Xã hội

Quản lý, phát triển rừng bền vững

Linh Chi 26/11/2021 15:38

(TN&MT) - Vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi chiếm gần 3/4 diện tích tự nhiên của cả nước, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về môi trường sinh thái; có tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp. Những năm qua, nhiều chính sách, chương trình, đề án, dự án về quản lý rừng của Chính phủ, các tổ chức quốc tế được thực hiện ở nhiều nơi trên khắp cả nước đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

Kim chỉ nam trong công tác giữ và phát triển rừng

Chính phủ Việt Nam coi rừng là một nguồn tài nguyên sinh thái quan trọng, có giá trị cho sự phát triển kinh tế - xã hội và hạnh phúc của cộng đồng, do đó, đã xây dựng khung pháp lý và chính sách vững chắc để quản lý, khai thác, bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Điều này được thể hiện trong hai bộ luật lớn (Luật Đất đai năm 2003 và Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) năm 2004) và các văn bản, chính sách khác.

ho-tng-son-la_copy.jpg
Các hộ nghèo nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, đất để trồng rừng được giao rừng và giao sản xuất

Đặc biệt, năm 2007, tại Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg, Thủ Tướng đã phê duyệt Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020. Từ đó, đến nay, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp vùng DTTS và miền núi. Trong đó có chính sách giao đất giao rừng, nâng mức hỗ trợ bảo vệ phát triển rừng rừng cho người dân. Cụ thể, khoán quản lý bảo vệ rừng tăng từ 100.000 đồng/ha/năm (năm 2006) lên 200.000 đồng/ha/năm (Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 20/9/2010), sau đó tăng lên bình quân 300.000 đồng/ha/năm (Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016) và với các xã tại khu vực I, II lên 400.000 đồng/ha (Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015); khu vực ven biển gấp 1,5 lần mức khoán bình quân (Nghị định 119/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016). Việc giao đất, giao rừng đã trở thành một trong những chính sách nổi bật đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS; tăng cường kết hợp phát triển kinh tế với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái.

Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước cũng định hướng, phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với bảo vệ người dân làm nghề rừng, gắn với giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, đến năm 2025, tạo việc làm, thu nhập cho người dân làm nghề rừng; hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng cho khoảng 3.200 thôn ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; tăng mức thu nhập bình quân của đồng bào DTTS trên 2 lần so với năm 2020.

Hiệu quả từ những chính sách

Với những định hướng nêu trên, thời gian qua cả nước đã nỗ lực triển khai các chương trình, kế hoạch và đề án, đem lại những kết quả tích cực.

tuan-tra-bao-be-rung.-anh-mh.jpg
Tuần tra bảo bệ rừng. Ảnh MH

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến năm 2018, diện tích rừng cả nước có gần 14.5000 ha, trong đó rừng tự nhiên hơn 10.250 nghìn héc-ta, rừng trồng có 4.235,8 nghìn ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,7%. Các tỉnh Đông Bắc Bộ có diện tích rừng là 3.044,3 nghìn ha, chiếm 21% diện tích rừng cả nước; tỷ lệ che phủ rừng cao so với trung bình cả nước. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng nhanh, diện tích rừng tăng đều và ổn định, năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng không ngừng được nâng lên.

Báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cũng cho thấy, tình trạng phá rừng, khai thác trái phép trên quy mô lớn cơ bản được kiềm chế, giảm các điểm nóng, hệ số che phủ rừng đạt 42,01%, cao hơn mức bình quân thế giới. Các tỉnh có độ ce phủ rừng cao tập trung chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên.

Thông qua chính sách giao đất, giao rừng, đồng bào DTTS đã gắn bó hơn với rừng. Đến nay, các địa phương đã giao gần 806 nghìn ha rừng cho trên 12 nghìn cộng đồng DTTS quản lý (trung bình 66,6 ha/cộng đồng) và trên 936 nghìn ha cho trên 439 nghìn hộ gia đình DTTS quản lý (trung bình 2,13 ha/hộ). 18.000 hộ được hỗ trợ trồng rừng, hỗ trợ kinh phí khoán chăm sóc, bảo vệ rừng… Một số địa phương đã chủ động phát huy tiềm năng, lợi thế vùng, miền, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các cây, con có giá trị kinh tế cao, hình thành được vùng sản xuất quy mô tập trung.

Linh Chi