Chủ đầu tư tung kích cầu: Thị trường BĐS dần có thanh khoản
(TN&MT) - Trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) tại khu vực phía Nam nói chung, TP.HCM nói riêng ảm đạm, thanh khoản chậm, nhiều chủ đầu tư (CĐT) đã tung ra các chính sách kích cầu để hâm nóng thị trường. Song, chỉ một số dự án ghi nhận có giao dịch, phần còn lại của thị trường vẫn khá trầm lắng.
Chủ đầu tư kích cầu
Hiện nay, các doanh nghiệp BĐS đã bắt đầu ra mắt và mở bán các dự án. Song, tâm lý nhà đầu tư (NĐT) trở nên thận trọng hơn khi thị trường vẫn đang bất ổn và áp lực tài chính đè nặng do mặt bằng lãi suất vẫn còn ở mức cao, nên nhiều CĐT đã có chính sách bán hàng ưu đãi hướng đến giải bài toán tài chính cho người mua nhà.
“Trong giai đoạn này, có nhiều cơ hội cho các NĐT BĐS chuyên nghiệp và người mua ở thực khi các CĐT và đơn vị phân phối sản phẩm BĐS đang đưa ra nhiều chính sách bán hàng ưu đãi chưa từng có để kích cầu. Do đó, những người đang dự trữ sẵn tiền mặt có thể mua được sản phẩm ưng ý với mức giá phù hợp”.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn
Gần đây, dự án căn hộ tại quận Bình Tân (TP.HCM) của Nam Long có gần 50 giao dịch ở thị trường sơ cấp. Điểm chính của giao dịch của dự án này ngoài mức giá đáp ứng số đông thì CĐT bắt đầu hỗ trợ lịch thanh toán. Ngay khi chính sách thanh toán được ban hành, lượng giao dịch tăng lên. CĐT chia nhỏ lịch thanh toán thành 7 đợt trong vòng 17 tháng đến lúc nhận nhà; hỗ trợ lãi suất mức thấp, kéo dài 18 - 24 tháng.
Hay một dự án căn hộ chung cư tại phường Long Trường, TP. Thủ Đức (TP.HCM) cũng đã bán được 50 căn. Đây được xem là lượng tiêu thụ khá bất ngờ trong bối cảnh thị trường ảm đạm hiện nay. Còn tại khu Nam TP.HCM, trung bình một dự án căn hộ bán 7 - 10 căn/tháng. Đây là lượng tiêu thụ khá khiêm tốn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tốt hơn so với quý 1/2023. Việc CĐT chẻ nhỏ tiến độ thanh toán giúp người mua “dễ thở” nên quyết định xuống tiền.
Theo nhận định của các chuyên gia, trước những khó khăn chung của thị trường BĐS, ở thị trường sơ cấp, các CĐT đã có xu hướng đẩy mạnh mức chiết khấu thanh toán nhanh, cá biệt ở một số dự án lên đến 40 - 50% khi thanh toán trước đến 95% giá trị hợp đồng nhằm kích cầu thị trường. Thị trường xuất hiện cơ hội cho những NĐT có dòng tiền sẵn mua được BĐS vị trí đẹp, giá tốt mà trước đây rất khó dù có tiền cũng chưa chắc sở hữu được. Tuy nhiên, sức mua còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như uy tín, năng lực của CĐT, tính pháp lý của dự án, giá bán sản phẩm…
Thanh khoản vẫn chậm
Nhận định về thị trường BĐS tại TP.HCM và các tỉnh lân cận trước việc nhiều CĐT tung các chính sách kích cầu, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, có vẻ như nghịch lý đang diễn ra trên thị trường, đó là dù có nhiều ưu đãi nhưng thanh khoản trên thị trường vẫn còn chậm. Nhiều doanh nghiệp hiện đang tung sản phẩm ra thị trường với nhiều chính sách ưu đãi nhưng để bán được hàng không hề đơn giản. Chỉ những dự án được đầu tư bởi các doanh nghiệp uy tín, có năng lực tài chính và có chính sách bán hàng hợp lý là vẫn bán được hàng. Còn phần lớn các dự án mà CĐT chưa tạo dựng được thương hiệu, chưa tạo được niềm tin cho khách hàng vẫn trong cảnh ế ẩm dù tung nhiều chiêu kích cầu.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc Bộ phận Nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, khó khăn chính trên thị trường tập trung vào hai vấn đề là pháp lý dự án và áp lực tại chính cả CĐT lẫn NĐT. Nếu CĐT cần thanh khoản nhanh để giải quyết an toàn dòng tiền và áp lực tài chính thì sẽ triển khai các chính sách bán hàng với nhiều ưu đãi. Hiện có rất nhiều dự án không sẵn sàng về mặt pháp lý để có thể triển khai kinh doanh. Ngay cả khi nhiều CĐT chấp nhận “bán lúa non” thông qua việc giảm giá mạnh cũng vấp phải sự e dè của phía khách hàng. Bản thân các CĐT cũng không dám tung ra quá nhiều chính sách ưu đãi vì sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của nhóm NĐT cũ. Về phía khách hàng, nhóm NĐT cũng đang e ngại thị trường có nhiều rủi ro nên chỉ cân nhắc đầu tư vào những dự án thực sự tiềm năng, năng lực CĐT tốt.
Dự báo về triển vọng thị trường BĐS trong giai đoạn hiện nay, ông Võ Hồng Thắng - Phó Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển của DKRA Group cho hay, thị trường BĐS vẫn gặp khó khăn nhưng đến quý 4/2023 hoặc chậm nhất là quý 1/2024 sẽ khởi sắc hơn. Những dự báo dựa trên các cơ sở như hàng loạt chính sách chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho thị trường, gỡ rối pháp lý dự án được ban hành; có hướng tháo gỡ đối với vốn BĐS; lãi suất cho vay cũng sẽ có chiều hướng hạ nhiệt; nội tại của doanh nghiệp, CĐT chủ động, linh hoạt ứng biến trước những thay đổi liên tục của thị trường… sẽ giúp thị trường BĐS hồi phục và phát triển lành mạnh hơn trong thời gian tới.