Môi trường

Ấm no từ những cánh rừng 

Văn Dinh 09/06/2023 - 16:43

(TN&MT) - Dưới những tán rừng rộng lớn và xanh thẳm, bà con nông dân ở Thừa Thiên – Huế ngước nhìn với ánh mắt hạnh phúc. Họ đã thoát nghèo. Với họ, vùng đất khó giờ không còn khó nhờ tinh thần vươn lên trong lao động, sản xuất. Màu xanh bạt ngàn của những núi đồi đang thời kỳ sinh trưởng, phát triển tốt khẳng định khát vọng làm giàu của người dân.

Hoàng hôn dần buông, theo chân ông Hồ Đức Lăng (63 tuổi, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) dưới những tán rừng rộng lớn và xanh ngắt, ông Lăng kể, 19 năm trước, gia đình lên định cư ở vùng gò đồi Bến Ván theo chủ trương di dân của tỉnh. Hồi ấy ông cũng như bao người dân thật sự gặp khó, do thiếu kinh nghiệm, khi còn trồng rừng gỗ dăm thường không chú ý đến chất lượng cây giống, kỹ thuật chăm sóc, cứ theo tập quán “phát-đốt-cuốc-trồng”, mặt khác đến thời kỳ thu hoạch gia đình ông thường bị tư thương ép giá nên phải bán gỗ với giá rẻ. Mỗi hecta rừng gỗ nhỏ trồng 5 năm chỉ có doanh thu từ 60 - 70 triệu đồng. Vì thế, ông Lăng đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn FSC, nhờ đó rừng của gia đình ông đã được quản lý chặt chẽ, năng suất và chất lượng gỗ được nâng cao.

“Trải qua nhiều năm tháng gian nan để chuyển đổi, những cánh rừng gỗ lớn FSC của gia đình dần xanh tốt, đến nay tôi đã sở hữu 40 hecta. Rừng có chu kỳ khai thác dài tầm 7-8 năm, cho thu nhập từ 250 - 280 triệu đồng/hecta, còn 5 năm thì thu về khoảng 150 triệu đồng/hecta, lãi cao hơn nhiều so với rừng gỗ nhỏ. Với đầu ra đảm bảo, giá cả ổn định, lại được hướng dẫn kỹ quy trình nên gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân an tâm đầu tư, chăm sóc rừng. Hơn chục năm qua, cuộc sống gia đình thay đổi, dư dã hơn nhiều”, ông Lăng bộc bạch.

1(1).jpg
Người nông dân ở Thừa Thiên – Huế vườn lên làm giàu nhờ trồng rừng

“Như một giấc mơ”, bà Nguyễn Cữu Thị Thương (thôn Hạ, xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy) thốt lên trong căn nhà khang trang của gia đình. Khoảng 20 năm trước, gia đình bà Thương có dịp tham gia buổi sinh hoạt, nghe một doanh nghiệp giới thiệu hiệu quả trồng rừng kinh tế. Mong ước trồng rừng, nhưng không có gì trong tay, bà Thương không biết bắt đầu từ đâu. Thấy được nguyện vọng chính đáng, chính quyền địa phương tạo điều kiện cấp đất cho vợ chồng bà khai hoang trồng rừng; các kênh phụ nữ, dự án… cho vay vốn mua giống, vật tư, phân bón, chăm sóc.

Rừng hoang, cỏ mọc um tùm không dễ gì canh tác, phục hóa, phải mất cả năm, vợ chồng bà mới trồng những cây giống đầu tiên. Khi những diện tích ban đầu sinh trưởng, xanh tốt, bà Thương tiếp tục khai hoang trồng rừng lên 6 hecta. Cứ thế, 8 năm ròng rã với bao mồ hôi, công sức, tiền của đầu tư khai hoang trồng rừng, đến nay gia đình bà có 38 hecta rừng kinh tế.

