Kon Tum quản lý, phát triển quỹ đất: Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào
(TN&MT) - Thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã quan tâm thực hiện việc quản lý, phát triển quỹ đất cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh, góp phần ổn định đời sống cho người dân và an ninh chính trị tại địa phương.
Từ nhiều nguyên nhân khác nhau như di dân tự do, du canh du cư… rất nhiều đồng bào DTTS tại Kon Tum thiếu đất ở, đất sản xuất, đời sống không ổn định và gặp nhiều khó khăn.
Được hỗ trợ 10.670,9m2 đất sản xuất vào năm 2015, bà Y Toa (làng KLeng, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, Kon Tum) rất vui mừng. Bà Y Toa chia sẻ: “Trước kia, gia đình tôi là hộ nghèo vì không có đất canh tác. Nhờ Nhà nước hỗ trợ, hơn 5 năm nay, tôi đã có một diện tích đất ổn định để trồng lúa. Đời sống gia đình tôi đã ổn định hơn rất nhiều và không còn là hộ nghèo nữa”.
Tương tự, hộ A Bích (thôn Măng Pành, xã Măng Cành, huyện Kon Plong) là một trong những hộ được hỗ trợ đất ở. A Bích phấn khởi nói: Tôi được nhà nước hỗ trợ 1 triệu đồng và 170m2 đất để làm nhà. Nhờ đó, gia đình tôi có nơi ở ổn định và yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế.
Ông U Minh Nam - Phó Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho biết, thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg và Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2013 - 2020, tỉnh Kon Tum đã thực hiện hỗ trợ đất ở bằng hình thức san tạo nền nhà cho 3.853 hộ, với diện tích 97,77ha, tổng kinh phí hỗ trợ 3,853 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương với định mức 1 triệu đồng/hộ.
Cùng với đó, Kon Tum đã hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho 1.116 hộ với diện tích 338,64ha, tổng kinh phí hỗ trợ 12,264 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương. Đối với những địa phương không bố trí được quỹ đất, người dân được hỗ trợ bằng cách chuyển đổi nghề, tương ứng 4.138 hộ, tổng phí hỗ trợ 20,688 tỷ đồng.
“Việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS đã góp phần tạo điều kiện cho các hộ làm nhà để ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển kinh tế gia đình; giải quyết một phần khó khăn về đất sản xuất cho người dân, từng bước tăng gia phát triển trồng trọt, chăn nuôi trên các diện tích được hỗ trợ để tăng thu nhập, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Qua đó, tăng sản lượng lương thực của địa phương, đồng thời hạn chế tình trạng phá rừng làm rẫy, góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn”, ông Nam nhận định.
Theo ông Nam, thời gian tới, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum sẽ phối hợp với Sở TN&MT, các Sở, ngành có liên quan và UBND các huyện tiến hành rà soát, xác định đối tượng cần hỗ trợ đất. Từ đó, phát triển quỹ đất để thực hiện Chương trình.
Ở những nơi có điều kiện về đất đai, sẽ sử dụng số tiền hỗ trợ từ ngân sách để tạo mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật để cấp đất ở cho người dân. Ở các địa phương không có điều kiện về đất đai thì sẽ bố trí kinh phí hỗ trợ cho người dân tự ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép. Đối với địa phương bố trí được đất sản xuất sẽ trực tiếp giao đất sản xuất; trường hợp địa phương không bố trí được đất sản xuất thì được hỗ trợ chuyển đổi nghề.
Dự kiến kinh phí Trung ương phân bổ cho tỉnh Kon Tum để triển khai thực hiện Chương trình trên, trong giai đoạn 2021 - 2025, Kon Tum sẽ tiếp tục hỗ trợ đất ở cho 120 hộ, hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho 676 hộ và chuyển đổi nghề cho 5.383 hộ.
“Kon Tum rất quan tâm việc phát triển quỹ đất để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất trong đồng bào DTTS. Nhờ đó, các hộ dân có điều kiện để ổn định sinh kế, phát triển sản xuất và giảm nghèo bền vững; góp phần thực hiện đạt chỉ tiêu về tỷ lệ hộ đồng bào DTTS có đất ở, đất sản xuất trên địa bàn tỉnh Kon Tum mà Nghị quyết Tỉnh ủy đã đề ra”, ông Nam cho hay.