Doanh nghiệp - doanh nhân

 EVN phản hồi về khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng và việc nhập khẩu điện

Phương Hà 07/06/2023 - 21:24

Ngày 3/6/2023, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Trần Đình Nhân đã có văn bản gửi đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) phản hồi về  khoản lỗ 26.235 tỷ đồng và việc nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc mà không mua điện gió và điện mặt trời.

Thông tin tới đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên về khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng của tập đoàn năm 2022, EVN cho biết, giá bán lẻ điện bình quân bán cho khách hàng sử dụng điện theo biểu giá điện do Chính phủ quy định thực hiện trong năm 2022 là 1.882,73 đồng/kWh, trong khi đó giá thành mua điện từ các nhà máy điện (bao gồm cả chi phí truyền tải, phân phối - bán lẻ, phụ trợ) là 2.032,26 đồng/kWh. Vì vậy, với mỗi kWh bán cho khách hàng sử dụng điện thì EVN lỗ 149,53 đồng, làm EVN lỗ sản xuất kinh doanh điện là 36.294,15 tỷ đồng năm 2022.

dambaodien7623.jpg
Tại cuộc họp báo chiều ngày 7/6, ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN mong khách hàng doanh nghiệp, người dân thông cảm và chia sẻ với tình huống khó khăn hiện nay

Nhờ có thu nhập từ các hoạt động khác liên quan tới sản xuất kinh doanh điện là 10.058,36 tỷ đồng, nên số lỗ tổng hợp năm 2022 của EVN là 26.235,78 tỷ đồng.

Theo EVN, giá thành mua điện từ các nhà máy điện bán tới khách hàng bao gồm giá thành khâu phát điện, giá thành khâu truyền tải, khâu phân phối - bán lẻ, khâu phụ trợ. Trong đó, giá thành khâu phát điện chiếm tỷ trọng chủ yếu.

Năm 2022, giá thành khâu phát điện chiếm tỷ trọng 83,6%; các khâu truyền tải, phân phối - bán lẻ và phụ trợ chỉ chiếm tỷ trọng 16,4%. Do các thông số đầu vào khâu phát điện năm 2022 tăng đột biến làm giá thành khâu phát điện tăng mạnh, từ 1.506,4 đồng/kWh năm 2021 lên 1.698,45 đồng/kWh năm 2022.

Cùng với đó, năm 2022, các nhà máy điện hạch toán phụ thuộc EVN sản xuất với sản lượng chỉ chiếm 20% tổng sản lượng điện năng của hệ thống với giá điện bình quân là 859,9 đồng/kWh. Với vai trò là người mua duy nhất, để đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, EVN cho biết đã phải mua 80% sản lượng điện năng còn lại từ các nhà máy điện độc lập theo các hợp đồng mua bán điện và giá điện được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt với giá điện bình quân 1.757,5 đồng/kWh (chưa bao gồm chi phí truyền tải, phân phối - bán lẻ, phụ trợ) để cung cấp cho khách hàng.

Ngoài nhiệm vụ của một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điện, EVN còn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Chính phủ giao trong đầu tư lưới truyền tải và mạng lưới bán điện đến cả vùng núi, hải đảo và bán thấp hơn giá thành để góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng tại các địa bàn trọng điểm.

"Với cơ chế điều tiết giá bán lẻ điện như hiện tại của Chính phủ, EVN đang là doanh nghiệp đứng ra chịu toàn bộ khoản lỗ sản xuất kinh doanh năm 2022 thay cho các khách hàng sử dụng điện" - báo cáo của EVN nêu rõ.

02.png

Trả lời về vấn đề tại sao lại nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc mà không mua điện gió và điện mặt trời, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết sản lượng điện nhập khẩu tương đối nhỏ, trong đó nhập từ Lào khoảng 7 triệu kWh/ngày, Trung Quốc 4 triệu kWh/ngày. Sản lượng điện toàn quốc là trên 850 triệu kWh/ngày, riêng miền Bắc cũng là 450 triệu kWh/ngày trong khi tổng sản lượng điện nhập khẩu khoảng hơn 10 triệu kWh/ngày nên tỷ trọng điện nhập khẩu rất thấp, chưa tới 1,3% toàn quốc.

Những nguồn này không hẳn là thiếu mới nhập. Việt Nam đã mua điện của Trung Quốc từ năm 2005, còn nhập khẩu điện từ Lào theo hiệp định liên Chính phủ. Việt Nam cũng bán điện sang Campuchia từ rất lâu dựa trên các hiệp định giữa các nước láng giềng với nhau.

Hơn thế, năng lượng tái tạo thời gian qua phát triển mạnh nhưng chủ yếu chỉ nằm ở khu vực miền Trung và miền Nam, trong khi khó khăn về cung cấp điện trong một số thời điểm lại diễn ra ở miền Bắc. Đồng thời, do giới hạn về mặt kỹ thuật để bảo đảm vận hành an toàn các đường dây truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam nên các nguồn điện bổ sung ở miền Trung và miền Nam cũng không hỗ trợ được cho miền Bắc.

01(1).jpg
Dự án Nhà máy điện gió Phong Liệu ở huyện Hướng Hóa. Ảnh: PL

Về việc đàm phán, ký hợp đồng mua bán điện các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, EVN đã tập trung cao nhất vào việc đàm phán, thống nhất giá tạm, báo cáo Bộ Công Thương phê duyệt để nhanh chóng đưa các dự án đã hoàn thành xây dựng vào vận hành theo đúng quy định của pháp luật trong thời gian sớm nhất.

EVN đã thành lập nhiều Tổ đàm phán để sẵn sàng trao đổi và hướng dẫn giải quyết các vướng mắc, xử lý dứt điểm các vấn đề thuộc trách nhiệm của EVN như gia hạn thỏa thuận đấu nối, thử nghiệm nghiệm thu. Ngoài ra, EVN đã tổ chức nhiều cuộc họp với tất cả các chủ đầu tư có đại diện của Bộ Công Thương để tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình đàm phán.

Đến ngày 31/5/2023, có 50 dự án với tổng công suất hơn 2.751 MW chủ đầu tư đề nghị giá điện tạm thời bằng 50% giá trần của khung giá phát điện cho từng loại hình ban hành theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 19/01/2023 của Bộ Công Thương; trong đó EVN đã trình Bộ Công Thương và được Bộ Công Thương phê duyệt 40 dự án với tổng công suất hơn 2.368 MW. Trong đó có 7 dự án/phần dự án với tổng công suất 430,22 MW đã hoàn thành thủ tục công nhận vận hành thương mại và phát điện lên lưới.

Các dự án/phần dự án còn lại đang hoàn tất chương trình thử nghiệm, hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan (quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư về tiến độ thực hiện của dự án, quyết định giao đất, giấy phép xây dựng, giấy phép hoạt động điện lực, kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền...) để đủ điều kiện đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất.

Phương Hà