“Hồi đó, tôi phải gửi con nhỏ nhờ hàng xóm chăm, hai vợ chồng lặn lội, cơm đùm gạo bới vào rừng che bạt, làm lán trại ăn ở cả mấy năm trong rừng. Thiếu lương thực, sốt rét, thiếu vốn… có lúc khiến vợ chồng túng quẩn”, bà Thương nhớ lại. Giờ đây, 38 ha rừng của gia đình bà Thương đang có giá trị hàng tỷ đồng. Mỗi năm thu hoạch vài trăm triệu đồng.

Cũng như bà Thương, sau giải phóng, dù hai bàn tay trắng nhưng gia đình ông Nguyễn Thế Hòa vẫn quyết định từ Thủy Châu lên xã Phú Sơn (thị xã Hương Thủy) để lập nghiệp. Trải qua nhiều năm khai hoang trồng trọt, chăn nuôi, ông Hòa nghĩ, chỉ trồng rừng mới có cơ hội vươn lên. Hồ sơ xin cấp đất trồng rừng kinh tế của gia đình ông được chính quyền địa phương chấp thuận. Từ vài hecta ban đầu, đến nay, gia đình ông khai hoang, mở rộng lên 10 hecta rừng kinh tế. Cứ mỗi năm gia đình thu hoạch 2-3 hecta, mỗi hecta thu nhập trên dưới 100 triệu đồng.

Diện tích rừng sản xuất toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đến nay gần 100 ngàn hecta. Diện tích đang được các hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng gần 26 ngàn hecta, còn lại các tổ chức nhà nước, doanh nghiệp quản lý, sử dụng. Thị trường tiêu thụ, đầu ra sản phẩm thuận lợi là cơ hội lớn trong phát triển trồng rừng kinh tế, rừng gỗ lớn, chứng chỉ FSC.

2(1).jpg
Những cánh rừng bạt ngàn, mang đến khát vọng “đổi đời” cho người dân

Trồng rừng không chỉ giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu mà còn góp phần nâng cao độ che phủ, bảo vệ môi trường sinh thái. Sau nhiều năm tìm hiểu, ông Trần Đình Thao ở xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền) trồng rừng FSC với diện tích 3 hecta. Ông Thao nhận thấy rằng, người trồng rừng FSC thường xuyên được nhà nước tập huấn, hướng dẫn. Trong quá trình chăm sóc rừng không dùng thuốc trừ cỏ, không vứt bừa bãi rác thải làm ảnh hưởng đến môi trường rừng, trước khi trồng không đốt thực bì. Rừng phải có yếu tố bảo vệ được dòng chảy tự nhiên, không được sử dụng hóa chất, khai thác đúng quy trình, bảo vệ các loài động vật hoang dã, hạn chế lũ lụt...

Từ khi tỉnh Thừa Thiên – Huế phát động phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, nói không với chai nhựa, túi ni lông, người dân trồng rừng đã sử dụng nguồn giống thân thiên với môi trường, qua đó cải thiện đất đai, góp phần giảm ô nhiễm.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế, gỗ rừng trồng được khai thác, tiêu thụ bình quân hằng năm khoảng trên 500 ngàn m3, chủ yếu sản lượng của hộ gia đình, cá nhân khai thác và tiêu thụ. Đơn vị tiêu thụ là các nhà máy sản xuất dăm gỗ, ván bóc, gỗ thanh, hàng mộc phục vụ chế biến xuất khẩu. Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 15 cơ sở, nhà máy chế biến lâm sản, hằng năm sử dụng khoảng trên 1 triệu tấn nguyên liệu gỗ.

Có thể nói, khát vọng “đổi đời” từ rừng đang ngày càng được nhân rộng với bà con Thừa Thiên – Huế bởi những lợi ích lớn mang lại. Những người nông dân, nếu biết trân trọng yêu thương từng tấc đất, từng gốc cây, ngọn cỏ, cộng với sức lao động sáng tạo của mình, chắc chắn “đất sẽ nở hoa” và có cuộc sống tốt đẹp.

Văn Dinh