Sơn La: Phấn đấu 100% người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh
(TN&MT) - Theo số liệu từ Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La, hiện nay, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh trên toàn tỉnh đạt 95%. Trong đó, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 65%.
Tại TP. Sơn La, trong giai đoạn 2016 đến nay, đã đầu tư xây mới, sửa chữa và nâng cấp 26 công trình cấp nước tập trung; xây dựng 162 công trình nhà tiêu hợp vệ sinh; đưa tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. Tỷ lệ hộ có nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh khu vực nông thôn đạt trên 81%; tỷ lệ hộ có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh đạt trên 79,5%.
Còn tại huyện Mai Sơn, hiện có trên 32.500 hộ dân khu vực nông thôn, trong đó, số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình nước tập trung là trên 8.000 hộ; từ các công trình nhỏ lẻ hộ gia đình, công trình phân tán trên 17.000 hộ. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh 100%, tỷ lệ số hộ được sử dụng nước sạch là 29%.
Ông Nguyễn Tường Thuật, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết: Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn từ các chương trình, dự án như Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; tái định cư thủy điện Hòa Bình, Sơn La; giảm nghèo bền vững; Chương trình 134, 135.... tỉnh Sơn La đã đầu tư xây dựng trên 1.635 công trình cấp nước tập trung nông thôn cho hơn 100.000 hộ dân.
Trong đó, từ năm 2020 tới nay, đã bàn giao và đưa vào sử dụng 22 công trình cấp nước tập trung, cấp nước sạch cho khoảng 64.710 người sử dụng. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%, trong đó, được sử dụng nước sạch đạt 65%. Chất lượng nước dùng ngày càng đảm bảo hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn nước nông thôn, hầu hết các công trình cấp nước qua hệ thống lọc. Việc quản lý, vận hành các công trình cấp nước được giao cho cộng đồng, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và hợp tác xã.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác truyền thông về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch dù được quan tâm triển khai nhưng hiệu quả chưa cao. Trên địa bàn một số xã, bản, ý thức người dân trong việc đóng tiền nước để duy trì hoạt động cho tổ quản lý còn thấp và không thực hiện được đúng mức, còn xảy ra tranh chấp dùng nước giữa các bản, dẫn đến việc sử dụng nước không đảm bảo. Một số công trình cấp nước đã đưa vào sử dụng nhiều năm, nên bị hư hỏng, xuống cấp không phát huy hiệu quả.
Trước hiện trạng trên, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã đẩy mạnh hướng dẫn, tập huấn nâng cao năng lực tự quản lý, vận hành công trình cho đội ngũ quản lý công trình các địa phương. Chú trọng bảo dưỡng một số hạng mục công trình phải hoạt động với công suất cao, chủ động, kịp thời khắc phục các sự cố trong quá trình vận hành. Tham mưu giúp chính quyền địa phương đưa ra tiêu chí lựa chọn, giao khoán công trình cho các tổ chức, cá nhân đủ năng lực; tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ công trình.
Đồng thời, các huyện, thành phố đã tăng cường kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm từ các hoạt động canh tác sản xuất nông nghiệp, có nguy cơ ảnh hưởng đến đầu nguồn nước; xử lý nghiêm những vi phạm về khoan giếng không đúng quy định. Vận động, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Tỉnh Sơn La cũng đã xây dựng Kế hoạch tuyên truyền nâng cao nhận thức về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2021 – 2025 với nhiều nội dung thiết thực, trọng điểm như: Xây dựng mô hình điểm xử lý nước thải nông thôn; Xây dựng hương ước, quy ước của tổ, bản, tiểu khu trong quản lý, bảo vệ công trình cấp nước, rừng đầu nguồn; Xây dựng mô hình tổ tuyên truyền và cụm dân cư sử dụng nước sạch và bảo vệ công trình cấp nước tập trung… Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; số hộ nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 80%.