tham gia bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH...

Được biết, trong những năm gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh Đồng Nai đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, ứng dụng công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Phương châm chuyển đổi phải linh hoạt, hợp lý, ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nên năng suất, xu hướng chuyển dịch từ cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao. Đó cũng là lý do một số cây công nghiệp lâu năm như điều, hồ tiêu, cao su, cà phê… giảm về diện tích để nhường đất cho trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao hơn.

Rồi đây, những vùng nông thôn của Đồng Nai đã chuyển mình, những diện mạo mới cũng đã dần dần hiện hữu. Đó là tổng hòa của câu chuyện hiểu biết về thời tiết, hiểu đất, hiểu cây, làm chủ BĐKH. Đó còn là tổng hòa của sự thay đổi tư duy cũ, chuyển mục đích cây trồng và áp dụng nông nghiệp xanh nông nghiệp bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ nhằm đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng BĐKH. Khi vẫn còn những người nông dân tin vào chính sức của mình, thì đói nghèo do BĐKH sẽ chỉ là một câu chuyện lùi vào quá khứ.

Thục Vy