Khoáng sản

Sửa các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản để tránh “lợi ích riêng, chi phí công”

Mai Đan 09/06/2023 - 16:15

(TN&MT) - Sáng 9/6, tại Vĩnh Phúc, trong khuôn khổ cuộc họp 2 ngày về tham vấn kinh nghiệm của chuyên gia để xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản, các chuyên gia, nhà quản lý đã tiếp tục góp ý cho dự thảo này.

img_4553.jpg
Ông Trần Phương - Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam điều hành cuộc họp

Cuộc họp do Cục Khoáng sản Việt Nam phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tổ chức từ ngày 8-9/6.

Góp ý về Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, đối với trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác, ông Hà Huy Anh, quản lý dự án, Dự án Quản lý cát bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), WWF-Việt Nam cho rằng trữ lượng khai thác cần dựa trên khả năng bồi hoàn tự nhiên của khoáng sản để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đối với hệ sinh thái, môi trường, kinh tế, xã hội, ví dụ, cát sông cần dựa trên khối lượng cát sông được vận chuyển từ thượng nguồn; đồng thời cũng cần dựa trên nhu cầu sử dụng của các thế hệ tương lai.

Đối với khai thác khoáng sản dưới nước như cát sông, WWF-Việt Nam khuyến nghị nên xem xét kỹ Điều về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ công trình, dự án quan trọng quốc gia trong Nghị định trên.

img_4469.jpg
Ông Hà Huy Anh, quản lý dự án, Dự án Quản lý cát bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), WWF-Việt Nam góp ý về các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản

Ông lý giải đây là khu vực chưa thực hiện các hoạt động thăm dò nên thiếu thông tin để quyết định trữ lượng khai thác, điều kiện địa hình đáy sông hay tính ổn định của bờ sông, điều này có thể gây hệ lụy rất lớn, khó kiểm soát khi thực hiện khai thác khoáng sản mà không có bất cứ đánh giá tác động môi trường nào được thực hiện.

Ông Hà Huy Anh cũng cho rằng cần bổ sung cơ chế giám sát để tránh khoáng sản phục vụ dự án công nhưng lại bán ra ngoài thị trường (sử dụng sai mục đích), đồng thời, cần có chế tài xử lý ở các văn bản pháp luật có liên quan cho hành vi thực hiện sai quy định.

img_4486.jpg
Ông Lại Hồng Thanh - Chánh Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia trao đổi với các đại biểu về các quy định liên quan đến khoáng sản đi kèm

Về Nghị định số 36/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, WWF-Việt Nam cho rằng cần xem xét lại căn cứ để xác định mức phạt với số tiền cụ thể đối với các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo tính răn đe cao đối với cá nhân hay tổ chức vi phạm để tránh hiện tượng cá nhân/tổ chức vi phạm xem hình phạt từ nhà nước như là “chi phí kinh doanh” có thể chấp nhận được.

Việc này cũng đảm bảo Nhà nước có đủ kinh phí để xử lý hậu quả của hành vi vi phạm gây ra bởi tổ chức hay cá nhân trong hoạt động khoáng sản mà không sử dụng nguồn ngân sách để khắc phục thay cá nhân/tổ chức vi phạm, từ đó tránh được câu chuyện “lợi ích riêng, chi phí công”.

img_4562.jpg
Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam, ông Mai Thế Toản cho biết đơn vị soạn thảo Nghị định sẽ ghi nhận, tiếp thu và giải trình cụ thể tất cả các ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định

Bên cạnh đó, đối với khai thác khoáng sản dưới nước rất khó xác định chủ thể gây ra các sự cố không mong muốn, do vậy, cần có cơ chế giám sát hoạt động khai thác để có thể xác định chủ thể gây tác động khi có sự cố xảy ra liên quan đến khai thác khoáng sản. Chẳng hạn, cần giám sát thay đổi hình thái sông/bờ ở khu mỏ khai thác cát để có thể ngăn chặn từ sớm các rủi ro sạt lở.

Đại diện WWF-Việt Nam cũng góp ý chỉnh sửa Nghị định số 67/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Cụ thể, cần xây dựng Thông tư về định giá khoáng sản có thể định giá để làm cơ sở cho đấu giá khoáng sản, thu thuế, phí một cách phù hợp để tránh “lợi ích riêng, chi phí công”, ngoài ra, giúp tránh bán khoáng sản rẻ ở thế hệ hiện tại nhưng phải nhập khẩu với giá đắt trong tương lai.

Việc định giá cần bao hàm những chi phí liên quan ảnh hưởng gián tiếp từ hoạt động khai thác khoáng sản như: chi phí nhà nước phải bỏ ra để di dời các hộ dân bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác, chi phí môi trường và chi phí duy tu/xây dựng công trình chống sạt lở.

Liên quan đến Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, theo ông Hà Huy Anh, cát sông đang trở nên khan hiếm và giảm chất lượng theo thời gian, do vậy, cần có chính sách thúc đẩy phát triển vật liệu thay thế.

img_4474.jpg
Toàn cảnh cuộc họp

Trong giai đoạn chuyển đổi từ phục thuộc gần như hoàn toàn vào cát sông sang vật liệu thay thế bền vững hơn, WWF-Việt Nam khuyến nghị khai thác cát sông nên dựa trên nguyên tắc là khả năng bồi hoàn của tự nhiên để tránh rủi ro sạt lở cho dòng sông và khu vực duyên hải đặc biệt với các đồng bằng có địa hình non trẻ; thiết lập một hệ thống giám sát vận chuyển cát ở cấp độ lưu vực sông để xây dựng ngân hàng cát cho toàn đồng bằng, ngân hàng cát giúp cung cấp thông tin cho Bộ TN&MT và các tỉnh có thể lập kế hoạch quản lý cát sông một cách bền vững.

Dựa trên kinh nghiệm của các nước trong cùng khu vực, Việt Nam cần bổ sung chiều dày cát tối thiểu có thể khai thác và chiều dày khai thác tối đa, khoảng cách tới túi nước ngầm, độ dốc, phương thức khai thác đồng thời 2 phía bên; hạn chế khai thác cát vào mùa mưa lũ tránh xúc tác sạt lở; tăng cường năng lực và trang thiết bị cho chính quyền địa phương để giúp thực hiện tốt hơn việc quản lý cát, sỏi lòng sông.

Tại cuộc họp, đại diện Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT), Phòng Kế hoạch - Tài chính và Kinh tế khoáng sản thuộc Cục Khoáng sản Việt Nam và Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng đã góp ý cho dự thảo Nghị định, trong đó chủ yếu tập trung vào khoáng sản đi kèm, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường...

Mai Đan