Biến đổi khí hậu

Mường Lát (Thanh Hóa): Linh hoạt giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu

Bài và ảnh: Thanh Tâm 08/06/2023 - 10:57

(TN&MT) - Nằm ở vùng núi cao của tỉnh Thanh Hóa, địa hình Mường Lát cơ bản là đồi núi, dân số ít và chủ yếu là đồng bào dân tộc. Nơi đây thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề trước các hiện tượng thời tiết cực đoan do tác động của biến đổi khí hậu. Vì vậy, rất cần thiết phải có các giải pháp cụ thể nhằm từng bước nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu trong cộng đồng và nhận thức của người dân về những hậu quả của thiên tai.

Nâng cao năng lực dự báo

Huyện Mường Lát có địa hình chủ yếu là đồi núi cao, hiểm trở, dốc lớn và chia cắt, cùng với đó, hệ thống sông, suối chằng chịt nhưng nhỏ hẹp và dốc là điều kiện cho bào mòn, rửa trôi và lũ ống, lũ quét xảy ra nhanh, cường độ mạnh. Đặc biệt dòng sông Mã hùng vĩ cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây lũ lụt nghiêm trọng đối với Mường Lát mỗi khi mùa mưa bão về.

7-1-.jpg
Ông Lê Xuân Tình (người bên trái trong ảnh) trong một lần đi làm nhiệm vụ.

Trạm Thủy văn Mường Lát là đơn vị có trách nhiệm theo dõi, phát hiện, đo đạc, quan trắc, tình hình mưa, lũ và các hiện tượng thiên tai trên địa bàn huyện. Đặc biệt là đo đạc, quan trắc dòng chảy trên sông Mã, đơn vị tham mưu cho lãnh đạo địa phương về lĩnh vực khí tượng thủy văn phục vụ sản xuất và phòng chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, phát triển an sinh xã hội bền vững.

Do vậy, trước mùa mưa bão, Trạm Thủy văn Mường Lát đã xây dựng kế hoạch công tác chi tiết và cụ thể, trên cơ sở nhiệm vụ phòng chống mưa lũ của Đài tỉnh, Đài khu vực và yêu cầu cụ thể của địa phương về công tác phòng chống mưa lũ. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ của Trạm, hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống có thể xảy ra, đo đạc, quan trắc đầy đủ theo quy định.

Bên cạnh đó, nghiên cứu nắm vững địa hình và đặc điểm của địa phương, chú trọng những nơi xung yếu, những vị trí trọng điểm về kinh tế, chính trị, khu dân cư ở địa phương, những tâm mưa lớn và những nơi thường xảy ra thiên tai sạt lở, lũ ống, lũ quét… nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại. Chủ động cũng như kết hợp với các cơ quan có liên quan trong tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho cộng đồng về Luật Phòng chống thiên tai, về khí tượng thủy văn.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, những năm qua đã xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như giá rét kéo dài, bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động bất thường, mưa biến động lớn, hạn hán nghiêm trọng… gây ra nhiều tổn thất to lớn về người và tài sản, tác động xấu đến môi trường.

Ông Lê Xuân Tình - Trạm trưởng Trạm Thủy văn Mường Lát cho biết: Ngành Khí tượng thủy văn phải chủ động hơn nữa trong việc cải thiện chất lượng các dịch vụ khí hậu, sao cho các dịch vụ khí hậu, thời tiết thủy văn dần trở thành một trong những công cụ quan trọng nhất nhằm giải quyết và thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần hạn chế tác hại của thiên tai, tận dụng những điều kiện thuận lợi của khí hậu, phục vụ tốt hơn nữa trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Nhiều giải pháp linh hoạt ứng phó với BĐKH

Biến đổi khí hậu ngày càng tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Thanh Hóa nói chung và Mường Lát nói riêng, là một trong những địa phương đã và đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Đó là khí hậu, thời tiết ngày càng biến đổi thất thường, nhiều hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa lớn, lũ quét, mưa đá, giá rét… xảy ra ngày càng nhiều hơn, cường độ cũng mạnh hơn, gây nhiều thiệt hại, do vậy, yêu cầu nâng cao khả năng ứng phó biến đổi khí hậu và nhận thức về hậu quả của thiên tai là cấp bách.

7-2-.jpg
Mường Lát là địa phương thường xuyên chịu thiệt hại về lũ quét, lũ ống

Về giải pháp công trình, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về ứng phó biến đổi khí hậu; hỗ trợ các địa phương phát triển và bảo vệ rừng đầu nguồn, chống xói mòn, sạt lở, làm giảm dòng chảy, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như điện gió, năng lượng mặt trời, công trình nước sạch... giảm bớt khai thác, đào bới… hoàn thiện các kênh, mương máng, khơi dòng tiêu thoát nước tốt trong mùa mưa lũ.

Quy hoạch khu dân cư, tránh nơi nhạy cảm trước mưa lũ, sạt lở; xây dựng các nhà cộng đồng tránh mưa lũ, thực hiện “4 tại chỗ” và bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Tăng cường quản lý và sử dụng đất rừng hợp lý, có cơ chế chính sách phù hợp với địa phương trong quản lý và sử dụng đất rừng, bảo vệ môi trường. Xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm thiên tai trong cộng đồng như đài truyền thanh công cộng, còi báo động, các trang tin điện tử để thông tin, cập nhật nhanh nhất đến người dân các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết.

Có các cơ chế chính sách hỗ trợ người dân trong bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn, trồng rừng phòng hộ. Tăng cường tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và lao động sản xuất, giảm nghèo. Tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về kỹ năng ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm người dân nhận thức đúng và đầy đủ về những biểu hiện, nguyên nhân và hậu quả của biến đổi khí hậu. Tham quan những mô hình, cách làm hiệu quả trong ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường điển hình tại các địa phương. Tăng cường tuyên truyền, nêu gương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu nhằm tạo sự lan tỏa cho nhân dân hưởng ứng và thực hiện.

Đồng thời, thường xuyên cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, phương án ứng phó với thiên tai, tăng cường hỗ trợ đầu tư cho các làng bản còn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác dự báo và tổ chức chỉ đạo ứng phó với thiên tai.

Bài và ảnh: Thanh Tâm