Xã hội

Nguồn lợi từ rừng với đồng bào DTTS ở Kon Tum: Cải thiện sinh kế từ rừng

Quế Mai 26/11/2021 16:38

(TN&MT) - Diện tích rừng lớn ở Kon Tum không chỉ có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên, mà còn mang lại nguồn lợi, giúp hàng nghìn người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, bộ mặt nông thôn dần khởi sắc.

Phát triển kinh tế từ rừng

Là tỉnh miền núi có diện tích rừng lớn so với cả nước, ngành lâm nghiệp tỉnh Kon Tum luôn nêu cao tinh thần quản lý rừng bền vững, đẩy mạnh phát triển rừng và phát triển dược liệu dưới tán rừng, thu hút người dân, đặc biệt là người DTTS tham gia phát triển kinh tế rừng, cải thiện sinh kế từ rừng.

anh-1-36-.jpg
Đồng bào DTTS Kon Tum dùng tiền DVMTR để phát triển mô hình nuôi dê, đem lại hiệu quả kinh tế cao

Cùng với chính sách hỗ trợ bảo vệ phát triển gắn với cải thiện đời sống, việc làm, cải thiện sinh kế cho người dân sống gần rừng, Kon Tum đã đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, tạo thuận lợi cho người dân cùng tham gia các chương trình, dự án quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Hàng nghìn người dân là đồng bào DTTS ở Kon Tum đã sử dụng có hiệu quả môi trường rừng tự nhiên để đầu tư phát triển dược liệu dưới tán rừng, khai thác các dịch vụ du lịch sinh thái và nghĩ dưỡng tạo ra giá trị kinh tế mới. Ngoài ra, người dân còn tham gia phát triển và trồng rừng sản xuất để tăng độ che phủ rừng và tăng thu nhập từ diện tích rừng này.

Ông A Hùng - Chủ tịch xã Văn Lem (huyện Đăk Tô, Kon Tum) cho biết, năm 2021, từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, xã Văn Lem đã giao cho 123 hộ gia đình người đồng bào DTTS tại địa phương tiến hành trồng 169,63ha rừng bạch đàn. Ngoài ra, xã còn khuyến khích, hỗ trợ người dân trồng dược liệu dưới tán rừng: sâm dây, thảo quả, ba kích…

“Rừng trồng sau khi phát triển, người dân vừa được hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR, vừa được thu hoạch cây rừng. Diện tích dược liệu trồng dưới tán rừng bước đầu cũng đã mang lại nguồn thu nhập, phục vụ đời sống gia đình của các hộ dân và rất có tiềm năng trong tương lai. Từ đó, người dân sẽ cùng phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương”, ông A Hùng nói.

Nâng cao đời sống

Hoạt động sản xuất lâm nghiệp đã thu hút một lực lượng lớn lao động địa phương là người DTTS tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, hưởng tiền DVMTR góp phần đáng kể tạo công ăn việc làm cho người dân sống gần rừng, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập.

anh-2-39-.jpg
Người dân thu hoạch măng (lâm sản phụ từ rừng) để làm đặc sản măng khô, măng sấy, góp phần phát triển kinh tế

Thực tế, từ nguồn tiền DVMTR, bà con đồng bào DTTS tại Kon Tum đã đầu tư phát triển rừng trồng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng thôn khu vực gần rừng, góp phần sử dụng hiệu quả quỹ đất trống của địa phương. Ngoài ra, được sự hỗ trợ, hướng dẫn của chính quyền các cấp, bà con còn phát triển rất tốt những mô hình sinh kế, đem lại thu nhập ổn định.

Được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ gần 10ha rừng, ông A Sóc (làng Kon Pao Kram, xã Đăk Pxi, huyện Kon Rẫy) còn tham gia cùng cộng đồng thôn 11, xã Đăk Pxi quản lý, bảo rừng giao cho cộng đồng. Mỗi năm, ông A Sóc nhận được khoảng 12 triệu đồng từ tiền DVMTR. Đây là nguồn tiền ổn định, giúp kinh tế gia đình ông A Sóc ngày càng phát triển nhờ đầu tư mô hình nuôi bò, nuôi heo sọc dưa.

A Sóc phấn khởi nói: “Nhà mình được hưởng lợi từ rừng rất nhiều, ngoài tiền DVMTR để đầu tư chăn nuôi, mình còn thu được lâm sản phụ để tăng thu nhập. Cuộc sống gia đình đã tốt hơn trước, có cái ăn, cái mặc và thoát nghèo bền vững. Nên mình sẽ bảo vệ rừng thật tốt để tiếp tục được hưởng lợi nhiều hơn từ rừng”.

Ông Hồ Thanh Hoàng - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Kon Tum, đơn vị thực thi chính sách chi trả DVMTR nhận định: Được hưởng lợi từ rừng nên đồng bào DTTS ở Kon Tum rất tự giác, tự nguyện tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Đời sống người dân sống trong rừng, gần rừng ngày càng khởi sắc, cải thiện bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh; đóng góp một phần trong việc xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Quế Mai