Quốc hội đã thông qua Quy hoạch sử dụng đất quốc gia: Tạo nguồn lực phát triển đồng đều giữa các vùng miền
(TN&MT) - Tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội đã thông qua Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025 với tầm nhìn dài hạn và có sự linh hoạt hơn trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng một số loại đất. Đồng thời cũng đề ra nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách điều tiết các nguồn thu từ đất để cân đối, phân phối hợp lý tạo nguồn lực phát triển đồng đều giữa các vùng miền.
Nghị quyết của Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) đưa ra quan điểm rõ ràng về mục tiêu của quy hoạch này. Theo đó, Quy hoạch và Kế hoạch được xây dựng nhằm bảo đảm nhu cầu sử dụng đất để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai cho các ngành, lĩnh vực và các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Và, tạo nền tảng để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng hiệu quả đất, Quốc hội giao Chính phủ, các cơ quan hữu quan hoàn thiện các quy định tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch. Diện tích đất trồng lúa được cho phép linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, song chỉ trong phạm vi tối đa 300 nghìn ha đất trồng lúa và bảo đảm không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất trồng lúa, có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa khi cần thiết. Tất nhiên, việc chuyển đổi đất trồng lúa được quy định cần hạn chế và kiểm soát chặt chẽ, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất khu công nghiệp.
Định hướng, tầm nhìn Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2050 cũng định hướng không gian phát triển cho các vùng trên cả nước, trong đó có khu vực miền núi như: Vùng Trung du và miền núi phía Bắc tập trung bảo vệ, khôi phục rừng, nhất là rừng đầu nguồn nhằm bảo đảm về an ninh môi trường và bảo vệ hệ sinh thái; bảo vệ và sử dụng có hiệu quả nguồn nước các hồ, đập để điều tiết nước sản xuất và sinh hoạt. Bảo đảm phát huy các lợi thế về tài nguyên rừng, khoáng sản, các cửa khẩu, văn hóa dân tộc đặc sắc, đa dạng và tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ.
Vùng Tây Nguyên nâng cao hiệu quả các diện tích cây công nghiệp, cây dược liệu; hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối, xây dựng thương hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế. Tập trung rà soát, củng cố, bảo vệ rừng đặc dụng, vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên; tăng cường phát triển hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn gắn với bảo vệ tài nguyên nước, quy hoạch hệ thống hồ đập, tưới nhỏ giọt, bảo đảm an ninh nguồn nước; xác định lâm phận ổn định; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến…
Nghị quyết đề ra nhiệm vụ và giải pháp thực hiện về chính sách, thể chế sẽ sửa đổi Luật Đất đai và pháp luật có liên quan (trong đó có chính sách về tài chính đất đai) để bảo đảm sự đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai.
Đặc biệt, hoàn thiện chính sách điều tiết các nguồn thu từ đất để cân đối, phân phối hợp lý tạo nguồn lực phát triển đồng đều giữa các vùng miền; hài hòa lợi ích giữa các bên trong quá trình chuyển đổi đất đai theo quy hoạch, nhất là bảo đảm cho người bị thu hồi đất có cuộc sống, sinh kế tốt hơn, quan tâm phúc lợi xã hội cho người chưa đến tuổi lao động, không còn tuổi lao động và các đối tượng chính sách, yếu thế trong xã hội.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, rút gọn các thủ tục hành chính; bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất; tăng cường phân công, phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện thẩm quyền được phân cấp; quan tâm thu hút đầu tư, phát triển tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước; thúc đẩy phát triển vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn…