Bình Gia (Lạng Sơn): Vươn lên từ rừng xanh
(TN&MT) - Huyện Bình Gia (Lạng Sơn) đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế đất đai của địa phương để phát triển sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, đưa các giống cây trồng có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao vào sản xuất, nâng cao thu nhập.
Vượt khó làm giàu
Tân Hòa - xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Bình Gia, với gần 90% dân số là đồng bào dân tộc Dao. Đời sống của bà con nơi đây chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên còn nhiều bấp bênh. Trăn trở với bài toán giúp người dân xóa đói giảm nghèo bền vững, cấp ủy, chính quyền địa phương đã xác định định hướng phát triển kinh tế theo hướng phát huy thế mạnh kinh tế đồi rừng.
Trong đó, cây quế được lựa chọn là cây trồng chủ lực, bởi loại cây này phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Đến nay, vùng quế Tân Hòa đã có hơn 500ha, độ tuổi quế trung bình từ một đến hơn 10 năm, nhiều diện tích đã cho khai thác.
Là một trong những hộ đi đầu trong phong trào trồng quế, hơn 10 năm trước, anh Đặng Hoa Lin, dân tộc Dao ở thôn Tân Tiến, xã Tân Hòa đã mạnh dạn thí điểm trồng quế tại vườn nhà. Sau khi thu được lượng tinh dầu tương đối cao, cây quế sinh trưởng, phát triển tốt, gia đình anh đã đầu tư trồng quế trên toàn bộ diện tích đất rừng được giao. Hiện tại, anh có trên 5ha rừng quế, với hơn 15.000 cây, cho thu nhập ổn định gần trăm triệu mỗi năm.
Còn với gia đình anh Đặng Mạnh Hà (cùng thôn ở Tân Tiến), khoảng những năm 2003, thấy được tiềm năng từ cây quế, anh đã chủ động vay vốn đầu tư trồng 4ha quế. Đến nay đã cho thu hoạch, giúp gia đình anh cải thiện đời sống, xây dựng nhà cửa khang trang, có vốn để tiếp tục tái đầu tư trồng quế trên diện tích rừng đã thu hoạch.
Cùng với cây quế, hồi cũng là cây trồng gắn với đồng bào các dân tộc xứ Lạng từ bao đời nay. Ở cái tuổi đã ngoài 70, song, người thương binh hạng 4/4 Hoàng Xuân Lại, thôn Cốc Mặn, xã Mông Ân vẫn hăng say lao động sản xuất, chăn nuôi trâu bò, trồng hồi, cây ăn quả.
Theo ông Lại, thấy được tiềm năng từ kinh tế đồi rừng, từ diện tích đất rừng và lúa nương sẵn có, ông đã chuyển sang trồng hồi, nay đã có gần 4 ha. Không chỉ thế, ông còn trồng khoảng 400 cây quýt, hàng năm xen canh trồng ngô và nuôi gà, nuôi trâu, bò lấy thịt. Từ trang trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả và trồng rừng, những năm qua, trung bình mỗi năm gia đình ông Lại thu nhập từ 80 đến 150 triệu đồng.
Những năm được mùa, gia đình ông còn tạo thêm công ăn việc làm cho người dân xung quanh từ việc thu hái hồi. Không chỉ thế, ông còn tích cực vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chia sẻ kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho các cựu chiến binh và người dân trong xã, giúp họ từng bước phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.
Được biết, đến nay, huyện Bình Gia có gần 8.600ha trồng hồi, chủ yếu tập trung ở các xã: Quang Trung, Hoàng Văn Thụ, Minh Khai, Hồng Thái, Hồng Phong, Tân Văn và thị trấn Bình Gia… Để nâng cao chất lượng cây trồng, huyện đã chỉ đạo nhân rộng Mô hình sản xuất Hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ trên địa bàn 2 xã Quang Trung, Hoàng Văn Thụ và đầu tư thực hiện dự án Hỗ trợ cải tạo và phát triển cây Hồi huyện Bình Gia...
Khai thác kết hợp bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh rừng
Bình Gia có 18 xã, 1 thị trấn, trong đó 12 xã đặc biệt khó khăn, với các dân tộc Nùng, Tày, Dao, Kinh, Hoa... Toàn huyện có trên 98.000ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 89% tổng diện tích tự nhiên. Diện tích rừng sản xuất lớn, nguồn lao động dồi dào là lợi thế để địa phương này phát triển lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, huyện có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng, có thể đa dạng hóa các sản phẩm nông lâm nghiệp như: Hồi, Sở, Quế, Mỡ, Lát hoa, Keo, Bạch đàn và các loại cây dưới tán khác.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Gia Hoàng Văn Chung, những năm qua, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, huyện đã quyết liệt chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, đưa các giống cây trồng có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Xác định các loại cây trồng chủ lực để tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bước đầu ở huyện đã hình thành rõ nét một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Vùng Quế ở xã Vĩnh Yên, Thiện Long, Tân Hòa, Hòa Bình có tổng diện tích trên 4.000 ha; vùng cây Mỡ ở xã Hồng Phong, Hoa Thám, Quý Hoà, Hưng Đạo có gần 3.000 ha; vùng Keo, Bạch đàn tại các xã: Thiện Thuật, Hòa Bình, Thiện Hòa, Hồng Thái có gần 4.000 ha.
Vùng Thạch đen sản xuất tập trung tại các xã: Hoa Thám, Hưng Đạo, Hồng Phong, Quý Hòa, Vĩnh Yên… với diện tích gần 600ha; vùng trồng nguyên liệu thuốc lá có liên kết sản xuất kinh doanh với công ty Cổ phần Ngân Sơn trên địa bàn xã Mông Ân và Tân Văn; vùng Quýt tại các xã: Tân Văn, Hoàng Văn Thụ và thị trấn Bình Gia diện tích trên 186ha, sản lượng hàng năm đạt gần 531 tấn.
Cũng theo ông Chung, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các xã, thị trấn triển khai đồng bộ các biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng nông nghiệp. Thực hiện tốt các dự án, chương trình trồng rừng, tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn đầu tư phát triển các lĩnh vực nông lâm nghiệp. Khai thác hợp lý các sản phẩm từ rừng, kết hợp chặt chẽ với công tác bảo vệ rừng, khoanh nuôi, tái sinh, bảo vệ môi trường sinh thái.
Qua đó góp phần cải thiện đời sống nhân dân, thu nhập bình quân đầu người tăng dần qua các năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 20,63%, giảm 5,82% so với năm 2021.
Từ năm 2022 đến nay, huyện Bình Gia đã trồng mới được 1.100 ha rừng, gồm các loại cây Hồi, Mỡ, Quế, Keo, Bạch đàn, Lát hoa và cây lâm nghiệp khác. Huyện đang tiếp tục triển khai Kế hoạch xây dựng mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất trồng cây Trà hoa vàng, thực hiện tại 18 hộ/5,4 ha tại các thôn trên địa bàn xã Thiện Hòa, Thiện Thuật, Hoàng Văn Thụ. Năm 2023, huyện đề ra mục tiêu trồng mới trên 900 ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 75,2%.